2 người có nhóm máu hiếm A RH- vượt 200km trong đêm để cứu sống bệnh nhận bị xuất huyết dạ dày.
Thầy giáo Nguyễn Quý Hùng, công tác tại Trường THCS Cao Quảng (Tuyên Hóa, Quảng Bình) và anh Nguyễn Văn Quân ở Thị trấn Nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy, Quảng Bình) công tác tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Lệ Thủy đã di chuyển hơn 200km trong đêm để hiến hai đơn vị máu hiếm, kịp thời cấp cứu bệnh nhân nặng.
Trước đó, bệnh nhân (BN) Hồ Thị Thi (70 tuổi, địa chỉ Thạch Lâm, Thạch Hà, Hà Tĩnh) vào viện ngày 03/3/2018 trong tình trạng mệt mỏi, da xanh, đi ngoài phân đen.
Sau khi được thăm khám, làm các xét nghiệm lâm sàng và nội soi dạ dày tá tràng được chẩn đoán Thiếu máu nặng do Xuất huyết dạ dày. Xét nghiệm cho thấy số lượng hồng cầu giảm dần.
Bác sỹ Hoàng Văn Thành - Phó Khoa nội tổng hợp - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Thi cho biết: Trường hợp của BN Thi bị chảy máu rất nhiều cần phải được truyền máu cấp cứu ngay trong đêm 03/3/2018 nếu không sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm, nhóm máu của bệnh nhân là loại cực hiếm, nhóm máu A, Rh - (tỷ lệ Rh- của cả 04 nhóm máu O, A, B, AB ở người Việt Nam là 0,08% xếp vào loại cực hiếm).
Cho đến hiện tại, theo số liệu tại khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì tỉnh Hà Tĩnh mới phát hiện một người có nhóm máu này (người này đã đi lao động ở nước ngoài).
Khoa xét nghiệm đã liên hệ với Viện huyết học truyền máu Trung ương nhưng cũng không có sẵn.
Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, Khoa Xét nghiệm đã liên hệ Câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Trung.
Rất may trong Câu lạc bộ, tỉnh Quảng Bình có 05 người có cùng nhóm máu với bệnh nhân Thi. Sau khi nhận được liên hệ từ Hà Tĩnh, thầy giáo Nguyễn Quý Hùng (công tác tại Trường THCS Cao Quảng, Tuyên Hóa, Quảng Bình) và anh Nguyễn Văn Quân (công tác tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) ngay lập tức đã di chuyển hơn 200km trong đêm ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh hiến máu cứu người.
Anh Nguyễn Văn Quân - người trực tiếp hiến máu cứu sống BN Thi cho biết: vào lúc 21h30 tôi có nhận được cuộc điện thoại từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thông báo có bệnh nhân xuất huyết dạ dày gây thiếu máu và rất cần 500ml nhóm máu A Rh- để truyền cấp cứu.
Tôi đã liên hệ với thầy Hùng ở Tuyên Hóa cũng có nhóm máu A Rh- cùng đi.
"Do phải di chuyển một quãng đường dài và nhiều chặng bắt xe, hơn nữa trong lúc đêm khuya không có xe nên mãi đến gần 2 giờ sáng ngày 4/3 chúng tôi mói có mặt để hiến máu.
Mặc dù rất mệt nhưng rất may là chúng tôi vẫn đến kịp để hiến 2 đơn vị máu cứu sống BN Thi, tôi thấy mọi mệt mỏi như tan biến", anh Quân tâm sự thêm.
Đây là một nghĩa cử hết sức cao đẹp, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam là yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẻ chia, giúp đỡ nhau, nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Câu chuyện anh Quân và thầy Hùng xứng đáng để cho chúng ta phải học tập và làm theo, để luôn sẵn sàng hiến tặng những giọt máu thắm đượm tình người, cứu sống những người bệnh hiểm nghèo, góp phần chia sẻ khó khăn với ngành y tế.
Đối với máu người, người ta dựa vào sự hiện diện của 2 loại kháng nguyên A và B để phân máu thành 4 nhóm chính là A, B, AB và O (còn gọi là hệ thống nhóm máu ABO).
Người có nhóm máu A có kháng nguyên A và có kháng thể b (chống B) trong máu. Người có nhóm máu B có kháng nguyên B và có kháng thể a (chống A) trong máu.
Người có nhóm máu AB có kháng nguyên A và B và không có kháng thể a và b trong máu. Người có nhóm máu O không có kháng nguyên A và B nhưng trong máu có kháng thể a và b.
Ngoài hai loại kháng nguyên A và B, người ta còn phát hiện trong máu có những kháng nguyên khác, trong đó đáng chú ý là kháng nguyên Rhesus (ký hiệu Rh). Kháng nguyên hệ Rh phân bố thưa thớt trên bề mặt hồng cầu.
Khi cơ thể có kháng nguyên Rh thì được gọi là Rh+ (dương tính). Còn nếu cơ thể không có kháng nguyên Rh thì được xem là Rh- (âm tính).
Theo thống kê, tỷ lệ Rh+ của người da trắng là 85%, người Mỹ da đen là 95%, người Phi da đen là 100%, người Việt là 99,92%. Nói cách khác, tỷ lệ Rh- của người Việt là 0,08% (rất hiếm).