Vui tăng lương, lo giảm trừ gia cảnh

PV |

Người lao động mong muốn khi áp dụng mức lương mới thì mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân cũng cần tăng theo tương ứng cho phù hợp với thực tế đời sống hiện nay.

Đề xuất xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi áp dụng mức lương mới

Việc tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 được kỳ vọng giúp nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Nhiều ý kiến người lao động ở Nghệ An cũng bày tỏ mong muốn khi áp dụng mức lương mới thì mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân cũng cần tăng theo tương ứng cho phù hợp với thực tế đời sống hiện nay.

Theo TTXVN, việc tăng mức lương cơ sở đã mang đến niềm vui không nhỏ cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Chị Hồ Thúy Loan, cán bộ công chức xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên phấn khởi nói: “Công chức mới vào nghề như tôi thấy rất vui mừng vì mức lương tăng lên đồng nghĩa với việc tôi có thêm tiền để chi trả cho đời sống hằng ngày”.

Với nhiều giáo viên, tăng lương cơ sở 30% ở thời điểm này là động lực quan trọng để họ yên tâm làm việc.

Nhưng với nhiều người, đi cùng niềm vui là nỗi lo, lương tăng từ 9 lên 12 triệu đồng, họ băn khoăn về mức giảm trừ gia cảnh và đóng thuế thu nhập cá nhân.

Cô Phan Hồng Vân, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Lê Mao, thành phố Vinh chia sẻ, là viên chức Nhà nước, mọi chi tiêu của gia đình, từ tiền nuôi hai con ăn học, sinh hoạt phí, thuốc men cho ông bà… đều trông cả vào tiền lương hằng tháng.

Với mức lương mới, thu nhập của hai vợ chồng có tăng lên so với trước đây nhưng chi phí sinh hoạt lại tăng nhiều lần so với năm ngoái, trong khi số tiền thuế thu nhập cá nhân cũng tăng lên do mức giảm trừ gia cảnh giữ nguyên.

Chị mong có những điều chỉnh như nâng mức giảm trừ gia cảnh, giảm số tiền thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với thực tế giá cả hàng hóa và việc chi tiêu của người dân hiện nay.

Tăng lương là điều mà tất cả người lao động đều mong chờ. Tuy nhiên nếu tăng lương mà không đi cùng việc giải quyết nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế giảm trừ gia cảnh sẽ khiến người làm công ăn lương chịu áp lực đóng thuế thu nhập, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống.

Sinh sống và làm việc tại thành phố Vinh, chị Hoàng Hà Trang đang nuôi con nhỏ cho biết, hiện thu nhập mỗi tháng của chị khoảng 15 triệu đồng, sau khi giảm trừ gia cảnh nuôi 1 con, chị vẫn thuộc đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân.

Theo chị Trang, mức giảm trừ mà cơ quan Thuế đưa ra đang ở mức thấp. Ví dụ, chị đang nuôi một con nhỏ, mức giảm trừ là 4,4 triệu đồng. Trong khi mỗi tháng chị phải mất 7 triệu đồng để thuê người trông con, chưa kể các khoản chi phí bỉm, sữa... khác cho trẻ. Nên mức giảm trừ này là không đủ so với thực tế.

Cùng chung băn khoăn trên, chị Nguyễn Thu Thủy, ở Thị xã Thái Hòa bộc bạch: "Người lao động trong khu vực hành chính công mong mỏi lương tăng để có thể bù đắp phần nào những khoản chi phí sinh hoạt tăng lên nhưng nếu giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh thì người lao động sẽ phải sử dụng một phần thu nhập có thêm từ việc tăng lương để nộp thuế thu nhập cá nhân.

Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

Trong khi đó, giá cả hàng hóa có xu hướng ngày càng tăng, nếu tiếp tục áp dụng mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến ý nghĩa, mục tiêu của việc tăng lương cho người lao động”.

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Sau hơn 4 năm duy trì, mức giảm trừ gia cảnh này được cho là đã lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện thực tế.

Vì vậy bên cạnh tăng lương, kiềm chế lạm phát, nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ cần sớm trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối năm 2024 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025 để đảm bảo điều chỉnh đồng bộ hệ thống pháp luật cũng như quyền lợi cho người lao động.

Khi tăng lương cần quan tâm đến điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Trao đổi về nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, từ ngày 1/7/2024, đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, khi lương tăng cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nghiên cứu.

“Mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế của người lao động.

Nên chăng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế để theo hướng tỷ lệ thuận với mức tăng của lương.

Khi tăng lương 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí là 50% thì mới hợp lý”, đại biểu Thái Văn Thành nêu quan điểm.

Phải giữ được tiền lương thực chất

Theo nhiều chuyên gia, tăng lương cơ sở lần này là phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, tiệm cận với các quy chuẩn quốc tế.

Khi cải cách tiền lương thì phải giữ cho được tiền lương thực chất là lượng tiền người cán bộ, công chức viên chức tiêu dùng trong cuộc sống và đảm bảo cuộc sống được tốt đẹp hơn.

Thế nên việc giảm trừ gia cảnh cần tính toán kỹ lưỡng hơn để người lao động không thiệt thòi. Nếu không điều chỉnh kịp thời mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ý nghĩa chính sách cải cách tiền lương.

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương và tiền công của người lao động nộp thuế.

Thuế thu nhập cá nhân chủ yếu thu của người làm công ăn lương nên mức giảm trừ gia cảnh thấp như vậy không thu hút được những chuyên gia, người lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại địa bàn.

Hiện nay có rất nhiều đơn vị đang áp dụng mức lương thanh toán theo năng suất nhưng khi người lao động thấy rằng phấn đấu để có thu nhập cao hơn thì lại nghĩ đến ngưỡng phải nộp thuế cao hơn nên họ sẽ không làm hết năng lực, khả năng của mình và tâm lý cũng không nhiệt huyết trong công việc.

Thực tế 4 năm qua, giá của hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng; thậm chí có một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục áp dụng mức giảm trừ gia cảnh nói trên đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là đối với người lao động ở các thành phố lớn.

Vì vậy, cần sớm có sự điều chỉnh về mức giảm trừ gia cảnh để việc tăng lương mới thật sự có ý nghĩa tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại