Theo SCMP đưa tin, các nhà khoa học Trung Quốc vừa qua đã công bố bản đồ chi tiết nhất về bề mặt của Mặt Trăng. Đây là một dự án có tới hơn 100 nhà nghiên cứu tham gia và mất tới 10 năm để hoàn thành.
Bản đồ này tiết lộ về thành phần và cấu trúc của bề mặt Mặt Trăng, đồng thời phản ánh những hiểu biết mới nhất về lịch sử tiến hóa của hành tinh này.
Bản đồ Mặt Trăng đã được công bố trên tạp chí Science Bulletin vào ngày 30/5. Theo đó, các nhà khoa học của Viện Địa hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) dẫn đầu dự án cùng với các tổ chức khác như Viện Hàn lâm Khoa học Địa chất Trung Quốc, Đại học Khoa học Trái Đất Trung Quốc và Đại học Sơn Đông, đã tham gia lập bản đồ Mặt Trăng với độ phân giải cao. Bản đồ được lập ra dựa vào các dữ liệu và kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức quốc tế.
Kể từ khi khởi động chương trình thăm dò Mặt Trăng vào năm 2004, Trung Quốc đã gửi nhiều tàu quỹ đạo, tàu thăm dò lên Mặt Trăng để tích lũy dữ liệu nhằm biên soạn bản đồ Mặt trăng có độ phân giải cao.
Dự án lập bản đồ Mặt Trăng bắt đầu được tiến hành vào năm 2012, dẫn đầu bởi các nhà địa chất Ouyang Ziyuan và Liu Jianzhong từ CAS.
Bản đồ địa hình Mặt Trăng với tỷ lệ 1:2.500.000. Ảnh: CAS
Bản đồ Mặt Trăng chi tiết nhất
Theo báo cáo trên tạp chí Science Bulletin, bản đồ địa chất của Mặt Trăng chi tiết nhất từ trước đến nay khi có tỷ lệ 1:2.500.000. Trước đó, bản đồ bề mặt Mặt Trăng do Trung tâm Khoa học Địa chất học vũ trụ, thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), hợp tác với NASA và Viện Hành tinh và Mặt Trăng, thực hiện có tỷ lệ 1:5.000.000.
Theo nhà nghiên cứu Liu Jianzhong, bản đồ với tỷ lệ 1:5000.000 của USGS kém chi tiết hơn so với bản đồ Mặt Trăng mà Trung Quốc công bố.
Bản đồ Mặt Trăng do Trung Quốc mới công bố được coi là chi tiết nhất từ trước đến nay. Ảnh: Dailynews
Để tạo ra bản đồ Mặt Trăng với tỷ lệ 1:2.500.000, ban đầu các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã chia Mặt Trăng thành 30 hình tứ giác và lập bản đồ riêng cho chúng bằng cách sử dụng những tiêu chuẩn giống nhau. Sau đó, các chuyên gia tiến hành ghép các hình này lại với nhau để tạo thành một bản đồ hoàn chỉnh.
Bản đồ Mặt Trăng mà Trung Quốc công bố bao gồm có 12.341 hố va chạm, 81 bồn địa, 17 loại đá và 14 loại cấu trúc bề mặt. Điều này giúp cung cấp thông tin phong phú về địa chất của Mặt Trăng và sự tiến hóa của hành tinh này.
Bản đồ chi tiết về Mặt Trăng được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào công tác nghiên cứu khoa học, thăm dò và lựa chọn địa điểm hạ cánh ở trên Mặt Trăng.
Tham vọng chinh phục Mặt Trăng trong cuộc đua không gian
Trong những năm qua, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các kế hoạch chinh phục Mặt Trăng, để vượt lên trong cuộc đua không gian với Mỹ.
Cụ thể, Trung Quốc đã đưa một số tàu thăm dò lên Mặt Trăng và đạt được nhiều thành công nhất định trong các nhiệm vụ khám phá hành tinh này.
Vào tháng 1/2019, tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã hạ cánh ở phía xa của Mặt Trăng, đồng thời trở thành tàu vũ trụ đầu tiên đáp xuống vùng không thể nhìn thấy từ Trái Đất.
Hình ảnh mô phỏng về trạm đổ bộ của tàu Hằng Nga 5 hoạt động trên Mặt Trăng. Ảnh: CGTN.
Đến tháng 12/2020, tàu Hằng Nga 5 đã quay trở về Trái Đất và mang theo mẫu đất đá mà nó thu thập được từ bề mặt của Mặt Trăng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng để lại dấu ấn trên Mặt Trăng. Theo đó, vào tháng 5/2021, có ít nhất 8 cấu trúc trên Mặt Trăng, gần vị trí của tàu Hằng Nga 5 hạ cánh đã được đặt tên theo các nhà khoa học và địa danh của Trung Quốc.
Về phía Liên đoàn Thiên văn Quốc tế, có trụ sở tại Paris, cũng đã chấp thuận 8 tên tiếng Trung cho các cấu trúc trên ở khu vực gần vị trí hạ cánh của tàu Hằng Nga 5.
Từ đó, tổng số cấu trúc địa lý trên hành tinh này có tên Trung Quốc là 35.
Có thể đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2030
Vào tháng 3/2022, trong một cuộc phỏng vấn với China News Service, Viện sĩ Jiang Jie tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tiết lộ rằng, nước này đang phát triển một tên lửa thế hệ mới để có thể đưa phi hành đoàn lên Mặt Trăng vào năm 2030.
Robot thăm dò Thỏ Ngọc 2 trong sứ mệnh Hằng Nga 4. Ảnh: CNSA
Cụ thể, việc phát triển tên lửa thế hệ mới đang trong giai đoạn giải quyết công nghệ then chốt. Đặc biệt, nếu đạt được 13 bước đột phá quan trọng thì Trung Quốc có thể thực hiện "tham vọng" đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2030. Mặt khác, theo Viện sĩ Jiang Jie, việc Trung Quốc phát triển một tên lửa hạng nặng có thể giúp cải thiện năng lực xâm nhập, sử dụng không gian; đồng thời củng cố vị trí của quốc gia này trong lĩnh vực phát triển không gian và khám phá vũ trụ.
Trao đổi với CCTV, theo ông Ye Peijian, người thiết kế chính của tàu Hằng Nga 1, đồng thời là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, miễn là việc nghiên cứu công nghệ để phục vụ đưa con người lên Mặt Trăng vẫn được tiếp tục và miễn là đất nước quyết tâm, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể đưa phi hành đoàn lên Mặt Trăng vào năm 2030.
Vào ngày 25/4 vừa qua, Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cũng công bố về loạt dự án của nước này để tiến hành khám phá và xây dựng một căn cứ dành cho con người ở trên Mặt Trăng.
Theo Phó Cục trưởng CNSA Wu Yanhua cho biết, Trung Quốc sẽ bắt đầu giai đoạn 4 của chương trình khám phá Mặt Trăng trong năm 2022, trong có bao gồm nhiều phần khác nhau.
Đài CGTN đưa tin, trước đó, chương trình khám phá Mặt Trăng của Trung Quốc được chia làm 3 giai đoạn, bao gồm: Bay quanh Mặt Trăng, hạ cánh xuống Mặt Trăng và quay trở về từ Mặt Trăng. Giai đoạn thứ 4 có thể là ở lại Mặt Trăng, với mục tiêu là khám phá tại cực nam của hành tinh này, nơi được cho là có dấu vết của băng nước. Nhiệm vụ này nhằm tạo điều kiện để tiến hành xây dựng một căn cứ cho con người ở lại lâu hơn.
Giai đoạn thứ 4 này sẽ được chia làm 3 phần, bao gồm nghiên cứu và xây dựng cơ sở cần thiết trong 10 năm, xây trạm khoa học và cuối cùng là vận hành.
Sau khi hoàn tất, trạm khoa học này sẽ là nơi hoạt động của các nhà khoa học đến từ các nước trên thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạch phóng tàu thăm dò Hằng Nga 6, 7 và 8 để thực hiện nhiệm vụ thu thập mẫu vật ở vùng xa của Mặt Trăng, đồng thời tìm kiếm dấu vết của các tài nguyên khác, nghiên cứu khoa học và tiến hành thử nghiệm công nghệ.
Bài viết tham khảo nguồn: SCMP, CGTN, Spacenews, Hindustantimes, CNS