Nơi này cách Việt Nam khoảng 5.269 km và được xem là "vùng đất ngủ quên". Đó chính là Siberia của Nga.
Theo Bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica, Siberia (tên của nó bắt nguồn từ thuật ngữ Tatar có nghĩa là “vùng đất ngủ quên”) của Nga nổi tiếng là vùng đất rộng lớn cùng mức độ khắc nghiệt của mùa đông: Ở Sakha, nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận là âm 70 độ C hoặc hơn. Đây là một trong những khu vực lạnh nhất trên thế giới, theo Washington Post.
Đó là lý do Siberia tuy có diện tích 13.488.500 km vuông nhưng dân số nơi đây chỉ khoảng 40 triệu người. Siberia có chưa đến 20.000 khu định cư trên diện tích đất rộng hàng chục triệu km vuông. Chỉ một nửa nhỏ là có người ở thường xuyên, số còn lại sẽ để "vườn không nhà trống". Một khi nhiệt độ Siberia bắt đầu hạ xuống, những ngôi nhà này sẽ trống trải suốt mùa Đông cho đến khi hơi ấm quay trở lại.
Cái lạnh khắc nghiệt ở Siberia là một sự khác biệt lớn so với thời tiết ấm áp bất thường đang phổ biến ở phần lớn phần còn lại của hành tinh. Cơ quan Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu năm 2023 là năm ấm nhất trong lịch sử.
Do đó, nếu muốn đi du lịch Siberia vào mùa Đông thì du khách phải tìm hướng dẫn viên là người địa phương, nếu không muốn lạc đường trong bán kính hàng trăm km mà không thể tìm được ngôi nhà nào.
Sống sót qua mùa đông lạnh thấu xương
Để sống sót qua mùa đông kéo dài và lạnh cùng cực, người dân nơi đây có nhiều trang bị cũng như nhiều bí quyết mà có lẽ người ngoài không biết:
Vì nhiệt độ quá thấp nên người dân ở đây không lái xe trừ khi cần thiết. Vì dù là xe gì, ở mức nhiệt âm độ này, chỉ cần bạn dám tắt máy quá 5 phút, xăng trong xe sẽ đóng băng một phần. Nếu phải lái xe, hầu như tất cả các chủ xe đều trang bị cho mình một bình gas hóa lỏng, mục đích hiển nhiên là để tăng nhiệt độ và khởi động xe khi tắt máy.
Vì việc lái xe quá phiền phức, nên nếu người dân địa phương cần ra ngoài mua sắm, họ thường mang theo một chiếc xe đẩy nhỏ để chất đồ đã mua, mặc dù đẩy nó sẽ mệt hơn và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn nhưng để đi ra ngoài không phải là điều dễ dàng.
Một điều đặc biệt nữa là, nhà của người dân Siberia đều làm bằng gỗ. Điều này vừa tận dụng tài nguyên rừng phong phú ở địa phương, vừa tránh việc dùng thép để xây nhà vì thép sẽ bị nứt vỡ do đóng băng trong thời tiết cực lạnh.
Theo Airportmetals, tính chất của thép bị ảnh hưởng nặng nề ở nhiệt độ lạnh và dễ bị nứt vỡ.
Ở Siberia có câu nói rằng: Bạn có thể tồn tại mà không cần điện hoặc nước, nhưng bạn không thể tồn tại nếu không được sưởi ấm. Chuyện sưởi ấm là chuyện sinh tử.
Ở Siberia từng có sự cố mất điện, khiến máy sưởi không thể hoạt động vào ban đêm. Kết quả, đến sáng hôm sau người dân khi kiểm tra sửa chữa đường điện mới phát hiện hơn chục cụ già địa phương đã chết vì lạnh.
Các thành phố có thể cung cấp hệ thống sưởi, nhưng khu vực nông thôn quá rộng nên không thể cung cấp hệ thống sưởi tập trung, người dân chủ yếu dựa vào đốt củi. Trước khi mùa Đông đến gần một tháng, quan chức địa phương sẽ nhắc nhở mọi người dân chuẩn bị đồ dùng mùa Đông, trong đó có củi để sưởi ấm.
Siberia rất giàu tài nguyên rừng, trong đó có nhiều cây thông và vân sam hàng trăm năm tuổi, là nguồn đốt chính để sưởi ấm. Một số khu vực được phép chặt cây nhưng không được sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Đồng thời, người dân nơi đây cũng phải chuẩn bị khẩu phần ăn cho mùa Đông, thông thường thức ăn dồi dào nhất là thịt, chẳng hạn như thịt nai, cá, tuần lộc… Để sống sót qua mùa Đông dài, mỗi nhà ít nhất phải có 6 con tuần lộc. Họ cũng có thể đổi món với cá, bắt ở hồ cách nhà không xa.
Tất nhiên, chế độ ăn cũng phải có sự kết hợp giữa thịt và rau, nhất thiết phải có lúa mì, gạo và đậu nành cùng trái cây như táo, chuối cũng được dự trữ. Ngoài ra còn có một số loại rau đắt tiền hơn như dưa chuột, bắp cải, rau xanh...
Bên cạnh đó, người dân Siberia sẽ chuẩn bị một số thực phẩm có hàm lượng calo cao như sữa đặc, phô mai, sô cô la...
Nếu không phải là người địa phương - với khả năng thích nghi với cái lạnh tốt hơn - thì có lẽ một người bình thường sẽ không biết cách chống chọi với cái lạnh tại nơi mệnh danh "Tủ lạnh của hành tinh" này.