Theo nguồn tin, ông Haniyeh, nhà đàm phán chính của nhóm vũ trang Palestine trong các cuộc đàm phán ngừng bắn gián tiếp với phái đoàn Israel, đã bị ám sát tại Tehran vào tuần trước, vài giờ sau khi tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Vụ việc này đã làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực vì Iran đã thề sẽ trừng phạt Israel một cách nghiêm khắc.
Những người thân cận với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với tờ Washington Post hôm 6/8 rằng giới chức Nhà Trắng đã “ngạc nhiên và phẫn nộ” khi nhận được thông tin về vụ ám sát thủ lĩnh Hamas.
Theo các nguồn tin, Washington tin rằng động thái của chính quyền Israel là một “thất bại” trong nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, nơi giao tranh vẫn tiếp diễn kể từ khi Hamas bất ngờ tấn công Israel vào ngày 7/10/2023.
Về mặt công khai, Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho đến nay không xác nhận cũng không phủ nhận trách nhiệm về vụ ám sát Haniyeh. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington “không biết và không liên quan đến” vụ ám sát, mặc dù Israel là đồng minh thân cận nhất của nước này ở Trung Đông.
Các nguồn tin của tờ Washington Post cũng tiết lộ mâu thuẫn giữa Mỹ và Israel ngày càng gia tăng sau vụ ám sát ông Haniyel. Một quan chức Israel mô tả cuộc điện đàm giữa ông chủ Nhà Trắng với Thủ tướng Netanyahu diễn ra ngay sau vụ ám sát Haniyeh là “căng thẳng”.
Một số quan chức chính quyền Mỹ cũng đã nói rằng nhiều người trong Nhà Trắng hiện coi Thủ tướng Netanyahu, chứ không phải Iran, là “quân bài” chủ chốt trong việc ngăn chặn một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh diễn ra một ngày sau khi Israel xác nhận rằng nước này đã “loại bỏ” chỉ huy cấp cao của lực lượng Hezbollah, ông Fuad Shukr, trong một cuộc không kích vào thủ đô Beirut của Liban. Trước đó, Tel Aviv đã tấn công cảng Hodeidah do Houthi kiểm soát của Yemen, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và gần 100 người bị thương.
Tuy nhiên, hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy ông Biden sẵn sàng gây áp lực đáng kể lên Israel để kiềm chế các hành động của nước này, tờ Washington Post trích dẫn các nguồn tin cho hay.
Thay vào đó, Mỹ đã triển khai thêm các khí tài quân sự, bao gồm một phi đội máy bay phản lực F-22 và tàu khu trục hạm, đến khu vực này để hỗ trợ Israel đáp trả sự trả đũa có thể xảy ra của Iran.
Theo trang tin Axios, hôm 4/8, Ngoại trưởng Blinken đã cảnh báo các đồng minh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) rằng Iran và Hezbollah có thể tấn công Israel trong 24 đến 48 giờ tới để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas và chỉ huy cấp cao của Hezbollah.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cũng tuyên bố Iran không muốn leo thang căng thẳng trong khu vực nhưng cần phải “trừng phạt” Israel để ngăn chặn tình trạng bất ổn hơn nữa, sau vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh của Hamas tại Tehran.
“Iran muốn thiết lập sự ổn định trong khu vực, nhưng điều này chỉ có thể đạt được khi trừng phạt kẻ gây hấn và tạo ra sự răn đe đối với chủ nghĩa phiêu lưu của Israel”, ông Kanaani nêu rõ, đồng thời cho biết hành động từ Iran là “không thể tránh khỏi”.