Tận mục hồ Sao Sỉa
Năm chiếc hồ lớn nằm trên đỉnh núi Ca Đề thuộc dãy Đại Lại được bao trùm bởi ngút ngàn rừng thông cổ thụ, rất ít người biết. Những chiếc hồ lớn được lưu giữ trong truyền thuyết là địa điểm triều Hồ chọn làm nơi rèn giũa binh sĩ tinh nhuệ nhằm đánh đuổi kẻ thù, giữ yên bờ cõi. Trong đó có một hồ nước đặt tên Ao Bèo, cư dân bản địa còn gọi với tên khác: hồ Sao Sỉa.
Chính quyền xã Hà Đông cho biết, khi Hồ Quý Ly về đây lập cung điện, ông từng đưa quân sĩ lên khu vực hồ Sao Sỉa luyện tập võ nghệ, nâng cao thể lực, thích nghi với điều kiện môi trường khắc nghiệt. Câu chuyện về hồ Sao Sỉa khiến người viết bài này rất tò mò nên quyết định ngược núi. Con đường lên non len lỏi qua bạt ngàn rừng thông xanh ngút ngàn.
Mất hơn một giờ đi bộ, cả đoàn có mặt ở đỉnh Kim Âu, khu hồ hiện ra trước mắt, rộng mênh mông. Trải qua hàng nghìn năm, hồ Sao Sỉa gần như trở thành một bãi đất bằng phẳng, chỉ có cỏ dại mọc, trong khi tứ phía được rừng cây bao bọc.
Ông Phạm Văn Vĩnh - Bí thư Đảng uỷ xã Hà Đông, người đam mê nghiên cứu những giá trị văn hóa của tiền nhân để lại, cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã nghe các bậc cao niên kể rằng, trên dãy Đại Lại có cồm, vũng do các mảnh thiên thạch xỉa xuống vùng đất này tạo thành nhiều ao lớn.
Truyền thuyết lưu giữ, khu vực hồ Sao Sỉa là nơi mà Hồ Quý Lý thao luyện đội quân tinh nhuệ chuyên hoạt động ở những nơi hiểm trở. Cạnh khu vực thao trường, vua Hồ cho đào một giếng khơi để quân sĩ lấy nước sinh hoạt. Thế nhưng, đến ngày nay, câu chuyện hồ Sao Sỉa gần như bị vùi vào quên lãng.
"Thỉnh thoảng mới có vài người đi lấy nhựa thông hoặc mấy bác thợ câu ếch ngang qua. Trong khi ở đỉnh Kim Âu hoàn toàn có thể xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, ngoài phục vụ nhu cầu cuộc sống còn góp phần tôn tạo, gìn giữ giá trị lịch sử của cha ông để lại"- ông Vĩnh nói.
Giếng nước Kim Âu còn khá nguyên vẹn sau hơn 600 năm lịch sử.
Chuyện về "vườn thượng uyển"
Khi giặc Minh xâm lược nước ta, Ly Cung nhà Hồ bị phá, riêng ngôi chùa Phong Công (hay còn gọi là chùa Tranh) thì còn. Ông Phạm Văn Vĩnh kể: "Từ đời này sang đời khác, người dân Đại Lại vẫn lưu truyền trong dân gian rằng: Chùa Tranh còn hiện diện đến vài trăm năm sau mới bị phá dỡ. Vào khoảng giữa thế kỷ trước, nhân dân có phong trào bài phong nên Ly Cung tiếp tục trở thành nạn nhân của việc hủy hoại di sản".
Tới năm 1942, khi GS Hoàng Xuân Hãn phát hiện ra phế tích kiến trúc cũ đổ nát, Ly Cung mới bắt đầu hé lộ. Nhưng phải đến năm 1979, sau nhiều đợt thám sát, các nhà khảo cổ học chính thức tìm ra và khẳng định nền móng, đền đài ở Đại Lại đích thực là dấu tích của Ly Cung nhà Hồ trường tồn cùng thời gian. Tuy nhiên hệ thống công trình chính chỉ còn lưu giữ như một phế tích. Riêng phần nền chùa, các khu tam quan trong và ngoài do sự kiêng kỵ cho nên ít bị tác động.
Cũng trong khoảng thời gian từ 1979-1985, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật làm 4 đợt ở Ly Cung, trên diện tích rộng 600 m2. Trong đó, ở kiến trúc hoàng cung đã tìm thấy hàng đá xanh bó móng được gia công thành những khối vuông vức, đầu tiếp giáp có lỗ đổ cá bằng chì, liên kết với nhau thành một khối. Bên ngoài hàng đá xanh bó nền là hàng gạch hoa bó vỉa bao quanh, điểm ngoài kế tiếp có hàng gạch bìa xếp đứng. Trên nền chính điện còn sót lại những tảng đá như một minh chứng về sự đồ sộ của Ly Cung.
Phần sân điện có bố cục gần vuông, toàn bộ mặt sân lát bằng loại đá phiến với kích thước khá lớn, có điểm gạch hoa bao xung quanh. Diềm gạch hoa này không tạo thành một hình khép kín mà được bắt góc quay ra, bao lấy một vài kiến trúc khác.
Đặc biệt, giữa nền điện gần về phía sân đã phát hiện được bệ đá hoa sen cực lớn. Bên trong và ngoài nền sân điện còn tìm được những hiện vật nghệ thuật đá chạm hoa cúc dây, cánh sen, tượng chó, vịt...
Xạ nước Kim Phát.
Gần đây, ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa bật mí cho biết những thông tin đặc biệt: ngay trong khu vực phụ cận, thuộc mảnh đất canh tác cây lâu năm của gia đình ông Vũ Văn Thành, có dấu hiệu cho thấy nơi này chính là khu vườn thượng uyển của nhà Hồ. "Khu vườn do gia đình ông Thành quản lí khá vuông vức, thửa đất bằng phẳng, xung quanh còn tồn tại những dấu tích tường đá cũ" - ông Sơn mô tả.
"Đọc" được sự tò mò, ông Phạm Văn Vĩnh - Bí thư Đảng uỷ xã Hà Đông vẽ lại sơ đồ khá chi tiết về khu vườn thượng uyển để chúng tôi dễ hình dung. Ông Vĩnh nói: "Khuôn viên, dấu tích đá hiện lên khá quy mô, được quy hoạch và bài trí hợp lí thể hiện sự uy nghi nơi cung đình. Nhưng bây giờ chỉ còn lại những khối đá nhỏ và một số khối đá lớn nằm sâu dưới lòng đất".
Ông Vũ Văn Thành, chủ nhân của khu đất thầu có chứa "vườn thượng uyển" cho biết, gia đình ông nhận thầu khu đất này từ năm 1989. Quá trình đào hố, trồng cây, nhiều lần ông thúc cuốc, thuổng xuống đất thì bị vướng đá, gạch gây quằn lưỡi dụng cụ. Bực quá, người nông dân tò mò khơi rộng hố đất thì mới biết đó là những khối đá, gạch kè thành nhiều ô, thẳng hàng, ô kè giống hình quả trám.
"Mong sao, các cơ quan chức năng sớm về nghiên cứu, tiến hành thực hiện khai quật khảo cổ học để xác định nếu đúng đó là di tích lịch sử Ly Cung thì tôi sẽ trả lại để Nhà nước có phương án trùng tu, tôi tạo" - ông Thành bày tỏ.
Giếng vua và xạ nước
Cũng trên địa bàn xã Hà Đông các nhà nghiên cứu phát hiện thêm một số công trình cổ khác vốn được xây dựng từ thời nhà Hồ còn tồn tại đến ngày nay. Giếng vua hiện còn khá nguyên vẹn. Giếng nằm trên khu đất do địa phương quản lí nhưng chen giữa hai hộ dân Hoàng Văn Hạnh và Đặng Văn Đang thuộc thôn Đại Lại.
Anh Nguyễn Văn Thái - Cán bộ Văn hóa xã Hà Đông cho biết: Giếng xây dựng hình vuông. Xung quanh lòng giếng được kè bằng đá tấm thành từng lớp, lớp dưới so le với lớp trên. Phần từ mặt nước trở lên có thể được xây bằng gạch, chát vữa.
Anh Hoàng Văn Hạnh (chủ hộ sống cạnh giếng) cho biết: Từ ngày lớn lên, cư trú trên mảnh đất này chưa bao giờ anh thấy nước giếng bị đục. Tuy giếng không quá sâu nhưng nguồn nước ngầm lúc nào cũng đầy ắp, trong xanh, mát lành. Gia đình anh Hạnh cũng như một số hộ dân lân cận vẫn đến lấy nước từ chiếc giếng này về nấu thức ăn và chưng cất rượu.
Ngoài giếng vua, ngay tại mảnh đất lịch sử Hà Đông còn tồn tại hai xạ nước nằm bên tả, hữu cung Bảo Thanh về phía tây bắc. Xạ nước là điểm cuối của mạch nguồn được chắt lọc từ lòng dãy núi Đại Lại để bậc tiên đế triều Hồ sử dụng trong sinh hoạt thuở xưa.
Nước lấy tại chân núi, chảy qua máng dài khoảng 100m đổ vào xạ. Máng được xây dựng bằng gạch, mái lợp ngói úp để dẫn nước. Phần xạ, xây theo hình bán nguyệt, trên thành lắp ghép bằng các khối đá xanh nhỏ chồng lên nhau nằm ở phía sau hậu cung. Bên cạnh xạ còn tồn tại dấu tích một nhà bốn mái với giường đá lớn.
Ngược sang thôn Kim Phát, tiếp tục khám phá xạ nước thứ hai đang được hàng trăm hộ dân thôn này sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nguồn nước xạ Kim Phát trong xanh chẳng kém gì nước ở giếng vua. Trong lòng xạ có một rãnh lớn phân chia thành hai hình bán nguyệt, phía dưới được kè bằng những khối đá xanh lớn vuông vức và vững chãi.
Ông Nguyễn Văn Thái cho biết: "Cả thôn Kim Phát từ nhiều đời nay đều sống nhờ nguồn nước lấy ở xạ này. Điểm đáng chú ý đó là người dân chỉ lấy nước tắm, rửa, sinh hoạt lúc trời sáng. Khi màn đêm buông xuống không ai được phép ra xạ, bởi theo quan niệm dân gian thì đêm tối phải dành xạ cho các tiên nữ xuống trần rong chơi".
Những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn của Ly Cung nhà Hồ còn tồn tại tới ngày nay là khối tài sản vô giá đối với dân tộc. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể quần thể Di sản thế giới thành nhà Hồ, bao gồm cả Ly Cung. Bản thân cung Bảo Thanh cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng hiện đang tồn tại như một phế tích.
Ông Phạm Văn Vĩnh cho biết thêm: Mới đây, một đoàn công tác của Trung ương đã về Hà Đông cắm mốc đối với di sản của triều Hồ. Song kiến trúc Ly Cung vẫn đang bị mưa nắng và thời gian tàn phá…