Trong thế giới kiếm hiệp đầy màu sắc của nhà văn Kim Dung, "Xạ điêu tam bộ khúc" là bộ tiểu thuyết được xem là có sức ảnh hưởng lớn nhất. Câu chuyện bắt đầu từ sự sụp đổ của nhà Kim, nhà Tống và sự nổi lên của Đế chế Mông Cổ. Câu chuyện kết thúc một trăm năm sau đó với sự thiết lập nhà Minh. Những nhân vật trong truyện đóng vai trò quan trọng trong sự suy tàn và hưng vong của những triều đại đó. Hầu như 3 tác phẩm đều có mối liên hệ về nhân vật qua nhiều đời, nhất là các nhân vật chính.
Bộ ba tác phẩm gồm "Anh hùng xạ điêu", "Thần điêu hiệp lữ" và "Ỷ Thiên Đồ Long ký" đã tạo nên một vũ trụ kiếm hiệp đồ sộ với những màn võ công đỉnh cao và những câu chuyện tình yêu đầy bi tráng.
Một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất trong cộng đồng yêu mến Xạ điêu tam bộ khúc chính là ai mới là cao thủ có võ công cao cường nhất. Việc tìm ra một cao thủ "vô địch thiên hạ" trong thế giới võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung thực sự quá khó khăn, nhưng vẫn có một nhân vật được nhiều ý kiến cho rằng xứng đáng nhất với danh hiệu này.
So sánh thực lực các đại cao thủ trong Xạ điêu tam bộ khúc
Nhắc đến Xạ điêu tam bộ khúc, không thể không nhắc đến tuyệt kỹ võ công vang danh thiên hạ - Cửu Âm chân kinh. Xuất hiện xuyên suốt bộ tam, cuốn bí kíp này luôn là mục tiêu tranh đoạt của nhiều đại cao thủ, từ Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái cho đến những cái tên sừng sỏ khác. Trong Anh hùng xạ điêu, Cửu Âm chân kinh trở thành tâm điểm khiến các anh hùng hao tâm tổn sức. Đến Thần điêu hiệp lữ, cuốn bí kíp vẫn là mục tiêu của nhiều người. Ngay cả trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, cuộc chiến giành giật Cửu Âm chân kinh vẫn chưa chấm dứt với những âm mưu toan tính của Chu Chỉ Nhược và các môn phái khác.
Trong Anh hùng xạ điêu, kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất mở màn với nhân vật Vương Trùng Dương - người được xưng tụng là võ công cái thế. Tuy nhiên, Vương Trùng Dương lại sớm lìa đời. Trong lần luận kiếm thứ hai trên đỉnh Hoa Sơn, Âu Dương Phong trở thành người đứng đầu võ lâm. Đến với Thần điêu hiệp lữ, ngôi vị bá chủ võ lâm vẫn là một ẩn số. Dương Quá được coi là ứng cử viên sáng giá với chiêu thức Ám nhiên tiêu hồn chưởng uy lực phi thường, nhưng lại phụ thuộc vào tâm trạng, lúc mạnh lúc yếu.
Một nhân vật khác xứng đáng được nhắc đến trong Thần điêu hiệp lữ là Lâm Triều Anh. Tuy không trực tiếp xuất hiện, nhưng bóng dáng của bà vẫn ảnh hưởng lớn đến cục diện võ lâm. Lâm Triều Anh là một nữ hiệp tài năng xuất chúng, tự sáng tạo võ công khắc chế phái Toàn Chân. Tuy nhiên, bà khó có thể thắng Vương Trùng Dương bởi ông có trong tay Cửu Âm chân kinh để hóa giải mọi chiêu thức của bà.
Ngoài ra, xét về võ công trong Thần điêu hiệp lữ, có lẽ Âu Dương Phong cũng là người đáng gờm nhất. Dù luyện Cửu Âm chân kinh sai lệch, nhưng với nội công thâm hậu cùng thiên phú võ học, ông đã phá được Đả cẩu bổng pháp của Hồng Thất Công.
Sang đến Ỷ Thiên Đồ Long ký, Trương Vô Kỵ được nhiều người coi là nhân vật lợi hại nhất. Anh ta tinh thông Cửu dương thần công, Càn khôn đại na di và am hiểu cả Thái Cực công của Trương Tam Phong. Tuy nhiên, xét trên toàn bộ Xạ điêu tam bộ khúc, vẫn có một nhân vật vượt trội hơn hẳn Trương Vô Kỵ. Đó chính là Hoàng Sam Nữ Tử - người được cho là thông hiểu Cửu Âm chân kinh nhất. Minh chứng rõ nét là việc Hoàng Sam Nữ Tử chỉ dùng một chiêu đã dễ dàng đánh bại Chu Chỉ Nhược.
Với việc thành thạo cuốn bí kíp võ công thượng thừa này, Hoàng Sam Nữ Tử hoàn toàn xứng đáng là nhân vật sở hữu võ công đỉnh cao nhất trong Xạ điêu tam bộ khúc. Đây cũng là minh chứng cho sức hút bất diệt của Cửu Âm chân kinh - tuyệt học võ công khiến giang hồ chao đảo trong suốt bộ tam kiếm hiệp kinh điển.
*Nguồn: Sohu, Sina