Giá quặng sắt tăng gần 21% kể từ đầu năm 2020 đến nay, cao hơn mức tăng 19% của vàng. Cụ thể, giá quặng sắt vượt 112 USD/tấn trong phiên 15/7, theo S&P Global Platts, ghi nhận mức tăng 9% trong một tháng qua.
Trong khi giá vàng được hỗ trợ bởi loạt chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn của các ngân hàng trung ương, thị trường quặng sắt đi lên chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, tăng mạnh. Nhằm khôi phục kinh tế, Bắc Kinh gần đây công bố một số kế hoạch nhằm tăng chi tiêu vào hạ tầng.
Ngoài ra, đà tăng bất ngờ của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tuần trước cũng hỗ trợ lớn cho giá quặng sắt, với việc giới đầu tư tranh thủ rót vốn vào các sản phẩm phái sinh của có liên quan tới vật liệu thô này.
Thị trường quặng sắt đi lên chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, tăng mạnh. Ảnh: Financial Times.
Tyler Broda, chuyên gia phân tích tại RBC Capital Markets, cho biết xu hướng dài hạn của nhu cầu thép vẫn chưa chắc chắn trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào trái phiếu để huy động vốn cho các kế hoạch đầu tư mới.
Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn lại khá sáng sủa vì các nhà hoạch định chính sách đang tập trung bảo vệ thị trường việc làm.
Số liệu được công bố trong tuần này cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 100 triệu tấn quặng sắt trong tháng 6, tăng từ mức 87 triệu của tháng 5. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2017.
Điều này cũng có nghĩa là sản lượng thép tháng 6 của nước này có thể vượt con số 92,3 triệu tấn của tháng 5. Xét cả năm nay, tổng sản lượng thép của Trung Quốc có thể đạt kỷ lục trên 1 tỷ tấn, trong khi của phần còn lại của thế giới chỉ 750 triệu tấn.
Giới phân tích cho biết sự bền vững trong nhu cầu của Trung Quốc có thể là yếu tố chính quyết định xu hướng giá trong nửa sau của năm 2020. Tuy nhiên, giá có thể bị ảnh hưởng khi xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung trên diện rộng chứ không chỉ ở Brazil như hiện tại do dịch Covid-19 gây ra.
Tai Australia, các tập đoàn khai khoáng lớn đã chạy hết công suát từ tháng 6 và đang lên kế hoạch bảo dưỡng đường ray vận chuyển cũng như các cảng hàng.
Công ty môi giới tàu thuyền Braemar ACM cho biết tháng 6 ghi nhận số chuyến tàu vận chuyển xuất phát từ cảng Hedland, cảng quặng sắt lướn nhất thế giới, lên cao kỷ lục. UBS ước tính Rio Tinto đã xuất khẩu 88,1 triệu tấn quặng sắt trong quý II, tăng hơn 20% so với quý trước đó.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 7 đến nay, số lượng quặng sắt của Australia trung bình xuất đi chỉ đạt hơn 2,2 triệu tấn mỗi ngày, giảm khoảng 18% so với tháng trước.
Xuất khẩu quặng sắt của Brazil cũng giảm, với khối lượng xuất đi trong tuần kết thúc vào ngày 12/7 giảm 23% so với một tuần trước đó, theo UBS.
Cùng với sự suy yếu trong hoạt động xuất khẩu quặng sắt, việc sản lượng thép tại Trung Quốc liên tục tăng trong thời gian gần đây sẽ đẩy giá quặng lên cao hơn trong những tháng còn lại của năm 2020.
Xuất khẩu từ Brazil tăng trở lại có thể khiến giá giảm đôi chút nhưng chúng tôi kỳ vọng giá sẽ loanh quanh ở 90 USD/tấn trong 2 quý tới”, ông Dominic O’Kane, chuyên gia phân tích tại JPMorgan, nói.