Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã SAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 7.184 tỷ đồng, tăng 970 tỷ (tương ứng tăng 15,6%) so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng gần 10% so với quý 1/2023.
Sau khi trừ chi phí, Sabeco lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng, nhích nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 6% so với quý trước. Kết quả này giúp “gã khổng lồ” ngành bia chấm dứt chuỗi 5 quý liên tiếp tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ trong quý 1/2024 đạt hơn 997 tỷ đồng, cũng tăng 3% so với cùng kỳ 2023.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 dự kiến diễn ra ngày 25/4, Sabeco sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2024 với mục tiêu doanh thu tăng 12,9% lên 34.397 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 7,6% so với thực hiện 2023, lên 4.580 tỷ đồng. Với kết quả đạt được quý đầu năm, Sabeco đã thực hiện 21% chỉ tiêu doanh thu và 22 % mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Năm 2023 trước đó là một năm đầy khó khăn của Sabeco khi doanh thu thuần giảm 13% xuống 30.461 tỷ đồng, thấp hơn cả năm 2016. Lợi nhuận của Sabeco cũng không mấy khả quan. Mặc dù vẫn duy trì được mốc trên 4.000 tỷ đồng, nhưng con số này cũng thấp hơn hồi 2016, và giảm 23% nếu so với năm 2022.
Nguyên nhân chủ yếu khiến kết quả kinh doanh 2023 của Sabeco kém khả quan đến từ sức mua của người tiêu dùng suy yếu và một phần tác động từ việc siết chặt xử phạt vi phạm về nồng độ cồn. Tuy nhiên, theo Sabeco, nhu cầu tiêu thụ đã có sự cải thiện trong quý đầu năm dù việc thực thi Nghị định 100 vẫn rất nghiêm ngặt.
Bên cạnh sản lượng, doanh thu quý 1/2024 tăng còn nhờ tác động thuận lợi từ việc tăng giá trong năm ngoái. Doanh thu tăng giúp bù đắp phần sụt giảm bởi thu nhập từ lãi tiền gửi và phần lợi nhuận từ công ty liên kết, qua đó giúp lợi nhuận quý 1 của Sabeco tăng trưởng dương dù mức tăng vẫn còn khiêm tốn.
Ngoài quy định về nồng độ cồn, một thông tin có thể sẽ tác động đến ngành bia thời gian tới là việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu, bia trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây được dự báo sẽ tạo ra sức ép không nhỏ đến các doanh nghiệp trong ngành.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhận định rằng tăng thuế sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp, vì vậy, doanh nghiệp cần phải có đủ thời gian để chuẩn bị và lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, do đó không nên nóng vội, rút ngắn hay bỏ qua các yêu cầu, quy trình cần thiết khi sửa đổi bổ sung một luật thuế quan trọng như vậy.
Mặc dù có những khó khăn, nhưng Sabeco vẫn cho rằng năm 2024 tiếp tục mang đến các cơ hội “vàng” cho ngành bia Việt Nam bởi 3 lý do. Thứ nhất là cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh. Thứ hai là tiềm năng lớn của phân khúc “bia không cồn”. Và thứ ba là tiềm năng về thị trường xuất khẩu.