Năm nay, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos được tổ chức lần thứ 49.
Người sáng lập ra khuôn khổ diễn đàn này, ông Klaus Schwaab, cho biết có khoảng 3000 người tham dự, trong đó có từ 65 đến 70 vị đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ các quốc gia trên thế giới, khoảng 300 bộ trưởng, hơn 1000 vị đứng đầu các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và vô vàn nhà báo, phóng viên.
Ngôi làng nghỉ đông Davos heo hút của Thụy Sỹ trở thành tâm điểm của thế giới trong một vài ngày và WEF Davos trở thành một thương hiệu sáng giá cho Thụy Sỹ.
Bí quyết thành công của WEF Davos là thu hút được sự tham gia rất đông đào của chính giới và dư luận trên thế giới, nó đề ra sứ mệnh cho mình là giúp cho "thế giới trở nên tốt đẹp hơn", nhưng không theo đuổi tham vọng là đạt những kết quả có tính ràng buộc với các thành viên tham dự, tức là chỉ để gặp gỡ và trao đổi, phát biểu và tranh luận, tham dự hoạt động chung và xử lý chuyện riêng, chứ không nhất thiết phải đi tới thống nhất quan điểm với nhau, lại càng không có quyết định cuối cùng hay tuyên bố chung nào.
Hạn chế đối với WEF Davos cũng chính ở đấy. Vì thế mà WEF Davos bị coi là sự kiện thuộc diện "đến hẹn lại lên", có tầm vóc thế giới nhưng rồi sau đấy lại nhanh chóng bị quên lãng, và mọi ý kiến, đánh giá, dự báo... ở đó, dẫu có sai thì cũng chẳng sao cả.
WEF Davos 2019 - Đến hẹn lại lên, qua rồi dễ quên
WEF Davos năm nay không có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - hai cặp quan hệ song phương Mỹ-Nga và Mỹ-Trung hiện chi phối tình hình chính trị an ninh và hợp tác kinh tế, thương mại của thế giới. Cho nên, ngay từ đầu, WEF Davos năm nay đã bị phủ bóng đen bởi thực trạng "lượng dẫu có lớn cũng không thể bù lấp cho thiếu hụt về chất".
Theo ông Schwaab, chủ đề của WEF Davos năm nay là "Toàn cầu hóa 4.0: Xây dựng cấu trúc mới trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
Công nghiệp 4.0 hay Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì thế giới đã bàn luận đến nhiều, nhưng khái niệm "Toàn cầu hóa 4.0" thì xem ra lại rất mới và cả ông Schwaab cũng đã không đưa ra được định nghĩa cụ thể.
Cho nên cách hiểu chung về "Toàn cầu hóa 4.0" ở WEF Davos năm nay xem ra là "Toàn cầu hóa ở thời đại Công nghiệp 4.0", tức là toàn cầu hóa dưới tác động của Công nghiệp 4.0, của những thách thức về môi trường sinh thái, của sự lung lay của trật tự đa phương thế giới và của sự bất bình đẳng ngày càng tăng trên mọi phương diện.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy không thuận lợi cho WEF Davos năm nay. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) không lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới. Xung khắc thương mại gia tăng. Các vấn đề về môi trường sinh thái và xã hội thêm trầm trọng và vẫn bế tắc trong giải pháp. Chủ nghĩa dân túy và dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ ở không ít nơi. Tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của xu hướng số hóa ngày càng thêm sâu sắc. Mức độ sẵn sàng hợp tác với nhau giữa các quốc gia trên thế giới để giải quyết các vấn đề trên hiện tại không được cao và không đủ mức cần phải có để giải quyết được những vấn đề ấy.
WEF Davos năm nay đề cập đến đúng vấn đề, nhưng không đưa ra được ý tưởng hay kiến giải nào mới ngoài nhắc lại những cảnh báo về rủi ro và kêu gọi các nước, các bên tăng cường hợp tác.
Cùng với việc WEF Davos sau ngần ấy năm lập danh và thành danh trên thế giới cũng đã ngày càng thêm phổ biến cách tiếp cận không quá khắt khe trong đánh giá hiệu quả thiết thực của khuôn khổ diễn đàn này. Nhưng điều không thể phủ nhận là có nó vẫn còn hữu ích hơn không có nó rất nhiều đối với thế giới.
Vì thế, cho dù sự kiện lớn cứ qua rồi là nhanh chóng dễ bị quên thì năm sau lại vẫn đến hẹn lại lên.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.