Máy bay F-22 của Mỹ. Nguồn: Sina
Theo Military Watch của Mỹ, máy bay chiến đấu F-22 Raptor với khả năng không chiến mạnh nhất của Không quân Mỹ đang được triển khai tới Alaska. 1/7 của toàn bộ phi đội F-22 có thể được đóng tại Căn cứ Liên hợp Elmendorf Richardson ở bang cực bắc của Mỹ.
Lý do cho việc triển khai này là vì Alaska nằm rất gần Nga, làm cho căn cứ này sẽ trở thành “chim đầu đàn” trong một cuộc xung đột quân sự với Moscow, đồng thời đây cũng là nơi có sự hỗ trợ tương đối ít từ sức mạnh quân sự của NATO.
F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 rất tiên tiến và số lượng triển khai tương đối ít, chỉ có 187 chiếc được sản xuất, nhưng yêu cầu bảo dưỡng và chi phí vận hành của loại máy bay chiến đấu này rất cao, điều này khiến Lực lượng Không quân Mỹ cho rằng, rất khó duy trì khả năng sẵn sàng của F-22 trên 50%.
Moscow dường như đã hoàn thiện chiến thuật sử dụng máy bay quân sự chi phí thấp để gia tăng sức ép tối đa lên phi đội F-22 của Mỹ trong trường hợp căng thẳng gia tăng giữa hai bên. Các quan chức Mỹ cũng đang bày tỏ lo ngại về điều này.
Trung tướng Không quân Mỹ David Krumm cho biết, các hoạt động của Nga gần Alaska đã tăng lên đáng kể và số lượng máy bay quân sự Nga tiến vào vùng nhận dạng phòng không Alaska đã đạt mức cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991. Vị tướng này nhấn mạnh, việc sử dụng F-22 để đánh chặn máy bay quân sự của Nga là rất tốn kém, và các hoạt động của Nga đã "gây áp lực lên quân đội của chúng tôi".
Báo cáo của Bộ Chỉ huy Phòng thủ Hàng không Bắc Mỹ cũng nêu rõ, các máy bay Nga còn có thể hoạt động trong vùng nhận dạng phòng không Alaska với thời gian lên đến vài giờ tại một thời điểm, do Vùng nhận dạng phòng không này là không phận quốc tế và máy bay Nga có thể duy trì sự hiện diện liên tục một cách hợp pháp.
Vì vậy, nếu Mỹ muốn đánh chặn các máy bay quân sự của Nga thì cái giá phải trả là Mỹ dựa vào F-22 để đánh chặn, các máy bay quân sự như vậy sẽ rất tốn kém và Mỹ khó có thể duy trì liên tục. Trong khi đó, chi phí vận hành của các máy bay quân sự Nga như máy bay ném bom Tu-95 tương đối thấp và chúng rất lý tưởng cho các chuyến bay dài ngày trong vùng nhận dạng phòng không.
Hơn nữa, những máy bay ném bom này có thể mang theo một số lượng lớn tên lửa hành trình tầm xa được trang bị đầu đạn hạt nhân, điều này tạo ra mối đe dọa không hề nhỏ đối với Mỹ.
Thêm vào đó, F-22 vốn có yêu cầu bảo dưỡng khá cao nên chi phí để duy trì một chuyến bay dài như vậy trên không cao hơn nhiều so với máy bay quân sự do Nga sản xuất.
Máy bay ném bom Tu-95 của Nga. Nguồn: Sina.
Tướng Glenn Van Herik, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ cho biết, so với trước đây, việc đánh chặn máy bay của Nga giờ đây sẽ phức tạp hơn và sắp tới, Không quân Mỹ sẽ còn phải đối mặt với nhiều loại máy bay quân sự của Nga. Những máy bay này, thường sẽ hoạt động trong vùng nhận dạng lâu hơn nữa.
Năm 2020, Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ đã phải đối phó với các hoạt động quân sự của Nga ngoài khơi Alaska nhiều hơn bất kỳ năm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các máy bay quân sự của Nga hoạt động quanh Alaska bao gồm máy bay ném bom hạng nặng, máy bay chống ngầm và máy bay trinh sát điện tử đến hành trình quanh Alaska.
Những hành động quân sự này không chỉ cho thấy tầm ảnh hưởng quân sự của Nga mà còn cho thấy cách họ thực hiện các cuộc tấn công tiềm năng nhằm vào Mỹ. Mùa hè năm ngoái, Hải quân Nga đã tập trung vào các cuộc tập trận để nâng cao khả năng và phương thức tác chiến bảo vệ các tuyến đường biển của Nga ở khu vực Bắc Cực và Thái Bình Dương.
Mỹ đã triển khai máy bay chiến đấu F-35 tới Alaska vào năm 2020. Kích thước của máy bay này nhỏ hơn và chi phí bảo dưỡng cũng thấp hơn F-22. Tuy nhiên, F-35 hiện nay còn cần rất nhiều thời gian mới đạt được năng lực tác chiến 100%.
Mỹ đang nghiên cứu trang bị cho máy bay chiến đấu hạng nặng mới nhất của Mỹ F-15EX tên lửa không đối không tầm xa mới, được thiết kế đặc biệt để tấn công máy bay ném bom và các máy bay cỡ lớn khác. Điều này cho thấy, nhiều khả năng F-15EX sẽ được Mỹ bố trí tại Alaska ngay sau khi đi vào hoạt động nhằm khắc phục những hạn chế của F-22 và F-35.