Nước Mỹ dưới thời tổng thống Trump có thể chưa thể sở hữu được Greenland, nhưng những quyết định của chính quyền Mỹ hiện tại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới số phận của hòn đảo này. Phát thải khí nhà kính của Mỹ - cũng như từ một số quốc gia khác - đã vượt qua ngưỡng cân bằng và đang dần khiến Greenland trở thành một trong những nguyên nhân khiến nước biển dâng cao trên toàn cầu.
Băng đá ở Greenland đang gặp vấn đề lớn. Trong mùa tan băng năm nay, lượng băng tan - và nước biển tăng - đã đạt ngưỡng nghiêm trọng từ sau lượng tan lịch sử vào năm 2012. Phần lớn băng tan trong khoảng thời gian 1 tuần khi hòn đảo này hứng chịu không khí nóng tới từ châu Âu.
Theo Ted Scambos, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Colorado, trong năm nay băng tan ở Greenland sẽ khiến mực nước biển thế giới tăng 1mm, tương đương với 360 tỷ tấn nước chảy tới Bắc Đại Tây Dương.
Thêm vào đó, nước lạnh sẽ ảnh hưởng tới các dòng hải lưu, đặc biệt làm chậm lại vòng tuần hoàn ở biển Đại Tây Dương, gây ra sự biến động đối với quy luật khí hậu và môi trường sống của sinh vật biển.
Ảnh minh họa: Sean Gallup/Getty Images
Băng tan ở Greenland khiến tình hình ngập lụt ở Mỹ và nhiều nơi khác trầm trọng hơn. Tại Miami, ngày càng có nhiều ngày nước biển dâng cao hơn mức bình thường giữa những ngày nắng. Các thành phố biển khác như Boston cũng hứng chịu cảnh tương tự.
"Greenland thực sự đang nắm giữ 'vận mệnh' của Miami khi xét tới mực nước biển tăng cao," ông Scambos nói.
Richard Alley, một chuyên gia về băng đá tại Đại học Penn State, bình luận về ảnh hưởng của các tảng băng trôi: "Băng ở Greenland quá lớn và nặng, chúng có thể nhanh chóng làm gia tăng mực nước biển. Nếu băng tan, trọng lượng của nó sẽ ảnh hưởng tới khắp các đại dương, nước xung quanh Greenland cũng thúc đẩy quá trình đó."
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, vào những thời điểm trước đây, khi Trái Đất nóng ngang hiện tại, toàn bộ băng đá ở Greenland đã tan chảy và khiến mực nước biển tăng 7m. Với xu hướng hiện tại, Trái Đất sẽ ấm thêm 4 độ C vào năm 2100 và khi đó con người sẽ không còn cách nào có thể ngăn lại sự biến mất (gần như) hoàn toàn của băng đá tại hai cực.
"Chưa ai xác định được ngưỡng nguy hiểm là bao nhiêu độ, nhưng mức này sẽ không quá cao so với mức hiện tại. Chắc chắn con người sẽ 'đạt được' nhiệt độ đó nếu chúng ta tiếp tục phát thải khí CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các quy trình khác," ông Alley nói.
Được biết, tốc độ tan băng ở Greenland đã tăng 6 lần từ những năm 1980, từ 41 tỷ tấn 1 năm trong thời kì những năm 1990 tới 286 tỷ tấn mỗi năm trong gian đoạn từ năm 2010 tới năm 2018.
Tốc độ và quy mô của băng tan trên khắp Greenland có thể thay đổi nhanh chóng dù chỉ với một mức độ thay đổi nhiệt độ không lớn. "Nhiệt độ tăng 1 hoặc 2 độ vào mùa hè đồng nghĩa rằng một vùng băng khổng lồ sẽ bắt đầu tan chảy," ông Scambos nói.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ ước tính Greenland có thể khiến mức nước toàn cầu dâng tới 60cm vào năm 2100 nếu con người không có biện pháp đề phòng.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu hạn chế tối đa lượng khí phát thải trong 1 hoặc 2 thập kỉ tới, mực nước biển dâng ở Greenland - cũng như ở Bắc Cực và các nguồn khác - sẽ được kiểm soát.
Tuy vậy, thời gian không còn nhiều, dù cho quốc gia nào "sở hữu" Greenland đi chăng nữa.