WHO cảnh báo: 3 triệu người trên thế giới chết mỗi năm vì "sát thủ" bạn đối mặt hàng ngày

Nguyễn Hằng |

Khiến hàng triệu người trên thế giới chết sớm mỗi năm, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu đang âm thầm gieo rắc thảm họa cho con người.

Ô nhiễm không khí đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng triệu người trên thế giới chết sớm vì ảnh hưởng của không khí bị ô nhiễm mỗi năm.

Ô nhiễm không khí là một vấn đề lớn không chỉ đối với những người sống trong các thành phố lớn "báo động đỏ" và còn gây nên tình trạng nóng lên toàn cầu, thiệt hại nghiêm trọng đến tầng ozon và ảnh hưởng đến con người ở nhiều mặt.

Để hiểu hơn về vấn nạn ô nhiễm không khí và hệ lụy tác động của biến đổi khí hậu, hãy theo dõi những chia sẻ cụ thể dưới đây của chuyên gia Chris Woodford, cây viết khoa học, công nghệ chuyên nghiệp, người có những tác phẩm khoa học bán chạy nhất nước Anh, về vấn đề ô nhiễm không khí.

"Ô nhiễm môi trường không phải là vấn đề của riêng một ai." - Chris Woodford.

Chuyên gia định nghĩa ô nhiễm không khí

Không khí là một yếu tố không thể thiếu đối với sự sinh tồn và phát triển của mọi sinh vật trên Trái đất. Chúng ta có thể nhịn ăn trong vài ngày nhưng không thể ngừng thở trong vài phút.

Không khí gần như hoàn toàn được tạo thành từ 78% Nitơ và 21% oxy, với một vài loại khí khác (như CO2, Argon...).

Những thành phần trong không khí cần cho hô hấp của con người, động vật cũng như quá trình quang hợp của thực vật. Tuy nhiên, nhiều người trong số chúng ta vẫn chưa nhận diện được tình trạng không khí bị ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí, làm cho không khí không sạch, hoặc phát sinh các chất gây ô nhiễm được thải ra trong một lượng lớn có thể gây hại đến sức khỏe của con người và động, thực vật, làm cho không khí biến đổi, gây mùi khó chịu, giảm tầm nhìn...

WHO cảnh báo: 3 triệu người trên thế giới chết mỗi năm vì sát thủ bạn đối mặt hàng ngày - Ảnh 3.

Ô nhiễm không khí - hiểm họa đáng sợ, đe dọa Trái đất. Ảnh: Universe Today

Một ví dụ cụ thể, nếu nồng độ khí CO2 trong không khí là dưới 0,05% thì đây là mức an toàn cho sức khỏe con người, nhưng nếu không khí có nồng đồ CO2 từ 5-10%, nó có thể gây ngạt và khiến người chết chỉ trong vài phút. Hơn nữa, nhờ tác động của gió, ô nhiễm không khí phân tán càng nhanh hơn.

Theo các nhà khoa học, có nhiều nguồn gây ra ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, chúng thường được phân chia thành hai loại chính đó là nguồn tự nhiên và nguồn nhân tạo.

Nguồn tự nhiên gây ô nhiễm không khí có thể từ những hoạt động của núi lửa (phun trào nham thạch và khói bụi nhiều khí sunfua, methane,...), cháy rừng (phát thài nhiều bụi và khí), bão bụi do gió mạnh và bão, mưa bào mòn đất sa mạc và các quá trình phân hủy, thối rữa của xác động vật trong môi trường tự nhiên...

Nguồn nhân tạo cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu là do các hoạt động của con người trong các hoạt động công nghiệp, đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, các phương tiên giao thông vận tải...

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Trên thực tế, bất cứ hoạt động liên quan đến việc đốt cháy, sử dụng hóa chất hoặc các hoạt động công nghiệp đều sản xuất ra một lượng bụi có khả năng gây ô nhiễm không khí. Nếu như cách đây một, hai thế kỷ trước, nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí rất dễ các định.

Đó là hệ lụy đáng sợ của những cuộc cách mạng công nghiệp kéo theo ô nhiễm ghê gớm. Mặc dù ngày nay nhận thức của con người về môi trường cao hơn nhưng việc giải quyết bài toán các nhà máy gây ô nhiễm ở các quốc gia hậu công nghiệp vẫn còn không ít khó khăn.

- Quay trở lại thời kỳ hiện đại, ô nhiễm không khí là do đâu?

"Thủ phạm" lớn nhất hiện nay gây ô nhiễm không khí là các hoạt động giao thông, dù các nhà máy gây ô nhiễm cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ.

WHO cảnh báo: 3 triệu người trên thế giới chết mỗi năm vì sát thủ bạn đối mặt hàng ngày - Ảnh 4.

Ô nhiễm không khí có thể do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Internet

Các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp và hóa chất, các phương tiện giao thông trong quá trình hoạt động đã tạo ra một lượng lớn các khí sulfur dioxide, nitơ oxit, CO2 và nhiều khí khác.

Trong số đó, CO2 được coi là nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu khi nó tăng lên và tích tụ trong bầu khí quyển.

Ngoài ra, việc xử lý rác thải bằng cách thiêu đốt thay vì chôn lấp hoặc tái chế cũng có thể gây ô nhiễm không khí vì tồn dư nhiều chất độc hại và phát thải nhiều khói, bụi.

Tác hại khủng khiếp của ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí có thể gây hại cho sức khoẻ của người và động vật, làm hỏng mùa màng hoặc ngăn chặn chúng phát triển tốt và làm cho thế giới của chúng ta trở nên khó chịu và tổn hại nghiêm trọng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là một trong những "thủ phạm giết người" lớn nhất trên thế giới. Thảm họa ô nhiễm không khí có thể làm cho khoảng 3 triệu người chết sớm mỗi năm.

Con người tiếp xúc với khói bụi trong thời gian dài sẽ có thể mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, phổi, tim mạch,...

Theo như thống kê của WHO, hằng năm trên thế giới có khoảng 2 triệu trẻ em tử vong do nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, trong đó 60% liên quan đến ô nhiễm không khí.

WHO cảnh báo: 3 triệu người trên thế giới chết mỗi năm vì sát thủ bạn đối mặt hàng ngày - Ảnh 5.

Ô nhiễm không khí đang "càn quét" nhiều quốc gia. Ảnh: Getty Images/BBC.

Số người tử vong vì không khí ô nhiễm tập trung cao ở các quốc gia đang phát triển (như Ấn Độ, Afghanistan, Iran, Qatar,... ) và cường quốc công nghiệp (như Mỹ, Trung Quốc, Anh,...) với ước tính 41.000 người chết/năm (chỉ tính riêng ở Mỹ).

Mọi người thường không ngờ tới tác hại khủng khiếp của ô nhiễm không khí, "tử thần" gieo rắc cái chết lặng lẽ và không ngừng nghỉ hiện nay.

Ô nhiễm không khí không chỉ khiến con người gặp phải các vấn đề về tim mạch, hô hấp, chức năng phổi suy giảm mà còn chịu nhiều thay đổi thất thường liên quan đến sinh lý và sinh hóa trong cơ thể. Một nghiên cứu mới đây của Đại học Washington (Mỹ) cho thấy rằng, con người đang bị mất ngủ vì ô nhiễm không khí.

Ở một khía cạnh khác, ô nhiễm không khí tác động không nhỏ đến quá trình nóng lên toàn cầu cũng như biến đổi khí hậu.

Quá trình chuyển biến với biểu biện nhiệt độ tăng cao, thời tiết diễn biến cực đoan đã, đang và sẽ gây ra những tổn thất to lớn không chỉ đối với sức khỏe con người mà còn ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản,...

Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các loài sinh vật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, gây biến đổi khí hậu (biểu hiện rõ rệt là nóng lên toàn cầu gia tăng), hiện tượng mưa axit, suy giảm tầng ozon,...

Ô nhiễm không khí "kích hoạt" biến đổi khí hậu gia tăng

Ô nhiễm không khí là một trong những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, biểu hiện cụ thể nhất của biến đổi khí hậu chính là sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng cao với biểu hiện là những năm nóng kỷ lục như năm 2016 vừa qua.

Cụ thể, theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết năm 2016 là năm nóng nhất kể từ khi nhân loại bắt đầu lưu giữ các hồ sơ đáng tin cậy về nền nhiệt trên Trái Đất.

Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất năm 2016 ở mức 14,8 độ C, tức là cao hơn 1,3 độ C so với giai đoạn Tiền công nghiệp (trước thế kỷ 18).

Hậu quả của những cơn "sốc nhiệt" này khiến cho rất nhiều người trên thế giới thiệt mạng và rơi vào tình trạng khan hiếm nước trầm trọng. Bên cạnh đó, nóng lên toàn cầu gia tăng còn khiến cho mực nước nước biển có nguy cơ dâng cao do tình trạng băng tan ở hai cực.

WHO cảnh báo: 3 triệu người trên thế giới chết mỗi năm vì sát thủ bạn đối mặt hàng ngày - Ảnh 6.

Ô nhiễm không khí kéo theo lo ngại về biến đổi khí hậu. Ảnh: Internet

Sự chuyển biến thất thường và đột ngột này có thể kéo theo hàng loạt những thàm họa tiềm ẩn khôn lường, đe dọa môi trường sống của con người và nhiều loài sinh vật trên Trái đất.

Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần tác động tới tự nhiên mà còn là thách thức về kinh tế, xã hội của nhân loại.

Tìm kiếm những giải pháp đẩy lùi ô nhiễm không khí

Đứng trước nhiều thách thức và sức ép từ ô nhiễm không khí, câu hỏi mà nhân loại quan tâm là làm thế nào để giải quyết vấn nạn nhức nhối này.

Ô nhiễm không khí diễn biến với nhiều quy mô và cũng ẩn chứa nhiều vấn đề liên quan khác nhau. Do đó, chúng ta cần phải tìm kiếm những giải pháp phù hợp và hiệu quả đối với từng khu vực.

WHO cảnh báo: 3 triệu người trên thế giới chết mỗi năm vì sát thủ bạn đối mặt hàng ngày - Ảnh 7.

"Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề riêng lẻ của bất cứ ai" mà tất cả chúng ta cần phải chung tay hành động để có thể làm sạch nó. Ảnh: Internet.

Trong thực tế, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các giải pháp công nghệ để cải thiện tình trạng không khí ô nhiễm như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Thụy Điển, Hà Lan,...

Các giải pháp gần gũi và thân thiện với môi trường như sản xuất xe điện, xe chạy bằng nhiên liệu ít ô nhiễm, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, năng lượng sạch (pin Mặt trời, năng lượng gió,...) và nhiều cải tiến thông minh trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí và môi trường.

Ngoài ra, việc đưa ra các quy định, điều luật cũng như các chế tài xử phạt cũng được xem là một trong những giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn những sai phạm làm "bùng nổ" ô nhiễm không khí ở các quốc gia và trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, nhận thức và hành động của con người vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết ô nhiễm không khí.

Chris Woodford cho rằng, "ô nhiễm không khí không phải là vấn đề riêng lẻ của bất cứ ai" mà tất cả chúng ta cần phải chung tay hành động để có thể làm sạch nó.

Chris Woodford (Sinh năm 1943), là một nhà văn khoa học và công nghệ nổi tiếng ở Anh. Ông có nhiều bài viết về khoa học thành công và nhiều cuốn sách khoa học được xếp vào loại bán chạy nhất.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge về khoa học tự nhiên, ông có nhiều bài viết khoa học được đánh giá cao, chuyên nghiệp và đạt được nhiều giải thưởng lớn.

Mới đây nhất, Chris Woodford giành giải thưởng viết về khoa học năm 2016 do Viện Vật lý Mỹ trao tặng.

Link gốc: Explainthatstuff.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại