WaPo: Đau vì thương chiến, nhưng TQ lại có được 3 "món hời" - ông Trump còn lâu mới ép được TQ chịu thua?

Hồng Anh |

Trung Quốc vẫn còn nhiều lý do để tiếp tục "thi gan" với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, cây viết của The Washington Post bình luận.

Khi đòn thuế quan mới của Mỹ nhằm vào các mặt hàng Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/9 vừa qua, Trung Quốc đã đệ đơn lên WTO kiện Mỹ về những hành động bất công trong thương mại.

Một số ý kiến bình luận vẫn cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cuộc xung đột "tất cả cùng thua". Ví dụ, mới đây nhà bình luận Ali Velshi đã tuyên bố trên NBC rằng "đây là kiểu thương chiến tồi tệ nhất vì tất cả đều thua cuộc, phải không? Mỹ thua thiệt... Trung Quốc cũng vậy. Và không riêng gì Mỹ hay Trung Quốc, có lẽ cuộc chiến này sẽ còn khiến nhiều người khác tổn thương".

Quả thật, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gây ra nhiều thiệt hại cho cả hai nước và toàn thế giới. Khi hai cường quốc kinh tế này tới tấp tung ra những đòn ăn miếng, trả miếng bằng thuế quan nhằm vào đối phương, thì nỗi sợ về một cuộc suy thoái toàn cầu ngày càng gia tăng.

Cuộc xung đột này càng kéo dài, thì hai bên sẽ càng chịu nhiều tổn thương. Mọi người vẫn hy vọng rằng hai nước sẽ thỏa hiệp để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, ông Thomas Gift - một giảng viên bộ môn khoa học chính trị đồng thời là giám đốc chương trình triết học, chính trị và kinh tế của trường Đại học Cao đẳng London, Anh - lại cho rằng cuộc thương chiến này chưa hẳn đã bất lợi về chính trị đối với Trung Quốc.

Trích dẫn một số nghiên cứu về khoa học chính trị, ông Gift đã chỉ ra 3 lí do sau đây khiến lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại và thực sự thu được một số lợi ích từ cuộc chiến này.

1. Nhờ thương chiến, Trung Quốc có một "kẻ thù" rõ ràng trước mắt

Các nghiên cứu sâu rộng về "chính trị vu hồi" đặt ra giả thuyết rằng đối với các nhà lãnh đạo, thì một "nhân vật phản diện" bên ngoài là điều có giá trị hơn tất thảy. Nhân vật được coi là "kẻ thù" này sẽ giúp chính quyền làm chệch hướng sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước, đồng thời củng cố tinh thần dân tộc khi người dân có một mục tiêu để chống lại. Đối với Trung Quốc, thì chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là một lá chắn hoàn hảo như vậy.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không ngần ngại chỉ trích chính quyền ông Trump và sử dụng cuộc thương chiến với Mỹ làm đòn bẩy cho quyền lực của mình.

Trong khi ông Trump "vụng về" nói đỡ rằng thuế quan không ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ, thì ông Tập tuyên bố rằng để chiến thắng cuộc chiến, người dân Trung Quốc cần đoàn kết và phải hy sinh một cách anh hùng.

Giữa tình hình căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, ông Tập đã đưa ra một phát biểu khích lệ, động viên người dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông đã kêu gọi người dân chuẩn bị cho một cuộc "Vạn lý Trường chinh" mới - ám chỉ cuộc "Vạn lý Trường chinh" đầy gian nan năm 1934-1935 đã dẫn đến thắng lợi của Hồng quân Trung Quốc năm 1949.

Bên cạnh mong muốn giành chiến thắng trong cuộc thương chiến, ông Tập còn muốn thuyết phục người dân Trung Quốc rằng ông đứng về phía họ, đặc biệt trong bối cảnh Hong Kong khủng hoảng vì biểu tình như hiện nay. Việc có một người như ông Donald Trump đóng vai phản diện sẽ khiến mục tiêu đó dễ đạt được hơn nhiều.

WaPo: Đau vì thương chiến, nhưng TQ lại có được 3 món hời - ông Trump còn lâu mới ép được TQ chịu thua? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân nước này chuẩn bị cho một cuộc "Vạn lý Trường chinh" mới. Hình ảnh minh họa: Nikkei

2. Trung Quốc có cơ hội khiến phương Tây bất đồng

Việc Trung Quốc chia rẽ hội đồng minh của Mỹ và gây ra bất đồng trong nội bộ chính trường Mỹ có thể tạo đà cho nước này đi lên, tác giả Thomas Gift bình luận.

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đang chơi trò câu giờ trong cuộc chiến thương mại. Cụ thể, những người này cho rằng ông Tập đang đặt cược vào phe Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, và ông ấy sẽ chớp lấy cơ hội đó để đàm phán một thỏa thuận có lợi hơn cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, vẫn còn một luồng ý kiến khác cho rằng Trung Quốc đang sử dụng cuộc chiến thương mại nhằm làm đảo lộn chính trường Mỹ và phá hoại chính sách đối ngoại của Mỹ.

Cựu nhân viên Nhà Trắng Anthony Scaramucci là một trong những người ủng hộ quan điểm trên: "Giới chức Trung quốc thực chất muốn ông Donald Trump tiếp tục nắm quyền lãnh đạo. Họ đã tính kế về lâu dài. Hãy tưởng tượng [ông Trump tiếp tục làm Tổng thống Mỹ] trong 5 năm tới, và hoàn toàn đảo lộn liên minh phương Tây và hủy diệt hệ thống thương mại toàn cầu".

Hầu hết các chuyên gia đều đồng tình rằng Trung Quốc đã nhắm tới Mỹ làm đối thủ (thậm chí họ còn muốn thay thế vị trí cường quốc số 1 toàn cầu) trong nhiều thập kỷ qua. Bất đồng giữa các lãnh đạo phương Tây và việc chính phủ Mỹ không thể giải quyết những thách thức lớn sẽ khiến Bắc Kinh đạt được mục đích của họ nhanh hơn nữa.

3. Cuộc thương chiến giúp lãnh đạo Trung Quốc phát đi một thông điệp rõ ràng

Một số chuyên gia cho rằng danh tiếng của một quốc gia không thể đạt được thông qua chiến đấu, tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng hành động chứng minh quyết tâm và sẵn sàng khiến kẻ thù đau đớn mới là điều quan trọng nhất.

Cuộc thương chiến với Mỹ chính là cơ hội tốt và hiếm có để ông Tập phát đi thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc không dễ dàng bị khuất phục trên trường quốc tế.

Đối với Chủ tịch Trung Quốc, việc từ chối nhượng bộ trong thương chiến với Mỹ sẽ chứng tỏ sức mạnh và quyết tâm của họ, đồng thời nhắc nhở các nước khác rằng họ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến dài hơi - và đặc biệt là không dễ dàng bị nước khác bắt nạt. Bên cạnh đó, đây cũng là lời tuyên bố rằng Bắc Kinh chẳng e ngại chuyện trả đũa các quốc gia đối đầu với họ.

Đây là điều khá quan trọng, bởi Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thách thức Trung Quốc về vấn đề thương mại trong thời điểm này. Gần đây, khi "ông lớn" viễn thông của Trung Quốc bắt đầu tiến vào các thị trường mới với công nghệ 5G của mình, các quốc gia như Anh đã tỏ thái độ không muốn hợp tác với họ.

Mặc dù cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chủ yếu vẫn là về kinh tế, nhưng nó cũng liên quan tới chính trị. Và nếu nói về chính trị, thì có vẻ như Trung Quốc vẫn còn rất nhiều lí do để tiếp tục "thi gan" với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại