“Cậu bé chim cánh cụt”
Một ngày mưa gió của năm 2000, cậu bé Hồ Hữu Hạnh (ngụ tỉnh Đồng Nai) chào đời trong nỗi đau ngẹn ngào của cha. Đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn ấy thiếu đi đôi tay, nằm lọt thỏm trong tấm khăn quấn rộng thùng thình.
Lo sợ mẹ đứa bé không chịu được sự thật đau lòng, nữ hộ sinh quấn em vào khăn rồi giao lại cho người nhà. Bà Bùi Thị Hợp (45 tuổi, mẹ Hạnh) kể lại ngày phát hiện đứa con trai thiếu đi đôi tay trong nước mắt.
Thế rồi, chuyện buồn cũng không giấu được lâu. Trong một lần, bà Hợp thấy áo con lòi ra khỏi chiếc khăn quấn. Bà mở khăn để sửa áo cho con thì đau đớn phát hiện đứa con trai của mình như một con sâu, đang cố cựa mình trong chiếc khăn lớn. Quá đau đớn, bà khóc nấc rồi ngất lịm. Khi tỉnh lại, bà đã thấy con trai nằm trong vòng tay của mình. Thấy con chịu nhiều thiệt thòi từ khi lọt lòng, bà càng thương con hơn.
Để được đến trường, "cậu bé chim cánh cụt" phải trải qua biết bao chông gai. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Lớn lên trong tình thương yêu lớn lao của cha mẹ, Hạnh không tự ti, mặc cảm bản thân. Ngược lại, ngay từ rất nhỏ, Hạnh đã chứng minh mình rất can trường, giàu nghị lực. Nhớ lại tuổi thơ, Hồ Hữu Hạnh kể: “Không như mọi người tưởng tượng, tuổi thơ em dữ dội lắm. Khi biết mình không có tay em chỉ buồn chút thôi vì thấy làm gì cũng khó.
Sau đó, em tự rèn luyện đôi chân làm các việc mình thích. Ban đầu, em tập chơi các trò chơi bằng chân như: Bắn bi, búng thun... Dần dần, em tập nâng cao hơn, việc khó hơn như rửa chén, quét nhà, nấu ăn, bơi lội, đi xe đạp...”.
Hạnh miệt mài luyện tập với khát vọng có thể tự làm mọi việc bằng đôi chân trần. Cuối cùng, em cũng có thể tự đi xe đạp, nấu ăn, đi chợ, bơi lội, thậm chí phụ giúp cha mẹ trồng, thu hoạch rau.
Em kể: “Để có thể tự làm mọi việc bằng chân, em trải qua những thời gian khổ luyện trong đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Lúc đầu, em rửa chén thì chén bể, nấu ăn thì bị dao cắt, nước sôi tạt trúng người, cắm điện thì bị điện giật suýt chết”.
Vượt qua nghịch cảnh
Hạnh nói, từ lúc còn rất nhỏ, em đã rất thích được đi học. Thế nhưng, cha mẹ em không dám tin vào việc con trai mình có thể đến trường. Vậy nên, khi đám bạn cùng tuổi con trai mình ở trong xóm tung tăng đến trường, ông bà chỉ biết lặng câm, cố nuốt nước mắt vào lòng. Không được ba mẹ cho đi học, Hạnh tự mình đến lớp. Ngay khi đứa bạn đối diện nhà vào mẫu giáo, “cậu bé chim cánh cụt” đã bám gót, theo bạn đến trường mầm non.
Hạnh kể: “Em thích được đi học lắm vì ở trường có nhiều bạn, có đồ chơi, được ăn bánh kẹo nữa. Nhưng lúc em đủ tuổi vào mẫu giáo, ba mẹ không tính đến việc cho em đi học. Em đi theo đứa bạn ở đối diện nhà đến trường. Đến nơi, em chỉ đứng ngoài lớp nhìn vào thôi. Thấy các bạn chơi, được cô giáo dạy học em thích lắm. Cứ thế, em theo bạn đến trường, đúng ngoài lớp mấy ngày liền”.
Cuối cùng, cô giáo cũng phát hiện cậu bé đen nhẻm, gầy ốm, không có tay nhiều ngày đứng ngoài cửa sổ. Thương cậu bé khuyết tật nhưng ham học, giáo viên này đã đến tận nhà khuyên cha mẹ Hạnh cho em đi học và hứa sẽ tài trợ toàn bộ dụng cụ học tập.
“Ba mẹ đồng ý, em được đến lớp của cô học. Cuối năm, em được trường tặng giấy khen bé giỏi bé ngoan”, Hạnh kể. Thế nhưng, năm vào lớp 1, em không được trường ở địa phương nhận. Lý do là Hạnh khuyết tật, trường chưa nhận trường hợp nào như vậy.
Ban Giám hiệu khuyên gia đình nên gửi cậu vào trường khuyết tật để học. Hạnh không chịu vào trường khuyết tật và năn nỉ ba mẹ đến xin nhà trường cho mình nhập học với điều kiện “học thử xem có học được không rồi tính tiếp”. Thế nhưng, năm “học thử” ấy cậu bé không tay đạt học sinh giỏi.
Hạnh kể, để có thể đi học, em phải luyện viết chữ bằng chân. Đây là thử thách lớn nhất mà em từng đối mặt. Để huấn luyện đôi bàn chân khô cứng đủ linh hoạt để viết ra những nét chữ, Hạnh đã kẹp cây bút vào giữa 2 ngón chân miệt mài rèn luyện.
Em tập nhiều đến nỗi chân sưng, các ngón chân tê cứng. Sau nhiều lần như vậy, Hạnh cũng có thể viết bằng chân. Trên lớp, em có một cái bàn đặc biệt để phù hợp với việc viết bằng chân. Khi lên bảng trả bài, Hạnh cũng cầm phấn bằng chân, viết lên bảng đen.
Tuy nhiên, khi lên THCS, sự hồn nhiên của những ngày thơ mờ dần. Hạnh ý thức rõ rệt hơn nỗi đau không có đôi tay. Hơn thế, bạn bè, xã hội cũng bắt đầu soi mói khiếm khuyết của cậu bé rồi ra lời châm chọc, mỉa mai. Hạnh đau đớn trước sự xa lánh, châm chọc của bạn bè. Những ngày đến trường trở nên ngột ngạt, đáng sợ. Em quyết định bỏ học. Thế rồi, chính lúc khó khăn nhất, Hạnh lại giàu nghị lực nhất.
Hạnh kể: “Cuối cùng, em nhận ra rằng, những tác động xấu ấy không giúp em thành công, không giúp em phát triển bản thân. Hơn nữa, em không muốn mình là gánh nặng của gia đình, xã hội. Và, em xác định, tương lai sẽ rộng mở hơn nếu mình tiếp tục bước qua những rào cản đến từ sự tự ti, mặc cảm bản thân”.
Thế là Hạnh dũng cảm đối mặt với sự tự ti, mặc cảm. Em tiếp tục đến trường và đặt mục tiêu hiện thực hóa ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Và, bằng một nghị lực phi thường, Hồ Hữu Hạnh đã vượt mọi khó khăn trên con đường học tập đầy trắc trở của mình. Tháng Chín vừa qua, em chính thức trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của trường đại học Lạc Hồng (Đồng Nai).
Hạnh nói: "Sau bao nhiêu khó khăn, em cũng dần hiện thực hóa được ước mơ của mình. Bởi, ngay từ lúc lên lớp 3, em đã thích làm việc với máy vi tính và ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Bây giờ, em đang học đại học với đúng chuyên ngành mình yêu thích. Em cảm thấy, bây giờ em đang hòa nhập khá tốt cùng các bạn sinh viên khác tại trường”.
Miễn toàn bộ học phí “Em Hồ Hữu Hạnh là tân sinh viên của trường. Hiện, Hạnh đang theo học ngành Công nghệ thông tin. Để hỗ trợ em trong việc học tập, nhà trường đã quyết định miễn toàn bộ học phí cho sinh viên này”. Ông Nguyễn Hữu Quỳnh - Phó Hiệu trưởng trường đại học Lạc Hồng.