S-400 Triumf do Nga chế tạo – hay SA-21 Growler theo định danh NATO - là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao hiện đại được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Chính phủ Nga đã xác nhận rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ giám sát việc ký kết thỏa thuận hệ thống phòng không S-400 với Ấn Độ trong chuyến thăm hai ngày 4-5/10.
Thỏa thuận trị giá hơn 5 tỷ USD mà phía Ấn Độ nói "rất có khả năng" thông qua, đã bị trì hoãn sau khi vấp phải quyết định xử phạt theo luật mới của Mỹ nhắm vào các chính quyền ở Moscow, Tehran và Bình Nhưỡng.
S-400 là vũ khí gì và tại sao Ấn Độ lại cần nó? Vì sao thỏa thuận này lại khiến Washington rất quan tâm, và điều gì sẽ thay đổi khi ký kết diễn ra?
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 là gì?
S-400 là một hệ thống phòng không di động tích hợp nhiều thành phần như radar đa chức năng, hệ thống phát hiện và khóa mục tiêu tự động, hệ thống tên lửa chống máy bay, bệ phóng và trung tâm chỉ huy, kiểm soát.
Vũ khí phòng thủ hiện đại nhất của Nga có khả năng triển khai trong vòng 5 phút, và có khả năng bắn ba loại tên lửa để tạo ra một lớp bảo vệ. S-400 có thể đánh chặn tất cả các loại mục tiêu trên không bao gồm máy bay, phương tiện trên không không người lái và tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trong phạm vi 400 km, ở độ cao tới 30 km.
Ngoài ra, vũ khí này có thể đồng thời theo dõi 100 mục tiêu trên không, bao gồm cả những tiêm kích tàng hình siêu hạng như F-35 do Mỹ chế tạo và bắn hạ 6 mục tiêu cùng lúc.
S-400 đã hoạt động từ năm 2007 trong nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Moscow. Nó được triển khai tại Syria vào năm 2015 để bảo vệ tài sản hải quân và không quân Nga ở Syria. Các tổ hợp này cũng được chuyển đến bán đảo Crimea liên tục trong thời gian qua.
Vì sao Ấn Độ cần S-400?
Theo các nhà phân tích, mục tiêu quan trọng đối với Ấn Độ là có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa từ hai khu vực trọng yếu nhất, đó là vùng giáp ranh với Pakistan và Trung Quốc.
Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận với Moscow vào năm 2015 để mua sáu tiểu đoàn S-400, và quá trình giao hàng đã bắt đầu vào tháng 1/2018. Hợp đồng mua hàng của Trung Quốc đã được xem như là một lợi thế làm thay đổi sự cân bằng quyền lực trong khu vực.
Đáp ứng lại điều này, vào tháng 10/2015, Ấn Độ đã xem xét việc mua 12 đơn vị S-400 nhưng sau đó đã xác định rằng 5 đơn vị là phù hợp với nhu cầu. Indian Express sau đó đã báo cáo về việc cuộc đàm phán đang ở giai đoạn "cấp cao" và thỏa thuận này dự kiến sẽ được ký kết trước cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Narendra Modi (ngày 5/10).
Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia là những quốc gia khác đang đàm phán mua S-400, trong khi Iraq và Qatar cũng thể hiện sự quan tâm.
Vì sao Mỹ can dự?
Tổng thống Putin đến thăm Ấn Độ ngày 5/10.
Vào tháng 8/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt – CAATSA nhắm vào Nga, Iran và Triều Tiên.
Theo đó, Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt đối với những quốc gia nào tham gia vào một "giao dịch quan trọng" trong lĩnh vực quốc phòng và tình báo với Nga.
Ấn Độ chịu ảnh hưởng gì trước CAATSA?
CAATSA đang trở thành yếu tố làm tổn hại đến mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ, và giảm bớt hình ảnh của Washington khi nước này đang cố gắng xây dựng dự án thúc đẩy Ấn Độ như một đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã gửi kiến nghị đến thành viên của Ủy ban Thượng viện, tìm kiếm "một số giải pháp cứu vãn khỏi CAATSA" cho các nước như Ấn Độ.
Trong thập kỷ qua, các thỏa thuận quốc phòng của Mỹ với Ấn Độ đã tăng từ gần bằng 0 lên 15 tỷ USD, bao gồm các thương vụ mua máy bay vận tải C-17 Globemaster và C-130J, máy bay trinh sát hàng hải P-8 (I), tên lửa Harpoon và máy bay trực thăng Apache và Chinook.
Vào tháng 7, Mỹ đã thông báo rằng họ đã sẵn sàng cấp cho Ấn Độ quy chế không chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt CAATSA. Sự từ bỏ này cũng mang đến sự chấp nhận của Mỹ về việc lợi ích chiến lược Ấn Độ không thể bị ép buộc bởi một bên thứ ba.
Quan hệ Nga-Ấn Độ hiện tại
Việc Mỹ triển khai nghiêm ngặt CAATSA sẽ không chỉ ảnh hưởng đến S-400, mà còn đối với cả các hợp đồng mua sắm tàu khu trục Dự án 1135.6 và trực thăng Ka-226T, các liên doanh như Indo Russian Aviation, Multi-Role Transport Aircraft Ltd, và Brahmos Aerospace.
Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến việc mua phụ tùng, linh kiện, nguyên liệu thô và các hỗ trợ khác của Ấn Độ đối với Nga.
Phần lớn thiết bị quân sự của Ấn Độ có nguồn gốc từ Liên Xô ngày trước và Nga hiện tại - bao gồm tàu ngầm hạt nhân INS Chakra, tên lửa hành trình siêu âm Brahmos, máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi, máy bay vận tải Il, T-72 và T-90 và máy bay vận tải Vikramaditya
Trong những năm gần đây, quan hệ quốc phòng hai nước đã có những thời điểm nguội lạnh, nhưng hiện tại vũ khí Nga là trụ cột chính của năng lực quốc phòng Ấn Độ. Thương mại Ấn-Nga là 10 tỷ USD, so với Ấn-Mỹ ở mức 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, Ấn Độ cần Nga cho các phụ tùng thay thế cho các hệ thống vũ khí của mình. Ngoài ra, Moscow còn mang đến những công nghệ cho New Delhi mà Mỹ chưa muốn chia sẻ, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân.
Giới phân tích nhận định, khi Ấn Độ đang cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa một chính quyền Mỹ khó đoán và một Trung Quốc ngày càng hung hăng, nước này muốn Nga đứng về phía mình.
Moscow được coi là một đồng minh có giá trị trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đồng thời, sự xích lại gần nhau của Nga với Trung Quốc và mối quan hệ mới của nước này với Pakistan đã khiến Delhi cảm thấy khó chịu.
Sự tham gia của hai nước thông qua các thiết lập hợp tác đa phương như SCO và BRICS - cùng với các động thái song phương như chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Sochi gặp mặt ông Putin hồi tháng 5 năm nay - là dấu hiệu cho thấy những nỗ lực củng cố quan hệ mạnh mẽ giữa hai quốc gia.