Vùng đất ly khai kêu gọi Nga bảo vệ, ứng cử viên gia nhập EU lập tức phản ứng

Hữu Hiển |

Transnistria, còn được gọi là Transdniester, là một dải đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova với Ukraine. Nó đã được kiểm soát bởi phe ly khai thân Nga từ năm 1992.

Theo hãng tin AP, Transnistria - vùng đất ly khai được Nga hậu thuẫn ở Moldova - đã kêu gọi Moscow bảo vệ. Vào ngày 28/2/2024, các chính trị gia Transnistria trong một cuộc họp ở thủ phủ Tiraspol đã thông qua một lời kêu gọi "Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia Liên bang Nga, yêu cầu các biện pháp bảo vệ Transnistria trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Moldova".

Lời kêu gọi cũng đề cập tới"hơn 220.000 công dân Nga đang cư trú tại Transnistria", AP đưa tin.

Vùng đất ly khai kêu gọi Nga bảo vệ, ứng cử viên gia nhập EU lập tức phản ứng- Ảnh 1.

Quang cảnh thành phố trong Ngày Bảo vệ Tổ quốc ở Tiraspol, vùng Transdniestria ly khai của Moldova, ngày 23/2/2023. Ảnh: Reuters

Transnistria ở đâu?

Transnistria, còn được gọi là Transdniester, là một dải đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova với Ukraine. Sau khi Liên Xô tan rã, Transnistria tuyên bố ly khai khỏi Moldova. Đây là khởi nguồn cho cuộc xung đột quân sự hồi tháng 3/1992. 

Theo Al Jazeera, Moldova đã tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Nga và hướng tới châu Âu vào những năm 1990.

Anatoli Dirun - người đứng đầu Trường Nghiên cứu Công Tiraspol - nói với Al Jazeera rằng, Quốc hội Moldova vào thời điểm đó đã tuyên bố rằng tiếng Moldavia viết bằng chữ Latin sẽ là ngôn ngữ chính thức duy nhất của nước cộng hòa. Động thái này đã bị Transnistria phản đối.

Ông Dirun nói: "Sau khi phản đối của họ bị phớt lờ, người dân Transnistria đã tổ chức một cuộc đình công quy mô lớn".

Năm 1992, xung đột bùng phát nhằm vào chính phủ thân phương Tây của Moldova, dẫn tới sự can thiệp của Nga. Tới tháng 7 năm đó, xung đột kết thúc với thỏa thuận ngừng bắn. 

Từ năm 1993, Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với số lượng khoảng 1.500 binh sĩ tại Transnistria. Tuy nhiên, vùng đất này không được bất kỳ thành viên nào của Liên hợp quốc, kể cả Nga, công nhận là một quốc gia độc lập. Hiện nay, nền kinh tế của Transnistria có sự hỗ trợ của Nga, đặc biệt trong lĩnh vực khí đốt.

Vùng đất có dân số 470.000 người này là nơi sinh sống của các tộc người Nga, Ukraine và Moldova. Tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ chính thức của Transnistria.

Cristina Afinoghenova - người gốc Transnistria và hiện đang sống ở thủ đô Chisinau của Moldova - nói với Al Jazeera rằng: "Những người ở Transnistria có hộ chiếu riêng không có giá trị ở bất kỳ đâu". Kết quả là "nhiều người có hộ chiếu thứ hai", cô nói thêm.

Hầu hết người Transnistria đều có hộ chiếu Moldova và một số có giấy tờ của Nga và Ukraine.

Vùng đất ly khai kêu gọi Nga bảo vệ, ứng cử viên gia nhập EU lập tức phản ứng- Ảnh 2.

Những người tham gia buổi lễ tưởng niệm 31 năm các thành viên tiểu đoàn cận vệ Transdniestria thiệt mạng trong cuộc xung đột quân sự với quân đội Moldova, ở Tiraspol, vùng ly khai Transdniestria của Moldova, vào ngày 3/3/2023. Ảnh: Reuters

Tác động của xung đột Nga - Ukraine tới Transnistria

Xung đột Nga - Ukraine cũng đã ảnh hưởng đến Transnistria. Kyiv đã đóng cửa biên giới với dải đất ly khai sau khi chiến sự với Nga bắt đầu vào tháng 2/2022.

Chia sẻ với Al Jazeera, ông Dirun cho biết: "Ukraine đã thay đổi thái độ đối với Transnistria, coi quân đội Nga đóng quân ở đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này".

Người phát ngôn của một cơ quan tập trung vào các chính sách tái hòa nhập thuộc chính phủ Moldova nói với Al Jazeera rằng, xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán.

Người phát ngôn nói thêm: "Hiện không thể tổ chức các cuộc họp vì hai trong số các bên tham gia rất quan trọng là Ukraine và Nga không thể ngồi cùng bàn để đàm phán".

Anastasia Pociumban - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trật tự và Quản trị thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức - nói với Al Jazeera rằng, cuộc chiến tại Ukraine cũng khiến Transnistria trở thành "mảnh đất lớn hơn cho các chiến dịch đưa thông tin sai lệch".

Transnistria sẽ gia nhập Nga?

Theo trang Firstpost (Ấn Độ), Transnistria đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Vùng đất này cũng phụ thuộc về mặt kinh tế vào Moscow, bao gồm cả khí đốt miễn phí.

Lời kêu gọi mới nhất của các quan chức của dải đất ly khai đối với Moscow đã dẫn đến những đồn đoán về việc sáp nhập vùng đất này vào Nga. Những đồn đoán này không phải là không có cơ sở khi 97,1% cử tri tại Transnistria ủng hộ việc sáp nhập Nga trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2006.

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu không được quốc tế công nhận, Bộ Ngoại giao Mỹ từng gọi đây là một "cuộc trưng cầu dân ý mang tính khiêu khích""không được coi trọng".

Ghenadie Ciorba – một nhà lập pháp đối lập ở Transnistria – được cho là vào nửa cuối tháng 2 đã nói rằng, phe ly khai có thể kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vùng đất này vào Nga. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra tại cuộc họp hiếm hoi được tổ chức vào ngày 28/2.

Vùng đất ly khai kêu gọi Nga bảo vệ, ứng cử viên gia nhập EU lập tức phản ứng- Ảnh 4.

Các nhà lập pháp Transnistria đã tận dụng một cuộc họp hiếm hoi vào ngày 28/2 để kêu gọi Moscow giúp đỡ trong bối cảnh áp lực kinh tế xã hội ngày càng gia tăng mà họ đổ lỗi cho chính phủ thân phương Tây của Moldova. Ảnh: AP

Trong khi Moscow ngăn chặn bất kỳ bước đi nào hướng tới việc sáp nhập, thì nghị quyết gần đây nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Moscow đã làm dấy lên lo ngại. Mỹ cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại Transnistria.

AP đưa tin, Alexander Korshunov - Chủ tịch Hội đồng tối cao Transnistria – ngày 28/2 nói rằng, Moldova đang "lợi dụng tình hình địa chính trị" và sử dụng nền kinh tế "như một công cụ gây áp lực và tống tiền".

Lời kêu gọi hướng tới Nga được đưa ra sau khi Moldova áp đặt thuế quan mới đối với hàng xuất nhập khẩu từ vùng đất ly khai.

Lời kêu gọi nhấn mạnh: "Hiện tồn tại áp lực kinh tế và xã hội đối với Transnistria, mâu thuẫn với các nguyên tắc và cách tiếp cận của châu Âu trong việc bảo vệ nhân quyền và thương mại tự do".

Theo CNN, Moldova - một ứng cử viên gia nhập EU - đã đánh giá thấp những động thái gần đây tại Transnistria, phủ nhận nguy cơ leo thang căng thẳng.

Daniel Voda - người phát ngôn của chính phủ Moldova - viết trên Telegram rằng: “Không có nguy cơ leo thang và mất ổn định tình hình ở khu vực này của đất nước chúng tôi. Những gì đang xảy ra ở Tiraspol là một sự kiện tuyên truyền".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại