Đối với những người giàu, họ có thể dễ dàng làm rất nhiều chuyện mà người bình thường không thể mơ tới. Điều này cũng đúng với tỷ phú Michael Bloomberg khi ông ra tranh cử tổng thống Mỹ và làm ức chế hàng loạt đối thủ vì độ "chịu chơi" của mình.
Hiện một loạt ứng cử viên đảng Dân chủ đang chỉ trích nhà tài phiệt này khi không chịu tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Việc các ứng cử viên khó chịu cũng là điều dễ hiểu bởi Bloomberg đã quá giàu cũng như có tiếng nói trong ngành truyền thông. Ông đã quá nổi tiếng và có quá nhiều mối quan hệ cũng như tiền bạc để giúp mình vận động tranh cử nên chẳng phải chật vật đến từng nơi kêu gọi ủng hộ, trình bày để thu hút cử tri hay đơn giản là lên truyền hình diễn thuyết để xây dựng hình ảnh.
Theo Bloomberg, ông không có ý định cố gắng để tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa các ứng cử viên như truyền thống, dù với tiềm lực của mình vị tỷ phú này hoàn toàn có thể làm được điều đó.
Tuyên bố này khiến những đối thủ của ông phát điên khi cho rằng Bloomberg dựa dẫm quá nhiều vào khối tài sản khổng lồ để tranh cử mà không có thành ý như họ, nghĩa là chăm chỉ chịu khó đi vận động cũng như tranh luận theo truyền thống. Dẫu vậy, Bloomberg lại bám vào 1 quy định vốn được xây dựng nên để loại bỏ những ứng cử viên không tiềm năng nhằm làm theo ý mình.
Cụ thể, Ủy ban quốc gia dân chủ (DNC) đã nâng chỉ tiêu của những ứng cử viên được lên truyền hình trực tiếp tranh luận nhằm loại bỏ những ứng cử viên không tiềm năng và tiết kiệm thời gian. Ví dụ để tham gia tranh luận trực tiếp tại bang Iowa, ứng cử viên phải có ít nhất 225.000 lượt quyên góp cũng như 5% ủng hộ từ 4 cuộc thăm dò gần đây nhất của DNC.
Điều trớ trêu là do Bloomberg quá giàu, ông gần như chẳng cần kêu gọi quyên góp nhiều và thế là không đạt tiêu chuẩn tham gia tranh luận trực tiếp. Theo Bloomberg, ông sẵn sàng tranh luận nếu quy định bắt buộc, nhưng việc phải kêu gọi thêm quyên góp từ cử tri với một tỷ phú như ông thì thật không thích hợp.
"Điều đó phụ thuộc vào Đảng Dân chủ thôi. Họ có những quy định mà bạn chẳng thể theo nổi để tham gia tranh luận trừ khi bạn có vài trăm nghìn người quyên góp. Nhưng tôi không muốn nhận tiền từ nhưng người khác. Tôi muốn tự tài trợ cho chiến dịch tranh của tổng thống của mình", tỷ phú Bloomberg nói.
Ngoài việc đã quá giàu, Bloomberg cho rằng việc nhận tiền quyên góp sẽ làm giảm tính tự chủ của ông khi lên làm tổng thống cũng như khi tham gia quá trình tranh cử.
"Tôi lắng nghe người dân, nhưng tôi không để bản thân bị mọi người mua chuộc", ứng cử viên Bloomberg cười nói.
Nước đi khôn ngoan của đại gia
Mặc dù không đạt tiêu chuẩn tranh luận nhưng Bloomberg hoàn toàn có khả năng làm được điều đó. Ông có thể chi hàng triệu USD tiền quảng cáo trên truyền thông hay các mạng xã hội như Facebook để kêu gọi mỗi người quyên góp với số tiền rất nhỏ, chỉ vào khoảng 1-2 USD/lần nhằm đạt tiêu chuẩn, một chiến thuật mà tỷ phú Tom Seyer đã từng thực hiện. Tuy nhiên Bloomberg chẳng thèm làm điều đó và điều này đang khiến các đối thủ trong Đảng Dân chủ vô cùng khó chịu.
"Khi bạn có quá nhiều tiền, bạn cũng sẽ có đủ quyền lực đi kèm với nó. Với quyền lực đó, bạn có thể định hình kết quả theo hướng có lợi cho mình", giám đốc chiến dịch vận động tranh cử cho Bernie Sanders, ông Faiz Shakir nhận định.
"Đó là điều mà ông ấy (Bloomberg) đang cố gắng làm trong lần bầu cử này, kiểu như: ‘Tôi sẽ vận động tranh cử muộn. Tôi sẽ không bận tâm việc kêu gọi ủng hộ cấp cơ sở. Tôi sẽ không đến các cuộc tranh luận. Tôi sẽ không xuống đường hò hét. Tôi sẽ không trả lời các câu hỏi. Điều tôi sẽ làm là cố gắng mua đứt mọi thứ bằng tiền’", anh Shakir nói thêm.
Điều trớ trêu hơn nữa là mặc dù không vận động tranh cử tích cực theo truyền thống như những đối thủ khác nhưng tỷ lệ ủng hộ của Bloomberg lại đi lên theo các cuộc khảo sát và nguyên nhân chính là do lượng tiền kỷ lục mà tỷ phú này chi cho giới truyền thông và quảng cáo.
Việc không thể đối đầu với Bloomberg trong quảng cáo cũng như tranh luận trên truyền hình khiến nhiều đối thủ căm tức.
"Ông ấy đã bỏ qua tính dân chủ trong việc tranh cử", ứng cử viên Elizabeth Warren thừa nhận.
Trong khi đó tỷ phú Steyer, người đã chi hàng triệu USD quảng cáo kêu gọi quyên góp nhằm tham gia tranh luận đã không thể thực hiện ý đồ do không đủ tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò của DNC.
Theo các chuyên gia, việc Bloomberg tự tài trợ cho bản thân cũng như tránh các cuộc tranh luận và hò hét kêu gọi ngoài đường phố đem lại cho ông những lợi thế nhất định. Đầu tiên là việc bị làm xấu hình ảnh từ các cuộc chỉ trích trực tiếp trên truyền hình trong các buổi tranh luận cũng như khi tiếp xúc cử tri. Tiếp đó, ông hoàn toàn độc lập được về quan điểm cũng như đường lối tranh cử mà không bị ảnh hưởng bởi các nhà vận động hành lang hay doanh nghiệp nào.
Chuyên gia vận động tranh cử của Đảng Dân chủ, ông Colin Strother nhận định tỷ phú Bloomberg hiện đang trở thanh một ứng cử viên không chơi theo các quy định truyền thống mà giới chính trị đã từng đặt ra. Vị tỷ phú này có cả một đội ngũ hùng hậu cùng hàng chục triệu USD tiền quảng cáo hậu thuẫn nên có thể đi những bước hoàn toàn gây bất ngờ cho đối thủ.
Rõ ràng, bước đi khôn ngoan này của Bloomberg đã mang lại nhiều tác dụng. Hàng chục triệu USD tiền quảng cáo giúp hình ảnh của ông được tô vẽ đẹp đẽ trong mắt cử tri mà không bị làm hoen ố bởi các cuộc tranh luận. Thông điệp tranh cử của Bloomberg cũng nhất quán và có tác động hơn đến cử tri so với những ứng cử viên chịu nhiều thiệt thòi do cần kêu gọi quyên góp.
Bất chấp những lời chỉ trích Bloomberg vẫn trung thành với tiêu chí không nhận tài trợ trong tranh cử của mình, dù là quảng cáo nhận 1 USD trên Facebook như của tỷ phú Stayer đi chăng nữa.
"Một khi bạn nhận 1 USD, tiếp đó sẽ là 2 USD, rối 50 USD và sẽ có lúc lên đến 10.000 USD. Bạn không nên đi theo con đường đó nếu bạn đã giàu như tôi", Bloomberg thừa nhận.
Tranh cử tổng thống hay cuộc chiến "ai nhiều tiền hơn?"
Theo Google, tỷ phú Bloomberg đã chi khoảng 15 triệu USd cho tiền quảng cáo cho họ kể từ tháng 11/2019. Tổng cộng theo ước tính, vị ứng cử viên này đã chi gần 200 triệu USD cho chiến dịch tranh cử. Chưa dừng lại ở đó, Bloomberg có dự định chi đến 1 tỷ USD trong tổng số 50 tỷ USD tài sản của mình cho cuộc vận động tranh cử.
Trong tháng 12/2019, hàng ngày Bloomberg đều chi tới 170.000 USD tiền quảng cáo để quảng bá hình ảnh cũng như truyền tải thông điệp tranh cử của mình trên truyền thông. Xin được nhắc lại là những đối thủ của Bloomberg bất kể là Đảng Dân chủ hay Cộng hòa đều không chi được nhiều tiền quảng cáo đến như vậy.
Ví dụ như Tổng thống Mỹ Donald Trump mới chi 4,5 triệu USD quảng cáo kể từ tháng 6/2018. Ứng cử viên Elizabeth Warren chi 3,7 triệu USD kể từ tháng 1/2019 còn Bernie Sanders là 3,2 triệu USD kể từ tháng 2/2019.
Điều thú vị là cả Tổng thống Trump lẫn tỷ phú Bloomberg đều được cho là sẽ đổ ít nhất 10 triệu USD vào quảng cáo trong trận đấu của Super Bowl (giải đấu bóng bầu dục Mỹ) vốn rất nổi tiếng diễn ra ngày 2/2 tới đây.
Rõ ràng, dù ứng cử viên Bloomberg chưa trở thành đại diện của Đảng Dân chủ tham gia tranh cử đấu lại Tổng thống Trump nhưng hầu như mọi người đều cho rằng cuộc bầu cử lần tới sẽ là cuộc đại chiến của những "gã nhà giàu".