Những nữ ngư dân của bộ tộc Bedouin sống dọc theo bờ biển Oman vẫn ngày ngày ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, họ có thể sẽ là những thế hệ cuối cùng khi không còn ai muốn tiếp nối công việc truyền thống này.
Khaleedah al-Hokmani với đôi chân trần, liên tục rảo bước qua những làn nước đục ngầu, tay cầm một ngọn giáo sắt rỉ sét. Cô bước đi trong tĩnh lặng, cho đến khi cô phóng ngọn giáo xuống mặt nước, tạo thành một âm thanh vang động, nghe giống như quả bóng xì hơi. Vài giây sau, một con mực nang màu bạc nổi lên, phun đầy mực đen lên bộ quần áo của cô. Không chút chần chừ, người phụ nữ xé con mực thành từng mảnh.
Cô cho biết, con mực này là con cái và có trứng, cô tách các quả trứng mực ra và ăn trực tiếp. Một túi mực xanh còn dính lại giữa các ngón tay sau khi cô hút cạn túi mực. Hokmani nhoẻn miệng cười, để lộ hàm răng đen.
Cô khẳng định: “Đây là cách để chúng tôi tăng cường sức khoẻ”.
Đó là cách mà khoảng 400 nữ ngư dân Bedouin thực hiện đánh bắt các loài động vật không xương sống. Họ đã kế thừa phương thức đó từ mẹ mình. Công việc này đã ăn sâu và bám rễ ở Oman đến mức các nữ ngư dân sở hữu “độc quyền” đánh bắt.
Họ được người dân địa phương gọi với cái tên đặc biệt là rahas. Chỉ với công cụ là giáo, họ săn mực, cá đuối và bạch tuộc, đồng thời cũng đi khắp các bờ biển để tìm hàu và nghêu để bán trong các chợ địa phương.
Những người phụ nữ kế thừa phương thức săn bắt từ mẹ mình
Nghề đánh bắt truyền thống ngày càng mai một
Tuy nhiên, trong bối cảnh đẩy mạnh thương mại hoá ngành công nghiệp thuỷ sản, vốn chủ yếu dành cho nam giới, thì công việc đánh bắt của những nữ ngư dân ngày càng bị đẩy vào tình trạng thoái trào, thậm chí có thể biến mất.
Hầu hết các nữ ngư dân sống và làm việc ở Mahout, một thị trấn ven biển xa xôi hẻo lánh gồm 17.000 gia đình thuộc bộ lạc Bedouin. Mahout thuộc tỉnh Al Wusta, khu vực đánh bắt cá năng suất nhất ở Oman.
Dù quốc gia này phụ thuộc hơn 95% vào đánh bắt cá quy mô nhỏ, họ đang đầu tư mạnh tay vào các dự án đánh bắt cá ngoài khơi. Ví dụ có thể kể đến một nhà máy đóng hộp hải sản trị giá 24 triệu riyal Oman (1.438 tỉ VND) ở Al Wusta đang được thành lập, dự kiến sẽ khai trương vào năm 2024 và thầu mua ba tàu đánh cá lớn.
Farha al-Kindi, người sáng lập công ty hải sản Sea Delights cho biết trong khi việc mở rộng quy mô ngành đánh bắt thuỷ sản nhằm mục đích tạo cơ hội cho ngư dân địa phương và lao động nước ngoài, nhưng những dự án này lại không có tác động đáng kể đến những nữ ngư dân trên đảo.
Đối với Hokmani, người đã được dạy thuật đánh cá bằng giáo, giờ đây cô cảm thấy công việc đánh cá trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Cô hiện đã ly hôn và nuôi 8 đứa con. Buổi sáng cô làm tài xế xe bus để kiếm thêm thu nhập ngoài nguồn thu chính đến từ việc đánh bắt.
Hokmani và những người phụ nữ đánh cá khác tạo thành một nhóm. Để câu cá, họ lái xe 50 km từ nhà đến khu vực làm việc, mang theo những đồ nghề như giáo sắt, hộp nhiên liệu bằng nhựa có dây thừng để kéo cá, bên cạnh đó là trà bánh.
Là một thành viên dày dặn kinh nghiệm, cô dẫn đầu nhóm của mình đi đánh bắt. Sau hai giờ đánh bắt, cô đã thu được thành quả là: 20 con mực nang, 2 con cá đuối và gần 30 vỏ sò.
Những người phụ nữ khoe chiến tích mình đạt được
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Masirah, hòn đảo lớn nhất của Oman, nơi những nữ ngư dân Bedouin từ lâu đã đánh bắt ốc nước ngọt. Tại đây, Shefya al-Farsi, 58 tuổi, đã gắn bó với nghề 40 năm. Tuy nhiên, các con gái của bà đã không học nghề, thay vào đó họ chọn theo học đại học và mong muốn làm việc ở thành phố.
Farsi chia sẻ: “Tôi ước các con tôi sẽ tiếp tục công việc của tôi. Chúng tôi muốn công việc này được thế hệ sau tiếp nối. Nhưng bây giờ, dường như có rất ít phụ nữ muốn theo nghề này”.
Xa xa, hai nam ngư dân trên một chiếc thuyền nhỏ đang thả lưới xuống vùng nước sâu hơn. Vì được chính phủ Oman trợ cấp, thiết bị của họ rất hiện đại, trái ngược hoàn toàn với các công cụ thô sơ, được các nữ ngư dân tự tay làm.
Kindi cho biết: “Chúng tôi không muốn công việc này biến mất. Chúng tôi vẫn muốn sử dụng cách đánh cá truyền thống, đồng thời cũng muốn chính phủ hỗ trợ và tạo một môi trường tốt hơn để truyền nghề cho các cô gái”.