"Vùng đầu tàu kinh tế của cả nước" và những lĩnh vực ngang tầm khu vực, thế giới

Pha Lê |

Đây là vùng đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm dịch vụ lớn nhất cả nước về tài chính - ngân hàng, thương mại, logistics…

Vùng Đông Nam Bộ và những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Vùng có diện tích 23.551,5 km2, là vùng có diện tích nhỏ thứ hai cả nước (chiếm 7,1%); dân số năm 2020 là 18.342,9 nghìn người (chiếm 18,8% dân số cả nước). GRDP bình quân đầu người của Vùng năm 2020 đạt 140,5 triệu đồng/người, cao nhất 6 vùng, gấp 1,7 lần trung bình cả nước.

Dù là một khu vực có diện tích nhỏ nhưng Đông Nam Bộ có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Tính đến tháng 8/2023, GDP đóng góp của vùng chiếm khoảng 31%, xuất khẩu khoảng 35% và thu ngân sách khoảng 38% của cả nước.

Tỷ lệ đô thị hóa đứng đầu cả nước (67,3% năm 2020); trong đó Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 80%; Hệ thống khu, cụm công nghiệp phát triển bậc nhất cả nước, gắn với các hành lang kinh tế; Đứng đầu về số khu công nghiệp; đến năm 2020, có 114 KCN đã thành lập (chiếm 30,6% cả nước).

Vùng cũng có hệ thống cảng, sân bay quốc tế, đường sắt, đường cao tốc, đường bộ thuận lợi phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics, thương mại dịch vụ. Đây cũng là vùng năng động và có sức hút lớn về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp giải trí.

Vùng đầu tàu kinh tế của cả nước và những lĩnh vực ngang tầm khu vực, thế giới - Ảnh 1.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng có không ít nhân tố gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đông Nam Bộ. Vùng đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xảy ra úng, nhất là khu vực TP. Hồ Chí Minh, một phần do triều cường; rủi ro xâm nhập mặn tăng cao, hạn hán khắc nghiệt, số ngày khô liên tục tăng lên và thay đổi nguồn nước ở thượng lưu; khoáng sản quy mô lớn có khả năng khai thác cho sản xuất công nghiệp không nhiều.

Chất lượng lao động thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Vùng năm 2020 là 29,5%, năm 2022 đạt 28,2% (vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2020 là 32,6%, năm 2022 là 37,1%).

Tỷ lệ thất nghiệp của vùng năm 2020 là 3,23%, năm 2022 là 2,88%, cao hơn trung bình cả nước (cả nước năm 2020 là 2,48%, năm 2022 là 2,34%). Lao động di cư đến Vùng lớn, tỷ lệ lao động di cư có trình độ cao không nhiều. Tỷ lệ nhập cư thuần của Vùng giai đoạn 2011-2022 là 11,2%; trong đó, Bình Dương là 38,4‰, TP. Hồ Chí Minh 9,5‰, Đồng Nai 8,7‰ (thuộc nhóm 5 địa phương có tỷ lệ nhập cư thuần cao nhất cả nước.

Diện tích đất bằng chưa sử dụng của vùng còn rất ít so với các vùng khác (2.270 ha so với 23 nghìn ha của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và 43 nghìn ha của vùng Đồng bằng sông Hồng). Tỷ lệ che phủ rừng là 19,4% (năm 2021), thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước (42%), chỉ cao hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (5,8%).

Đông Nam Bộ là đầu tàu phát triển của cả nước

Mới đây, phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được diễn ra. Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là quy hoạch vùng thứ ba được Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định (sau quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung).

Nội dung quy hoạch vùng được tập trung vào một số nội dung cốt lõi như quan điểm là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030; phát triển với mục tiêu tăng trưởng cao, dựa vào 3 trụ cột chính: Con người - thiên nhiên - truyền thống văn hóa, lịch sử; lấy con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa lịch sử là động lực cho phát triển.

Phát triển vùng thành một trung tâm, đầu tàu, mô hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội và là trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội của đất nước. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, công nghệ cao; phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Theo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Đông Nam Bộ là vùng đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm dịch vụ lớn nhất cả nước về tài chính - ngân hàng, thương mại, logistics… Trung tâm về đào tạo, y tế, khoa học công nghệ; Lĩnh vực y tế chuyên sâu có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới.

Báo cáo quy hoạch đưa ra quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát, Vùng Đông Nam Bộ phát triển năng động, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số.

Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2030, vùng Đông Nam Bộ có tốc độ tăng trưởng trung bình 8-9%/năm, thu nhập bình quân đầu người 14.500 - 15.800 USD/năm. Đến năm 2030 đạt ngưỡng thu nhập cao. Trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại.

Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của cả nước và khu vực Đông Nam Á; Chủ động nắm bắt cơ hội; có cơ chế, chính sách hình thành các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới; Ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển; Huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hòa với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững.

Vùng đầu tàu kinh tế của cả nước và những lĩnh vực ngang tầm khu vực, thế giới - Ảnh 3.

Về cấu trúc phát triển gồm 3 tiểu vùng; 6 hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ; 2 hành lang xanh - sinh thái gắn với các lưu vực sông; vùng động lực quốc gia với Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng; Phân bố lại không gian công nghiệp - đô thị gắn với chuyển đổi các khu công nghiệp theo mô hình hiện đại, sinh thái, tuần hoàn.

Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, phát triển dịch vụ tài chính theo hướng đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.

Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng kết nối như: Đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nội vùng, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Cái Mép - Thị Vải; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, kết nối với khu vực. Tập trung xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại