RT đăng tải bài bình luận của chuyên gia truyền thông người Ai-len, bà Danielle Ryan nhận định sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông là cực kỳ hạn chế kể từ sau sự kiện Liên Xô cũ sụp đổ.
Trong giai đoạn cầm quyền, cố Tổng thống Boris Yeltsin và Bộ trưởng Ngoại giao Andrei Kozyrev đã hướng Nga tham gia các tổ chức quốc tế của châu Âu.
Nhằm thể hiện sự toàn tâm toàn ý với phương Tây, hai nhà lãnh đạo Nga đã ủng hộ quyết định trừng phạt Iraq, Libya và Yugoslavia thậm chí cả việc Mỹ ném bom Iraq hồi năm 1993.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga với châu Á và Trung Đông bị bỏ ngỏ.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, Moscow đang dần lấy lại vị thế quân sự và kinh tế trên trường quốc tế cũng như muốn tách khỏi câu lạc bộ các nước phương Tây.
Sự biến chuyển này diễn ra vào cuối thập niên 90 và gần đây, Nga đang trở thành một nhân tố mới và hoạt động hoàn toàn độc lập ở Trung Đông.
Theo các nhà quan sát, mối quan hệ rạn nứt giữa Nga và Mỹ là do sự cạnh tranh giữa một cường quốc và một cường quốc mới nổi.
Song thực tế, ngay cả Tổng thống Vladimir Putin cũng thừa nhận Mỹ vẫn là cường quốc duy nhất trên thế giới. "Mỹ là cường quốc duy nhất. Chúng tôi chấp nhận thực tế này", ông Putin nói.
Tuy nhiên việc Mỹ thất bại trong nhiều vấn đề ở Trung Đông đã nhường cho Nga cơ hội nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự và chính trị ở khu vực này.
Lợi thế ở Syria
Sự can thiệp của Nga ở Syria dưới danh nghĩa thay mặt chính quyền Tổng thống Bashar al Assad đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Song đây lại là cơ hội giúp Moscow phô trương sức mạnh quân sự hiện đại trong một cuộc xung đột với sự góp mặt của nhiều cường quốc quân sự trên thế giới.
Trong nhiều tháng qua, chiến dịch quân sự của Nga đã làm thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường Syria và giúp quân đội của Tổng thống Assad giành được ưu thế đồng thời biến Moscow trở thành một lực lượng không thể thiếu trong cuộc xung đột này.
Ngoài trọng tâm tiêu diệt IS, Moscow còn giành thắng lợi trên mặt trận thông tin ở Syria. Cụ thể, chính sách của Nga ở Syria vẫn nhất quán thì Mỹ lại bị yêu cầu làm rõ mục đích vì sao chống lưng cho phe đối lập phản đối Tổng thống Assad.
Bởi chiến dịch ném bom của Nga cho thấy các lực lượng được Mỹ ủng hộ đang chiến đấu chống lại nhiều tổ chức khủng bố khác nhau bao gồm nhóm Jabhat al-Nusra.
Do đó, nhiều chuyên gia kêu gọi Washington nên đáng giá lại chiến lược của mình đồng thời phối hợp với Nga để tập trung tiêu diệt IS – mối đe dọa chung và lớn nhất đối với an ninh thế giới hiện nay.
Bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Mối quan hệ giữa Moscow và Ankara dậy sóng sau sự việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay quân sự của Nga hồi tháng 11/2015.
Phía Ankara cho rằng máy bay Nga đã xâm phạm không phận nước này song Moscow khẳng định máy bay nước này gặp tai nạn khi đang hoạt động trong không phận Syria.
Thậm chí, Tổng thống Putin đã cáo buộc người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Rediep Taiip Erdogan "đâm sau lưng".
Ngoài ra, Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chống lưng cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và bản thân gia đình Tổng thống Erdogan cũng thu lợi nhuận bất chính từ hoạt động buôn bán dầu mỏ với IS.
Quan hệ căng thẳng giữa hai nước chỉ hạ nhiệt sau khi Tổng thống Erdogan gửi một bức thư xin lỗi ông Putin về sự cố bắn rơi máy bay quân sự đồng thời nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng bình thường hóa quan hệ với Nga. Tổng thống Putin đã chấp nhận lời đề nghị này.
Dù tính chân thực trong lời xin lỗi của ông Erdogan bị đặt dấu hỏi nghi vấn song sự chấp nhận của Nga cho thấy Moscow sẵn sàng tìm tiếng nói chung và hợp tác với mọi quốc gia.
Cho tới nay dù còn bất đồng về cách giải quyết cuộc xung đột ở Syria song Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang cố gắng khôi phục mối quan hệ song phương – điều mà cách đây vài tháng dường như bất khả thi.
Trong những ngày gần đây, khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc tấn công vào trong lãnh thổ Syria nhằm tiêu diệt IS và các tay súng người Kurd, mối quan hệ Nga – Thổ một lần nữa được đưa vào vòng thử thách trước việc Moscow chỉ trích mạnh mẽ hành động của Ankara.
Mở rộng liên minh với Iran
Mối quan hệ giữa Nga và Iran không ít lần dậy sóng trong quá khứ.
Khi Nga hủy hợp đồng bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran hồi năm 2010 do sức ép từ phương Tây và lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc liên quan tới chương trình hạt nhân tranh cãi của Tehran, mối quan hệ mật thiết giữa hai nước tạm thời gián đoạn.
Tuy nhiên, quan hệ Nga – Iran giờ đã chuyển sang hướng tích cực hơn sau khi phương Tây quyết định gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.
Giới chuyên gia dự báo quan hệ Nga – Iran có thể bị tổn thương nếu như hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Tehran đe dọa thị phần của Nga ở thị trường châu Âu. Song không ít người cho rằng viễn cảnh này sẽ không xảy ra.
Thực tế, Nga và Iran đang cùng có chung mục tiêu là kiểm chứng tầm ảnh hưởng của Mỹ ở cả khu vực Trung Đông và toàn cầu cũng như duy trì sự ổn định tại Syria dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Assad dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Và trên hết, Moscow hiện đang sử dụng căn cứ không quân của Iran để tấn công IS và các nhóm cực đoan khác tại Syria.
Đàm phán hòa bình Israel - Palestine
Nga nổi lên như nhà trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Theo những thông tin mới nhất, một cuộc đối thoại tại Moscow giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống chính quyền Palestin Mahmoud Abbas sẽ diễn ra trong một ngày không xa.
Sự góp mặt của Nga trong vòng đàm phán giữa Israel-Palestine một lần nữa cho thấy Moscow đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông sau khi đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc thảo luận về thỏa thuận hạt nhân với Iran. Còn hiện nay Nga đang nỗ lực đạt được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Syria với Mỹ.
Theo một quan chức cấp cao thuộc Tổ chức Tự do Palestine, Nga hiện là cố vấn viên "đáng tin và công bằng hơn" so với Mỹ trong các cuộc đàm phán.
Bởi "hiện giờ Mỹ không có hứng thú với việc gây áp lực với Israel" trong khi Moscow đóng vai trò "công bằng và tích cực hơn".
Còn theo tờ The Independent, việc Nga cải thiện quan hệ với cả Iran, Israel và Palestine với vai trò trọng tài trong các cuộc đàm phán hòa bình cho thấy Moscow đang từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng trong các vấn đề liên quan tới Trung Đông.
Chuyên gia Danielle Ryan kết luận trong bối cảnh Mỹ đang tích cực và thậm chí là công khai công lập Nga trên trường quốc tế, không thể phủ nhận sự thành công trong chính sách Trung Đông của Moscow rất đáng ngưỡng mộ.