Có lẽ trên thế giới, châu Á, đặc biệt là phía Nam châu lục này là nơi tồn tại nhiều bộ tộc kỳ lạ với nhiều nền văn hóa đặc sắc riêng biệt và cũng kỳ lạ không kém.
Và nếu như trước kia, chúng ta có dịp hãi hùng về hủ tục hôn nhân của một bộ tộc ở Tây Tạng khi "bắt" người phụ nữ phải có kinh nghiệm chăn gối với 20 người đàn ông mới đủ tư cách lấy chồng, thì bộ tộc nằm giữa lãnh thổ Ấn Độ và Pakistan này cũng khiến nhiều người bất ngờ khi có tục lệ đàn ông được tự do trao đổi vợ hay mọi người được phép ôm hôn nhau nồng nàn thắm thiết ở nơi công cộng.
Ảnh: Jimmy Nelson
Bộ tộc có nguồn gốc và vẻ bề ngoài khác biệt
Bộ tộc với tập tục kỳ lạ được đề cập ở đây chính là Drokpa – một bộ tộc nhỏ, có dân số khoảng 2,500 người, sinh sống tại thung lũng Dha-Hanu thuộc vùng Ladakh, nằm giữa Jammua và Kashmir - khu vực tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan.
Theo như nhiều tài liệu, thì người bộ tộc Drokpa được cho là hậu duệ của Alexnder Đại Đế, cụ thể là vào năm 326 TCN, sau khi đánh bại vương quốc Ấn Độ Porus, có một nhóm lính nhỏ trong lực lượng quân đội của Alexander Đại Đế đi lạc, từ đó họ tập trung lại với nhau, sinh sống tại thung lũng Dha-Hanu, phối ngẫu với phụ nữ địa phương và hình thành nên tộc người Drokpa nguyên bản.
Ảnh: Jimmy Nelson
Tuy nhiên, giả thuyết này đến nay đã được nhiều nhà sử học bác bỏ, bởi họ cho rằng bộ tộc Drokpa thực chất là có nguồn gốc từ nhóm người Dards di cư từ dãy núi Hindukush (thuộc Gilgit Baltistan, nay là lãnh thổ Pakistan) hàng thế kỷ trước.
Họ có đầy đủ đặc điểm của nền văn hóa Aryan (cụm từ để chỉ các dân tộc có nguồn gốc Ấn-Iran). Giả thuyết này đã được chứng minh đủ sức tin cậy cao hơn giả thuyết trên.
Một điểm đặc biệt nữa của tộc người này là họ có vẻ bề ngoài vô cùng đặc biệt, khác hoàn toàn với người Tạng - Miến cũng sống tại Ladakh về cả diện mạo, văn hóa, ngôn ngữ và thậm chí là cách tổ chức xã hội.
Theo đó, phụ nữ của bộ tộc Drokpa có gương mặt thanh tú, sống mũi cao, hốc mắt sâu, tóc và chân mày dày, đen láy. Đàn ông thì môi dày, mũi cao, chân mày rất rậm, đôi mắt to rất đặc trưng. Ngoài ra, cư dân ở bộ tộc này còn có vóc dáng vô cùng cao ráo.
Ảnh: Jimmy Nelson
Những nét văn hóa thú vị của người Drokpa trong trang phục và đời sống thường ngày
Ở vùng đất là thung lũng với khí hậu thuận lợi cùng đất đai màu mỡ này, bộ tộc Drokpa chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Họ cũng kiếm tiền từ những sản vật của thiên nhiên, đặc biệt là trái cây như táo, nho, mơ khô và hạt óc chó, cùng nhiều loại rau sạch khác.
Một điểm thú vị trong văn hóa của người Drokpa đó chính là trang phục. Ở đây hầu như tất cả các loại trang phục của họ đều có màu sắc bắt mắt và được làm chủ yếu từ chất liệu len.
Đàn ông Drokpa thì mặc áo len rộng cùng với quần len cạp cao, còn phụ nữ Drokpa thì diện những chiếc váy len được đan tỉ mỉ, cùng với những vật trang trí mà đậm màu sắc hoang dã như các loại vỏ, hạt, thậm chí là một số trang sức bằng bạc.
Ảnh: Jimmy Nelson
Nhưng thứ làm nên linh hồn của bộ phục trang truyền thống của người Drokpa đó chính là mũ da dê. Cái tên đã nói lên tất cả, loại mũ này được làm từ da dê sau khi đã qua công đoạn xử lý mùi và làm khô hoàn toàn.
Chúng còn được trang trí vô cùng đẹp từ các loại hoa, vỏ sò, đồng xu. Cùng với mũ, thì chiếc áo choàng có đính lông dài lướt thướt của người dân ở bộ tộc này cũng thể hiện một nét văn hóa rất riêng biệt, đặc trưng.
Chưa hết, đó chỉ là vẻ bề ngoài, còn đời sống tinh thần của người Drokpa cũng vô cùng phong phú. Họ điềm nhiên sống chan hòa với thiên nhiên như bao bộ tộc thiểu số, tách biệt với nền văn minh loài người khác trên thế giới.
Thi thoảng họ sum họp hát hò với nhau, ca hát ngay cả khi đang làm việc trên cánh đồng hoặc hái táo, thu hoạch nho. Đặc biệt lý thú là bạn có thể bắt gặp hình ảnh các cô gái Drokpa tụm lại chỉnh trang chiếc mũ cầu kỳ sặc sỡ của mình.
Ảnh: Jimmy Nelson
Hủ tục đổi vợ khó hiểu và những kiểu hôn nhau đắm say ở chốn công khai của người Drokpa
Nhưng trái với những phong tục đầy thú vị trên, thì ở bộ tộc Drokpa lại tồn tại một hủ tục vô cùng khó hiểu.
Đó chính là những người đàn ông tại Drokpa được phép trao đổi vợ với nhau một cách thoải mái mà không gặp bất kỳ sự phản đối nào đến từ những người khác trong tộc. Thậm chí họ còn mặc cả với nhau trước khi đưa ra quyết định. Những người vợ không được quyền lên tiếng nói.
Điều này cũng chứng minh phần nào về thân phận của người phụ nữ trong bộ tộc Drokpa không được coi trọng, nếu không muốn nói là có phần thiệt thòi so với phụ nữ ở các nước khác trên thế giới.
Họ phải nghe lời chồng đến ở và làm vợ, tất nhiên là bao gồm cả những chuyện "sinh hoạt riêng tư" với một người đàn ông xa lạ.
Chưa kể, một số người vợ còn bị chồng mình "cắt cử" đến nhà người đàn ông khác nhiều tuần liền, trong khi vợ của người đàn ông đó thì lại đến nhà mình, đóng thế vai mình để làm vợ và ăn ngủ cùng chồng mình.
Ảnh: Jimmy Nelson
Tuy nhiên, nói thì nói vậy, bởi hủ tục này càng ngày càng nhận được khá nhiều chỉ trích từ chính quyền địa phương có tư duy cấp tiến, hoặc từ các nhà bảo vệ quyền lợi con người, nhất là quyền phụ nữ. Thế nên, hủ tục này càng ngày càng mai một và không được phép công khai nữa.
Ngoài ra, từ ngàn xưa, người Drokpa còn có truyền thống hôn nhau công khai giữa đám đông.
Theo đó, vào các dịp đặc biệt, đàn ông và phụ nữ Drokpa xếp thành hàng với nhau rồi thỏa thích hôn nhau đắm say, nồng cháy thậm chí là có cả quan hệ thể xác mà chẳng cần quan tâm tới tình trạng hôn nhân của người mình đang hôn như thế nào.
Liệu anh ta có vợ hay chưa? Cô ấy có chồng hay chưa? Chả ai quan tâm cả.
Ảnh: Jimmy Nelson
Đối diện với những câu hỏi đại loại như người dân Drokpa có cảm thấy xấu hổ khi hôn đắm đuối một người lạ ở chốn công khai hay không, hay họ có thấy tục lệ đổi vợ của bộ tộc mình là hành động trái với quy chuẩn đạo đức, pháp luật của thế giới hay không, đa số người Drokpa đều bình thản trả lời rằng đó là một phần trong nền văn hóa của họ và nó đáng được trân trọng cũng như gìn giữ.
(Nguồn: The Guardian, Time Sofindia, Drokpa.org)