Vượt qua những cơn đau 'cắn xé' của ung thư giai đoạn 4 nhờ 2 bí quyết

Ngọc Minh |

Nhờ có kiến thức thông thái về ung thư, chị Vũ Hồng Khanh (sinh năm 1984, Quảng Ninh) đã vượt qua những cơn đau cắn xé cơ thể khi điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 4b.

Chị Khanh tràn đầy năng lượng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Khanh tràn đầy năng lượng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Khanh kể lại trước khi phát hiện ung thư, chị đã có một số triệu chứng như mắt sụp mí, đau đầu, ù tai, sụt cân đột ngột và có hạch cổ nhiều, dịch mũi có lẫn một chút máu.

Chị đi khám và bác sĩ chẩn đoán chị mắc ung thư không rõ nguyên phát. Tuy nhiên, với những triệu chứng lâm sàng cộng thêm di căn hạch, bác sĩ nghĩ nhiều tới ung thư vòm họng.

"Bác sĩ chỉ định cho tôi chụp chiếu rất nhiều lần nhưng không tìm thấy u. Tuy nhiên, thành vòm phải của tôi hơi dày nhẹ hơn vòm trái. Khi chụp CT, khu vực vòm phải có ngấm thuốc cản quang. Dựa vào tất cả các triệu chứng lâm sàng cộng thêm xét nghiệm có virus EBV cao, bác sĩ tư vấn tôi nên điều trị theo hướng ung thư vòm họng", chị Khanh nói.

"Ung thư của tôi lúc đó đã ở giai đoạn 4b, nếu không quyết định điều trị ngay thì chỉ sau 6 tháng đến 1 năm, bệnh sẽ di căn thêm ra các cơ quan khác, không còn cơ hội điều trị nữa", chị Khanh nói.

Vượt qua những cơn đau 'cắn xé' của ung thư giai đoạn 4 nhờ 2 bí quyết- Ảnh 1.

Chị Khanh rụng tóc khi điều trị ung thư (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Luôn khát khao sống

Để đưa ra quyết định điều trị theo hướng ung thư vòm họng, chị Khanh cũng đã phải cân nhắc. Vì nếu ung thư không xuất phát từ vòm họng, bệnh có thể nặng nên và chị phải điều trị lại. Tuy nhiên, với lòng ham sống mãnh liệt, chị Khanh đã quyết định tin tưởng theo kinh nghiệm chẩn đoán của bác sĩ.

"Tôi có mong cầu được sống, do vậy, tôi tìm mọi cách để đánh đổi. Tôi tin vào tây y và khoa học có cơ hội để bệnh nhân ung thư được kéo dài thời gian sống", chị Khanh nói.

Chị Khanh quyết định điều trị hoá, xạ trị cùng một lúc với liều thuốc của bệnh nhân giai đoạn 4b. Qua 6 lần điều trị hóa chất và hóa xạ trị đồng thời 22 phân liều, tác dụng phụ xuất hiện làm miệng, lưỡi, họng bị lở loét. Chị ho liên tục không ngừng, sau mỗi lần ăn sữa bột hoặc uống nước ép, dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, dính vào họng và kích thích, gây ho dữ dội.

Chị Khanh cũng chịu tác dụng phụ của hoá chất dẫn tới nôn khan cả đêm, không ngủ được nên càng mệt. Đờm nhớt ra liên tục nên đi đâu chị Khanh cũng phải xách theo bịch giấy để lau đờm.

"Có những lần, ngủ dậy tôi phải chạy nhanh vào nhà về sinh khạc đờm, vì không khạc kịp có thể tắc thở. Hơn nửa năm trời, tôi chịu tình trạng viêm nhiễm do cơ thể không còn đề kháng. Nhờ có dinh dưỡng, tôi tái tạo dần lại được tế bào hồng cầu và bạch cầu giúp cơ thể phục hồi lại", chị Khanh nói.

Hai bí quyết giúp vượt qua ung thư

Theo chị Khanh, bí quyết giúp chị vượt qua căn bệnh ung thư là dinh dưỡng và giảm đau. Với dinh dưỡng, chị Khanh áp dụng nguyên tắc 50% chất xơ, 30% chất đạm, 10%-20% tinh bột. Chị Khanh ăn nhiều và đa dạng các loại rau xanh. Riêng về đạm, chị ăn cả đạm động vật và thực vật vì chị biết đạm rất cần cho cơ thể trong quá trình tái tạo tế bào hồng cầu.

Vượt qua những cơn đau 'cắn xé' của ung thư giai đoạn 4 nhờ 2 bí quyết- Ảnh 2.

Chị Khanh hiện tại vui tươi, tràn đầy năng lượng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, việc ăn uống với bệnh nhân ung thư vòm họng xạ hoá trị cùng một lúc không hề dễ dàng. Từ vòm, mũi, họng, thực quản, dạ dày của chị Khanh đều loét bên trong.

"Tôi uống nước lọc như uống axit, đau đớn phát khóc. Mấy tháng trời, trong đêm tôi phải chạy xuống tầng 1 ôm cổ rú lên vì quá đau đớn. Tôi cảm giác như có ai cầm thuỷ tinh cứa vào gốc lưỡi, đau đơn vô cùng", chị Khanh nói.

Khi khó ăn, chị Khanh đã ăn qua ống xông. Sau 2 tháng, chị tập ăn bằng miệng trở lại. Lúc đầu, do tuyến nước chưa hoạt động trở lại, miệng rất khô, chị phải uống nhiều nước. Còn về vị giác, khoảng một năm sau chị Khanh mới có trở lại.

Với giảm đau, sau khi tham vấn ý kiến của bác sĩ Phạm Nguyên Quý, bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản, chị Khanh quyết định dùng morphine để giảm đau. "Nếu như tôi không có thuốc giảm đau, chắc tôi đã bỏ cuộc rồi", chị Khanh nói.

Chị Khanh gặp một chút tác dụng phụ của morphine, ví dụ như táo bón và vật vã một chút khi không có thuốc sử dụng đúng giờ.

Giờ đây, chị Khanh đã điều trị ung thư ổn định. Chị đã quay trở lại với công việc thường nhật. Chị không thấy mình bất hạnh. "Nhờ có biến cố căn bệnh ung thư, tôi được sống trọn vẹn với những gì mình mong muốn trước đây nên tôi rất thoải mái, có bệnh thì điều trị", chi Khanh tâm sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại