Từ "thánh địa" thương mại và thương nhân Trung Quốc
Người Ôn Châu từ nhỏ đã rời nhà bỏ quê, bôn ba bên ngoài, nên cũng được trang bị ý thức về thị trường sớm nhất ở Trung Quốc. Trong rất nhiều năm, họ giống như con cá ngát vật lộn với số phận, xuất hiện trong từng lĩnh vực có cơ hội kiếm lời.
Giống như những người Do Thái, dân Ôn Châu buôn bán đủ thứ, từ giao dịch những hàng hóa nhỏ, đầu cơ sang tay bất động sản, lang thang ở Sơn Tây cõng từng bao than khoáng, khai thác dầu ở Thiểm Tây, hay lặn lội đến tận Tân Cương bán buôn... Họ luôn đi bên lề pháp luật, luôn có thể mạo hiểm để nắm bắt lấy cơ hội kinh doanh ngay từ khi chúng vừa mới manh nha.
Một câu chuyện liên quan đến sự sáng suốt của doanh nhân Ôn Châu được lưu truyền rộng rãi là: xưởng trưởng của một xí nghiệp quốc doanh ở vùng Đông Bắc Trung Quốc đến Ôn Châu đàm phán việc làm ăn nhưng đôi bên lại mắc kẹt ở vấn đề giá cả.
Khi đó, phía Ôn Châu đưa người này đến nhà hàng hải sản tốt nhất, thiết đãi một bữa thịnh soạn, nhưng sau chầu no say, bụng dạ của vị khách gặp vấn đề. Ông chủ Ôn Châu liền phái ngay vợ mình đích thân lo cơm cháo cho vị khách khi ông này phải nằm viện. Cảm kích nhưng không có gì báo đáp, vị khách liền kết tình anh em với ông chủ Ôn Châu, và vấn đề giá cả cũng gỡ vướng từ đó.
Trí tuệ và sự giảo hoạt mà doanh nhân Ôn Châu có được đã khiến vùng đất này trở thành thánh địa của nền kinh tế thị trường, nơi những xí nghiệp tư doanh manh nha sớm nhất trong cả đất nước Trung Quốc. Họ trở thành mũi nhọn tiên phong của sức mạnh nhân dân trong cuộc mở đường máu xé bỏ sự ràng buộc của thể chế cũ. Họ cũng là những lớp người đầu tiên kiếm được tiền trong hoạt động thương mại toàn cầu của Trung Quốc.
Đến trung tâm hàng giả bị tẩy chay
Nhưng đồng hành với sự phồn thịnh của thị trường và sung túc của người dân là sự phá hoại trật tự thương mại vốn có, phai nhạt của quan niệm cộng đồng chất phác và phá hoại môi trường sinh thái ở Ôn Châu.
Không bao lâu sau những thành công ban đầu của kinh tế thị trường mở cửa, Ôn Châu cùng Phổ Giang, Thạch Sư và Trung Quan Thôn, trở thành "tứ đại giả" của Trung Quốc. Nơi đây trở thành "miền đất hứa" của những tay tổ buôn đồ nhái, giả, khi người người, nhà nhà đều mang nặng tư tưởng thương mại thiếu trung thực. Họ sẵn sàng sản xuất những món đồ với chất lượng thấp, thậm chí thiếu an toàn với người dùng, chỉ để thu nhiều tiền.
Ngay cả người Trung Quốc cũng không thể chịu được cách thức kinh doanh của người dân vùng đất từng một thời được mệnh danh là "Do Thái của Trung Quốc". Ngày 8/8/1987, trong một tranh chấp thương mại, người dân Hàng Châu đã châm lửa đốt 5.000 đôi giày kém chất lượng của Ôn Châu ngay giữa quảng trường Võ Lâm Môn ở trung tâm thành phố, gây rúng động cả nước.
Từ tấm gương Ôn Châu, rất nhiều chiến dịch dẹp hàng giả, hàng kém chất lượng nổ ra khắp Trung Quốc, nhưng cho đến ngày nay, trải qua gần 3 thập kỷ, người Trung Quốc chưa khi nào chiến thắng được cuộc chiến này.
Một câu chuyện được kể vào thời điểm chiến dịch dẹp loạn hàng kém chất lượng đang lên cao, khoảng năm 1990, là Bộ trưởng thương mại Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Hồ Bình, đi thị sát ở Hồ Bắc. Vị này quyết định mua một đôi giày da mới giá 49,5 tệ ở chợ Bách Hóa Vũ Hán, và xỏ luôn vào chân để tiếp tục thị sát. Một ngày sau, khi trở lại Bắc Kinh, ông phát hiện ra gót giày bên chân phải thiếu mất một miếng. "Thật quá lắm rồi!", ông Hồ Bình buồn bực thốt lên.
Nội dung được trích từ cuốn sách Trung Quốc - 30 Năm Sóng Gió của tác giả Ngô Hiểu Ba, do Omega Plus xuất bản, Alpha Books phát hành toàn quốc.
Cuốn sách là biên niên sử tổng kết về thành tựu phi thường và số phận bi kịch của tầng lớp doanh nhân Trung Quốc trong cải cách kinh tế kéo dài từ năm 1978-2008 tại quốc gia tỷ dân. Như một cuốn băng quay chậm quá trình diễn ra trong 30 năm với 30 chương sách, tác giả Ngô Hiểu Ba cho thấy cách thức mà những con người, thể chế trong giai đoạn đó tác động vào nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc một cách sâu sắc, để lại những thành tựu cũng như hậu quả to lớn thế nào tới hiện tại và tương lai.