Tesla đang là thương hiệu xe thuần điện hàng đầu thế giới với chỗ dựa vững chắc là sân nhà Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới là Trung Quốc, họ đang phải chịu áp lực cực lớn tới từ các đối thủ địa phương.
Trong tháng 4 vừa qua, Aion - thương hiệu xe thuần điện của tập đoàn GAC đã lần đầu tiên vượt qua Tesla về doanh số. Theo số liệu công bố bởi Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc CPCA, 1,63 triệu xe được bán ra tại Trung Quốc trong tháng 4. Trong đó có tới 527.000 xe là xe năng lượng mới (bao gồm xe thuần điện điện BEV, xe hybrid sạc điện PHEV, xe chạy pin nhiên liệu FCEV và xe hybrid bổ trợ REV).
Aion S Plus nằm cùng phân khúc Tesla Model S nhưng có giá chỉ bằng... một phần năm (gần 150.000 NDT so với 800.000 NDT)
Trong con số trên, Aion bán được 41.012 xe, tương đương mức tăng 402% so với tháng 4-2022. Tính tổng 4 tháng đầu năm, doanh số thương hiệu thuần điện này đạt 121.320 xe, tăng 120%. Các dòng xe mới của họ như Aion S Plus (cùng phân khúc Tesla Model S nhưng rẻ hơn đáng kể) hay Aion Y (SUV cỡ trung) đều được đón nhận tốt. Họ cũng có cho riêng mình một siêu xe để làm hình ảnh là Aion Hyper GT.
Aion Hyper GT
Trong khi đó, Tesla bán được 39.956 xe điện vào tháng 4-2023, thấp hơn đối thủ hơn 1.000 xe. Tuy nhiên, tổng doanh số của hãng trong 4 tháng đầu vẫn cao hơn đáng kể ở 177.385 đơn vị.
Tất nhiên, ông vua của phân khúc xe điện tại Trung Quốc vẫn là BYD. Họ bán được tới 183.534 xe trong tháng 4 (nghĩa là hơn cả Tesla trong cả năm 2023 cộng lại) và chiếm 11,26% thị phần tổng trong nước. Dù chỉ kinh doanh xe điện hóa, BYD vẫn bán vượt cả Volkswagen (xếp thứ 2 với 174.214 xe trong tháng 4) hay Toyota (148.307 xe).
Các dòng SUV điện cỡ trung Aion Y (ảnh) hay BYD Atto 3 đang rất hút khách và chỉ chịu thua doanh số các dòng tên giá rẻ hơn đáng kể
Không chỉ BYD và Aion, Tesla còn phải dè chừng các tên tuổi khác như Wuling - thương hiệu sở hữu xe điện từng bán chạy nhất Trung Quốc là Hongguang MiniEV. Hãng xe nội địa này bán được 33.850 xe trong tháng 4-2023, chỉ thua Tesla 6.000 xe.
Chính sách của Tesla tại Trung Quốc trong thời gian qua góp phần khiến họ bị các đối thủ nội địa bám đuổi sát sao. Hãng ưu tiên xuất khẩu một phần xe sản xuất trong khu vực này ra các thị trường khác (chủ yếu là các thị trường dùng tay lái nghịch) khiến lượng cung phần nào đó không đáp ứng đủ cầu trong nước.