Mùa thu năm 2004, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải chịu một cú đòn mà có lẽ ông không bao giờ quên. Vị tổng thống Ukraine thân Điện Kremlin Viktor Yanukovych đã bị lật đổ sau hàng loạt cuộc biểu tình xảy ra tại Kiev do cáo buộc ông gian lận bầu cử, và chức tổng thống về tay đối thủ Viktor Yushchenko sau cuộc bỏ phiếu lại.
Cái được gọi là "cách mạng Cam" đã biến thành mô hình thể hiện làn sóng phản đối trước sự "phù phép" kết quả bầu cử ở những quốc gia chuyên chế thuộc khu vực Á-Âu, như Kirgizia, Belorusia, Azerbaizan, (dù không rõ sự phù phép ấy có thật hay không).
Phần lớn các cuộc nổi dậy này không mang lại kết quả.
Tuy nhiên, một bài viết trên báo Mỹ Washington Post (WaPo) cho rằng, ý tưởng về "cách mạng màu" đã đeo đuổi Putin và ông tin rằng đó không phải hành động tự phát và tự diễn biến từ bên trong.
Tác giả Jackson Diehl, phó chủ biên mục bình luận của WaPo nhận định rằng, trong quan điểm của Putin, những cuộc nổi dậy ở khu vực Á - Âu có sự hậu thuẫn của Mỹ và đặc biệt, các cuộc biểu tình diễn ra ở Moscow 4 năm trước do chính bàn tay Hillary Clinton dàn xếp.
Diehl cho rằng, trong bối cảnh đó, việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ là hoàn toàn có thể hiểu được (Cho dù Kremlin và đích thân Putin đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc tương tự từ phía Mỹ - ND).
Cây bút nổi tiếng của WaPo nhận định, có thể Putin đang dùng chiêu "gậy ông đập lưng ông" - có nghĩa là kích động một cuộc "cách mạng màu" ở Mỹ, thông qua sự "tiếp tay" vô tình của Donald Trump.
Cách mạng màu kiểu Mỹ?
Kịch bản chung của "cách mạng màu" là khi các cuộc bầu cử diễn ra, nếu kết quả bầu cử không có lợi, thì các phe phái đối lập được sự hỗ trợ từ bên ngoài sẽ kích động, mua chuộc người dân xuống đường biểu tình, gây bạo loạn lật đổ chính quyền đương nhiệm.
Với tình hình bầu cử Mỹ hiện nay, Diehl cho rằng, để tạo "cách mạng màu", bước đi đầu tiên của người Nga sẽ là đột nhập các máy tính hội đồng quốc gia của Đảng Dân chủ và các lãnh đạo đảng này rồi công bố các tài liệu (đôi khi cả những tài liệu đã bị thay đổi nội dung) chứng tỏ bà Clinton dùng những phương pháp thiếu minh bạch.
Những tài liệu vừa rò rỉ đã chứng tỏ bà Clinton "chơi không đẹp" trong vòng sơ bộ trước Bernie Sanders. Ngay lập tức, ông Trump và người ủng hộ đã phản ứng với chuyện này bằng việc giả vờ bị sốc và đưa ra hàng loạt những lời buộc tội "tham nhũng".
Tiếp đến là bước chứng tỏ sự không hoàn thiện của chính hệ thống bầu cử. Đã có những nỗ lực đột nhập vào các hệ thống bầu cử tại hơn 20 bang, trong đó có cả các bang mang tính then chốt như Pennsylvania và Florida.
Điều đặc biệt là những cuộc đột nhập này được thực hiện không phải nhằm mục đích "thay đổi kết quả kiểm phiếu thực tế hoặc kết quả bỏ phiếu", theo chính đánh giá của Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ cần những thông tin như vậy là đủ để người dân Mỹ nghi ngờ vào kết quả bầu cử.
Bên cạnh đó, ông Trump còn liên tục đổ thêm dầu vào lửa. Không biết vô tình hay hữu ý nhưng phản ứng của Donald Trump đã góp phần không nhỏ khiến dân Mỹ hoang mang.
Donald Trump liên tục tuyên bố hệ thống bầu cử của Mỹ bị "sắp đặt".
Vừa thường xuyên cảnh báo về việc kết quả cuộc bầu cử có thể bị "phù phép", ông Trump vừa kêu gọi người ủng hộ mình để mắt tới "một số bang nhất định", nơi mà ông có thể không giành được thắng lợi như bang Philadelphia.
Tổ chức "Stop the steal" của ông Trump dự định sẽ tiến hành các "exit polls" (các điểm lấy ý kiến cử tri) ngay tại lối ra của những điểm bỏ phiếu ở các quận mang tính then chốt.
Và những báo cáo về "các vụ vi phạm" sẽ cho Donald Trump cơ hội để phản đối kết quả bầu cử và lớn tiếng tuyên bố về sự dối trá.
Điều này sẽ kéo theo những phản ứng như đã từng xảy ra tại buổi mít tinh của phó tướng đảng Cộng hòa Mike Pence. Một phụ nữ ủng hộ ông Trump khi đó đã nói: "Nếu Hillary Clinton giành chiến thắng, cá nhân tôi sẵn sàng tham gia một cuộc cách mạng, bởi vì tôi không thể cho phép bà ấy trở thành tổng thống".
Và sau đó sẽ là cách mạng màu ư?
Thực ra, ông Putin thừa hiểu Washington không phải là Kiev, và khó có khả năng biểu tình rầm rộ xảy ra trước cửa Nhà Trắng hay toà nhà Quốc hội. Nhưng một cuộc nổi dậy trực tuyến thì hoàn toàn có thể. Những bài viết, bình luận trên báo mạng và các kênh truyền hình vệ tinh, từ người ủng hộ Trump sẽ rêu rao rằng "giới chính trị" đã cướp đi các phiếu bầu của Trump.
Tất nhiên, điều này sẽ không gây khó dễ cho bà Clinton trên con đường bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, bà Clinton sẽ phải bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình từ một xuất phát điểm khó khăn hơn nhiều. Còn Donald Trump sẽ hiện hình là một kẻ ngốc bị giật dây.