Vùng nào có tỷ lệ sở hữu ô tô, xe tải cao nhất cả nước giai đoạn 2020-2021?

Thái Quỳnh |

Theo điều tra, tỷ lệ sở hữu ô tô, xe tải của hộ gia đình ở Hà Nội cao gấp 2,5 lần TP. HCM trong giai đoạn này.

Theo báo cáo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021, thống kê phần trăm hộ gia đình theo sở hữu tài sản hộ và sở hữu tài sản của thành viên hộ chỉ ra, tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô, xe tải trên cả nước đạt 8,5%. Trong đó, khu vực thành thị đạt 13,7% và khu vực nông thôn đạt 5,7%.

Nếu xét theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ sở hữu ô tô, xe tải cao nhất cả nước với tỷ lệ 11,6%. Riêng ở Hà Nội, tỷ lệ này là 18,6%.

Vùng nào có tỷ lệ sở hữu ô tô, xe tải cao nhất cả nước giai đoạn 2020-2021? - Ảnh 1.

Đứng thứ hai là Tây Nguyên với tỷ lệ 9,8%. Theo sau là vùng Trung du miền núi phía Bắc với tỷ lệ 9,6%. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tỷ lệ 9,1%, đứng thứ tư. Đông Nam Bộ đứng thứ năm với 7,3%, trong đó TP. HCM có tỷ lệ sở hữu 7,4%.

Cuối cùng là Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ sở hữu ô tô, xe tải là 4,9%. Mặt khác, tỷ lệ sở hữu xuồng, thuyền máy của khu vực này là cao nhất, lên tới 12,8% so với mức trung bình 2,8% của cả nước.

Liên quan đến chất lượng sống của hộ gia đình, báo cáo cũng cho biết, nhìn chung đa số hộ gia đình trên cả nước đã có điện lưới (99,3%). Tuy nhiên vẫn còn gần 1,0% hộ gia đình ở nông thôn chưa có điện lưới.

Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ không có điện lưới cao nhất (2,0%). Có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ sử dụng điện lưới giữa các nhóm dân tộc. Có 19,4% hộ gia đình người Mông không có điện lưới, trong khi tỷ lệ tương ứng ở các nhóm dân tộc khác chỉ là dưới 3%.

Cả nước có 87,4% hộ sử dụng nhiên liệu và công nghệ sạch để nấu ăn. Nhiên liệu và công nghệ sạch gồm bếp điện, bếp năng lượng mặt trời, bếp sử dụng khí hóa lỏng hoặc khí đun nấu, khí đốt tự nhiên, khí sinh học và etanol. Tỷ lệ này ở các hộ sống ở thành thị (96,4%) cao hơn các hộ sống ở nông thôn (82,5%).

Có sự khác biệt lớn trong tỷ lệ sử dụng nhiên liệu và công nghệ sạch để nấu ăn giữa các vùng và các nhóm dân tộc. Hai vùng có tỷ lệ thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (64,6%) và Tây Nguyên (74,1%), thấp hơn đáng kể so với các vùng còn lại (đều trên 85,0%). 

Tỷ lệ sử dụng nhiên liệu và công nghệ sạch để nấu ăn còn rất thấp đối với các hộ dân tộc Mông (12,8%) và các hộ dân tộc Tày, Thái, Mường, Nùng (56,3%), nhưng rất cao ở các hộ dân tộc Kinh/Hoa (92,7%).

Tỷ lệ hộ có thể truy cập Internet ở nhà trên toàn quốc là 72,4%. Tỷ lệ này cao hơn ở thành thị (85,2%) so với nông thôn (65,2%). Tỷ lệ các hộ gia đình có thể truy cập Internet tại nhà dao động từ 60,1% ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến 82,7% ở Đông Nam Bộ.

Tính chung cả nước, có 20,9% hộ gia đình có từ 3 phòng trở lên dùng để ngủ, thể hiện điều kiện mức sống cao hơn. Khu vực thành thị có tỷ lệ hộ có từ 3 phòng trở lên dùng để ngủ (21,6%) cao hơn một chút so với khu vực nông thôn (20,5%). Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ có từ 3 phòng ngủ trở lên thấp nhất (13,8%).

Số người bình quân một phòng dùng để ngủ là 2 người/phòng. Tuy nhiên, 45 các hộ dân tộc Kinh/Hoa có số người trung bình một phòng dùng để ngủ thấp hơn mức trung bình cả nước một chút (1,9 người/phòng), trong khi con số này từ 2,3 người/phòng trở lên đối với các hộ gia đình thuộc các dân tộc khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại