Vượt qua cấm vận
Các quan chức cấp cao tại Washington và Tokyo đã rất tin tưởng rằng việc đặt "áp lực tối đa" thông qua lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) lên Triều Tiên là cách thức quyết định, buộc nhà lãnh đạo Kim Jong Un phải quay trở lại bàn đàm phán.
Bình Nhưỡng đã là mục tiêu của hàng loạt các cấm vận trong hơn 10 năm qua, từ giao dịch tới vận chuyển hàng hóa với quốc tế. Loạt cấm vận nặng nề nhất đã được thi hành từ tháng 9/2017, áp dụng lên mặt hàng dầu thô.
Sáu tháng sau đó, ông Kim gửi thông điệp muốn gặp mặt tổng thống Mỹ Donald Trump vô điều kiện.
Nhiều người đánh giá đây là thành công lớn, chứng tỏ cấm vận đã có hiệu quả và khiến nền kinh tế Triều Tiên suy kiệt.
Nhưng theo SCMP, các bằng chứng mới đây - cả về mặt số liệu lẫn đánh giá của người có liên quan - đều cho thấy kinh tế Triều Tiên vẫn ổn định trong vài năm qua. Mặc dù cấm vận của LHQ có kìm hãm sự phát triển của đất nước này, thì Triều Tiên cũng còn rất lâu mới lâm vào cảnh nghèo đói và suy kiệt.
Rất khó để thu thập được dữ liệu đáng tin cậy về Triều Tiên. Nhưng các nguồn tin tổng hợp cho thấy Triều Tiên đã phát triển rõ rệt kể từ khi ông Kim Jong Un nhậm chức vào tháng 12/2011 - ít nhất cho tới trước khi LHQ bắt đầu triển khai loạt cấm vận mới.
Park En-na - đặc phái viên của Chính phủ Hàn Quốc phụ trách ngoại giao công chúng - đánh giá tình hình kinh tế Triều Tiên đang đi lên từng ngày.
Khu dân cư mới ở đường Ryomyong, Bình Nhưỡng. Ảnh: AP
"Ông Kim đã thêm vài yếu tố mới trong nền kinh tế, có thể kể tới tư nhân hóa," bà Park nói.
Ông Kim thực hiện đa dạng các phương pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nới lỏng tầm ảnh hưởng của chính phủ tới các doanh nghiệp. Năm 2012, ông đưa ra nhiều sáng kiến để cải thiện năng suất nhà máy, công ty và một năm sau đó, ông thành lập 13 khu vực phát triển kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhiều cải cách định hướng kinh tế thị trường được áp dụng từ năm 2014 để giải phóng nền kinh tế. Trên hết, cải thiện mức sống người dân đã trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
Số liệu về sự phát triển
Mặc dù khó có thể xác định được hiệu quả từ những giải pháp nói trên, một vài chỉ số kinh tế đã chứng tỏ sự phát triển của Triều Tiên.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc tại Seoul ước tính kinh tế Triều Tiên đã tăng trung bình 1,24% từ khi ông Kim lên nắm quyền, lên tới 28,5 tỉ USD vào năm 2016 - mức cao nhất trong 17 năm qua.
Số liệu về giao dịch thương mại của Bình Nhưỡng cũng cho thấy nền kinh tế đi lên từ năm 1996.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên là khoáng sản, sản phẩm luyện kim và các thành phẩm liên quan khác. Mặt hàng nhập khẩu chính là dầu, than cốc và máy móc các loại.
Ông Kim Jong Un bước qua biên giới liên Triều.
Theo báo cáo "Phân tích về tính mở và phúc lợi kinh tế của Triều Tiên" của ngân hàng trung ương Hàn Quốc, tổng lượng xuất khẩu của Triều Tiên đã đạt mức tăng trung bình hàng năm từ 4 tới 5%, mức nhập khẩu tăng 3 tới 5% trong suốt những năm qua.
Kinh tế Bình Nhưỡng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Năm 2016, Trung Quốc chiếm 85,6% trong tổng sản phẩm xuất khẩu và 90,3% lượng hàng hóa nhập khẩu vào Triều Tiên.
Giao thương giữa hai nước giảm 10,5% năm ngoái khi Bắc Kinh quyết định áp dụng các lệnh trừng phạt từ LHQ lên Triều Tiên. Tuy nhiên, nhìn chung, vẫn chưa thấy ảnh hưởng rõ rệt lên nền kinh tế của quốc gia này.
Không có đói kém, suy dinh dưỡng
Các quan sát viên quốc tế cũng cho rằng tình hình kinh tế Triều Tiên vẫn đang ổn định.
David Beasley, giám đốc điều hành tại Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đã tới thăm Triều Tiên vào tháng vừa rồi. Ông đã có mặt tại Bình Nhưỡng, quận Sinwon tại tỉnh Nam Hwanghae và thành phố Sinuiju ở tỉnh Bắc Pyongan.
Binh sĩ Triều Tiên đứng canh gác gần các thùng hàng ở thành phố Sinuiju - đối diện thành phố Đan Đông, Trung Quốc. Ảnh: AP
Ông Beasley cho biết không có dấu hiệu cho thấy có vấn đề đói kém và suy dinh dưỡng ở Triều Tiên.
"Tôi không thấy ai bị đói cả. Hồi những năm 1990, nạn đói hoành hành khắp nơi, nhưng bây giờ thì không".
Trong nạn đói năm 1994-1998, khoảng từ 240.000 tới 3.500.000 người Triều Tiên chết vì đói và những bệnh dịch liên quan. Không tổ chức nào có được số liệu chính xác về những người thiệt mạng trong suốt kì khủng hoảng bởi Triều Tiên luôn giữ kín thông tin với thế giới.
Theo khảo sát năm 2012, bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em Triều Tiên đã giảm từ 32,4% xuống còn 27,9% từ năm 2009.
"Theo ý kiến của tôi, người dân rất lạc quan vào nhà lãnh đạo. Tôi thấy họ đang mong chờ một chương mới trong lịch sử," ông Beasley nói.
Nhưng ông cũng khẳng định cần phải cải thiện nhiều hơn nữa, bởi trẻ em vẫn "cần bổ sung thêm nhiều loại dinh dưỡng, protein,... " để đảm bảo sức khỏe và thể chất tốt nhất.
Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Kim sử dụng vũ khí hạt nhân như lá bài đàm phán để giảm trừ thiệt hại từ các cấm vận.
Nông dân Triều Tiên ở tỉnh Nam Hwanghae vào tháng 9/2011. Ảnh: Reuters
Nhưng Chung Jae-heung, một nhà nghiên cứu tại Viện Sejong ở Seoul, nói: "Sự tự tin với vũ khí hạt nhân trong tay đã đem ông Kim tới bàn đàm phán, chứ không phải cấm vận của LHQ. Nền kinh tế của họ không xuống dốc như nhiều người nghĩ."
"Triều Tiên sẽ không dễ sụp đổ vì cấm vận của LHQ. Bắc Kinh sẽ ít có khả năng ngừng hỗ trợ Bình Nhưỡng tới mức có thể gây đe dọa tới chính quyền ông Kim."
Lim Eul-chul, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu Viễn Đông tại Seoul, cho biết mặc dù những cấm vận gần đây của LHQ đã khiến Triều Tiên chịu thiệt hại, nhưng sẽ không đủ để làm quốc gia này "nao núng".
"Triều Tiên hiện tại đã có đủ năng lực kinh tế để vượt qua cấm vận. Tôi nghĩ chính quyền ông Kim đã quyết định tăng tốc phát triển trong khi giải quyết các vấn đề kinh tế còn vướng mắc thông qua đàm phán trực tiếp với Mỹ," ông Lim nói.