Catherine là người tận tâm tạo tiền đề cho việc giáo dục phụ nữ vào thế kỷ 16, giúp cho phụ nữ thời ấy được tiếp cận một phần với kiến thức khoa học. Bà cũng được kính trọng rộng rãi khi là người khởi xướng một chương trình quy mô cứu tế những người dân nghèo, đồng thời khởi đầu phong trào phục hưng chủ nghĩa nhân đạo ở Anh. Bà còn nổi tiếng vì sự ngoan đạo nhưng sáng suốt và sự nhân từ của bà dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo.
Catherine là con gái út của Song vương Ferrando II của xứ Aragon và Isabel I của Castilla, hai vị Quân chủ Công giáo trứ danh đương thời. Nữ vương Isabel rất chăm chút cho giáo dục của các con gái và Catherine cũng không ngoại lệ. Bà được những học giả và giáo sĩ cao cấp trong triều đình của cha mẹ dạy dỗ kĩ càng về văn hóa, khoa học, ngôn ngữ. Catherine thành thạo không chỉ các môn học thuật mà còn rất điêu luyện trong các kỹ thuật nữ công gia chánh. Những điều này khiến bà trở thành một trong những người phụ nữ hiếm hoi của châu Âu thời đó có học vấn cao.
Bức tranh thảm tái hiện hôn lễ giữa Catherine và Vương công Arthur.
Khi lên 3 tuổi, bà được đính ước cho Vương công Arthur, anh trai của Henry và là người được định sẽ kế vị ngai vàng. Hai người kết hôn vào năm 1501 nhưng 5 tháng sau, Vương công Arthur lâm bệnh và qua đời khi mới 15 tuổi. Cả hai chưa động phòng, nên theo dự tính từ phía Tây Ban Nha lẫn nước Anh, bà sẽ tái hôn với em trai của Arthur là Vương tử Henry. Hai nước sau đó xảy ra mâu thuẫn và Catherine bất đắc dĩ trở thành con tin. Năm 1507, sau thời gian dài bị triều đình Anh bắt làm con tin và phải sống trong nghèo túng, Catherine được cha là Quốc vương Ferrando bổ nhiệm làm Đại sứ Tây Ban Nha, trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử châu Âu đảm nhiệm vai trò này.
Catherine (trái) những năm cuối đời, minh họa vào thế kỷ 19.
Trong 10 năm đầu hôn nhân, Catherine có hơn 5 lần mang thai nhưng đều bị sẩy thai hoặc chết yểu, chỉ giữ được 1 cô con gái là Nữ vương Mary I của Anh sau này. Những khi nhà vua phải đi khỏi nước Anh, bà giữ vai trò nhiếp chính và được đánh giá cao, trong đó có việc nước Anh chiến thắng trận Flodden trước Scotland nhờ công lớn của bà. Sau đó, vua Henry VIII bắt đầu theo đuổi một người phụ nữ khác tên là Anne Boleyn. Năm 1533, Vua Henry tuyên bố hủy bỏ hôn nhân với Catherine, xem nó là "chưa bao giờ tồn tại" và cưới Anne Boleyn. Cuộc ly hôn này giữa Henry và Catherine đã đánh dấu một cột mốc thay đổi quan trọng trong lịch sử nước Anh.
Sau khi bị trục xuất khỏi triều đình nước Anh, Catherine bị đưa qua nhiều vùng khác nhau, và cuối cùng dừng chân tại Lâu đài Kimbolton. Bất chấp việc mất đi địa vị cao quý và sức khỏe yếu dần, bà vẫn luôn tích cực và tiếp tục đi giúp đỡ người khác. Catherine qua đời ngày 7/1/1536, được chôn cất tại Nhà thờ chính tòa Peterborough, Anh quốc.
Bức tượng Catherine xứ Aragon tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.
Dù là người ngoại quốc, song Catherine vẫn được người dân Anh yêu mến. Trước thời đại của Henry VIII, nước Anh chưa bao giờ có tư tưởng để phụ nữ kế vị, vì họ quan niệm phụ nữ lên ngôi sẽ chấm dứt dòng dõi và khiến nội chiến xảy ra. Việc Catherine hỗ trợ chủ nghĩa nhân đạo cũng như tập trung giáo dục con gái Mary chính là tác động lớn đến học thuyết chủ nghĩa mới tại triều đình Anh.
Trong văn hóa đại chúng, bên cạnh những quyển sách viết về bà, cuộc đời và tính cách khẳng khái của bà đã được mô tả hoàn hảo trong vở "Henry VIII" của đại thi hào Shakespeare. Văn hóa hiện đại cũng có không ít các tác phẩm về Catherine, trong đó phải kể đến bộ phim từng thắng giải Oscar "Anne of the Thousand Days", vở nhạc kịch Broadway "SIX" hay phim truyền hình "The Spanish Princess".