Trong chặng đường 29 năm qua (1-6-1989/1-6-2018), có không ít thời điểm binh đoàn phải vượt qua những "cung đường" ghập ghềnh, tựa như những "cú xóc" của máy bay trên bầu trời không êm ả…
Vượt khó tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh (QP-AN), Binh đoàn 18 trực tiếp cung cấp dịch vụ trực thăng cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được giao.
Trong những năm qua, binh đoàn luôn là một trong những doanh nghiệp Quân đội hoạt động hiệu quả, là "điểm sáng" trong thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Có được kết quả đó là bởi sự nỗ lực vượt khó, năng động sáng tạo tìm hướng đi mới của binh đoàn, khi những con đường cũ trở nên…gập ghềnh, khó đi. Và, vượt khó không phải là câu chuyện của những năm gần đây, mà là câu chuyện binh đoàn phải đối mặt ngay những ngày đầu thành lập.
Đại tá Nguyễn Xuân Bội, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 18 nhớ lại: Khi đơn vị tách ra khỏi Quân chủng Phòng không-Không quân năm 2005, về trực thuộc Bộ Quốc phòng, muôn vàn khó khăn đặt ra với binh đoàn, đặc biệt là nhân lực phi công.
Nếu trước đây cần phi công là có ngay nguồn lực này từ các đơn vị của Quân chủng, nhưng khi chuyển về Bộ Quốc phòng thì binh đoàn phải hoàn toàn tự chủ về nguồn nhân lực đặc biệt này. Vậy nhưng, khó khăn dần được hóa giải khi Binh đoàn chủ động "xốc lại" Trung tâm huấn luyện thực hành với việc tổ chức trung tâm này thành đơn vị trực thuộc từ năm 2012.
Tính từ đó đến nay, binh đoàn đã liên kết đào tạo được hàng chục phi công trực thăng cơ bản cho các đơn vị; hỗ trợ huấn luyện đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật cho Quân chủng Hải quân, Ấn Độ; huấn luyện bay IFR…Qúa trình huấn luyện sát thực tiễn, chất lượng được nâng cao, đồng thời tiết kiệm chi phí từ 35-40% so với đào tạo ở nước ngoài.
Lực lượng, phương tiện của Binh đoàn 18 có đủ khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, từ quân sự-quốc phòng đến sản xuất kinh doanh trên nhiều điều kiện khí hậu, địa hình.
Trong huấn luyện tạo nguồn nhân lực, Binh đoàn 18 luôn bám sát phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm" và theo hướng "tự huấn luyện đào tạo là chính".
Trên cơ sở giáo trình huấn luyện cơ bản đã được phê duyệt, các công ty, đơn vị thành viên của binh đoàn tập trung nghiên cứu, vận dụng các nội dung huấn luyện theo tiêu chí của các nhà khai thác dịch vụ hàng không quy định, để nhanh chóng thích ứng với các điều kiện của từng đối tác.
Trong quá trình huấn luyện, các đơn vị chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, giữa huấn luyện bay và huấn luyện mặt đất, giữa bay thương mại và bay thực hiện nhiệm vụ quân sự- quốc phòng, nhất là bay chuyên cơ, diễn tập, phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu y tế và bay biển, đảo…
Đồng thời, binh đoàn chú trọng huấn luyện bay nâng cao, bay theo yêu cầu nhiệm vụ, bay trong điều kiện thời tiết xấu và bay chuyển loại máy bay mới cho phi công trên các loại máy bay hiện đại, như: trực thăng AW-189, EC-225, EC-155B1, Super Puma L2, Carbi G2…; đặc biệt coi trọng huấn luyện định kỳ cho phi công bay buồng tập và bay xử trí các tình huống phức tạp về QP-AN ở trên không và trên biển, đảo.
Nhờ tiến hành đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp nên chất lượng đội ngũ phi công của Binh đoàn 18 ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt cho cả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cũng như nhiệm vụ QP-AN.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Quân đội thực hiện chủ trương tái cơ cấu theo quyết định số 1893/QĐ-BQP ngày 27-5-2014 của Bộ Quốc phòng, khó khăn lại thêm một lần đặt ra với Binh đoàn 18 khi bắt đầu thực hiện chủ trương này.
Thượng tá Kiều Đặng Hùng, Phó tư lệnh Binh đoàn 18, kiêm Giám đốc Công ty Trực thăng miền Nam chia sẻ:
"Vì là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện tái cơ cấu, nên không có "ví dụ" hay "mô hình" để tham khảo, học hỏi, rút kinh nghiệm. Vì thế Công ty phải mày mò và tự tay đặt những "viên gạch" đầu tiên cho quá trình này. Việc thay đổi thương hiệu trong quá trình tái cơ cấu cũng dẫn đến những thắc mắc, những câu hỏi có chút "nghi vấn" từ phía các khách hàng truyền thống.
Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp, từ thuê luật sư tư vấn về pháp lý, đến chủ động đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các thành phần, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ theo đúng yêu cầu của Hiệp hội dầu và khí thế giới OGP… nên những khó khăn trong tái cơ cấu dần được hóa giải và Công ty đã thực hiện thành công quá trình này".
Bảo đảm công tác kỹ thuật, hậu cần cho máy bay của Binh đoàn 18 thực hiện nhiệm vụ hạ cánh bãi ngoài.
Năng động mở những "đường bay" mới
Năm 2015 được coi là thời điểm phát sinh những thách thức mới đối với Binh đoàn 18 trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khi giá dầu thế giới liên tục giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bay phục vụ thăm dò khai thác dầu khí. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh thu của đơn vị bị sụt giảm.
Thượng tá Bùi Thế Anh, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 18 chia sẻ: Có những giai đoạn, lương cán bộ, sĩ quan thấp hơn mức lương quân hàm. Điều đó có tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của anh em.
Vậy nhưng, thông qua tiến hành nhiều biện pháp, chúng tôi một mặt ổn định tình hình tư tưởng cán bộ, nhân viên, người lao động, một mặt khơi dậy sự năng động, sáng tạo của "Bộ đội Cụ Hồ" trên mặt trận kinh tế để tìm những "đường bay" mới.
Những "đường bay" mới được Binh đoàn 18 "khai mở" chính là hoạt động bay cứu hỏa tại Indonexia của Công ty Trực thăng miền Nam và hợp đồng xuất khẩu máy bay sang Ấn Độ của Công ty Trực thăng miền Bắc. Trong đó, bay cứu hỏa ở nước ngoài là loại hình bay hoàn toàn mới đối với Binh đoàn 18.
Qua nghiên cứu, đánh giá, lãnh đạo binh đoàn nhận định tuy khó khăn là loại hình bay mới, nhưng thuận lợi là đơn vị có đội ngũ phi công, thợ máy có tay nghề cao; cán bộ quản lý chủ chốt có kinh nghiệm; máy bay chất lượng tốt.
Phi công Trần Hồng Nam, thuộc Công ty Trực thăng miền Nam, một trong những người đã tham gia bay chữa cháy rừng tại Indonexia bộc bạch: "Khó khăn lớn nhất khi bay cứu hỏa là việc mang treo gầu múc nước, với tổng trọng lượng gần 4 tấn, "tấn công" chính xác vào điểm cháy.
Trực thăng Mi của Binh đoàn 18 thực hiện hợp đồng bay chữa cháy rừng tại Indonexia.
Thế nên, công tác huấn luyện phải bắt đầu từ việc treo cẩu những khối bê tông có trọng lượng tương tương gầu chứa nước cứu hoả, tiến hành cất hạ cánh, rồi bay cơ động. Đến khi thuần thục thì tiếp tục bay mang treo gầu múc nước tiêu chuẩn, lại bắt đầu từ công đoạn cất cánh hạ cánh, rồi múc nước và thả "bom nước" vào điểm cháy giả định".
Nhờ sự năng động, sáng tạo ấy, việc huấn luyện bay cứu hỏa của Công ty Trực thăng miền Nam đã hoàn thành trong vòng 2 tháng. 2 chiếc trực thăng cùng các tổ bay đã lên đường năm 2017 tham gia chữa cháy rừng ở "đất nước vạn đảo" Indonexia, được phía bạn đánh giá cao bởi sự hiệu quả cũng như tính chính quy, kỷ luật của người lính.
Nhờ đó, trong năm 2018 này, hai bên tiếp tục ký hợp đồng để Binh đoàn 18 cung cấp 2 tổ bay Mi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng trên đất bạn.
Ý nghĩa của hoạt động bay cứu hỏa tại Indonexia không dừng lại ở giá trị hợp đồng mà đây còn là cơ hội rèn luyện và nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý cũng như đội ngũ phi công và nhân viên kỹ thuật; đồng thời học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm từ phía bạn.
Binh đoàn 18 xác định, để có thể phát triển bền vững thì không thể chỉ trông chờ vào loại hình bay phục vụ thăm dò khai thác dầu khí mà cần phải mở rộng thêm nhiều loại hình bay khác.
Nhận định bay du lịch, cấp cứu y tế…đang rất có tiềm năng và sẽ dần trở thành xu thế được xã hội lựa chọn, binh đoàn đã chủ động đầu tư mua sắm các loại máy bay, trang bị kỹ thuật đồng bộ, phù hợp với những loại hình bay nói trên, sẵn sàng mở rộng và làm chủ thị trường.
Những năm gần đây, yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Binh đoàn 18 ngày càng cao. Kể từ ngày 1-7-2017, binh đoàn chính thức triển khai thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu cấp 2, trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Với phương châm "đi tắt, đón đầu", đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư mua sắm, đổi mới phương tiện bay và trang thiết bị kỹ thuật theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đồng thời, tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới hệ thống đường băng, sân đỗ, nhà ga và các cơ sở bảo đảm kỹ thuật…vừa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được giao trong tình hình mới.