Ông chính là Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, người làng Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội).
Phùng Hưng tên tự là Công Phấn. Trước khi dựng cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường, Phùng Hưng nổi danh trong vùng nhờ chiến tích tiêu diệt hổ dữ, mang lại bình yên cho xóm làng.
Thời ấy vùng Đường Lâm có nhiều rừng núi bao quanh với hổ dữ hoành hoành, người dân lo lắng không dám vào rừng làm nương rẫy. Nhiều người liều lĩnh làm nương bị hổ vồ, hoặc may mắn thì cũng bị dọa cho hồn xiêu phách lạc.
Biết chuyện, Phùng Hưng vào rừng xem xét, bàn với hai người em trai cách trị hổ. Kết quả ông đánh bại hổ dữ giúp người dân trong vùng yên tâm lên nương. Lần khác, Phùng Hưng lại đánh bại hai con trâu rừng khiến mọi người trong vùng nể phục.
Bấy giờ là những tháng năm thuộc niên hiệu Đại Lịch của triều đại nhà Đường thống trị. Kẻ thay mặt vua nhà Đường cai quản nước Việt ở thời gian này là Cao Chính Bình, nguyên chân quan võ Đô uý châu Vũ Định (ở Tây Bắc), vì có công danh đánh lui các toán giặc cướp từ ngoài biển kéo vào, nên được vinh thăng làm chức đứng đầu cả Phủ đô hộ, đóng dinh trong toà An Nam La thành, bên bờ sông Tô Lịch.
Từ toà thành này, tân quan Cao Chính Bình đề ra chính sách bóc lột hà khắc, khiến người Việt ở khắp nơi phẫn nộ. Ngọn lửa căm hờn bọn thống trị ngoại bang lâu nay vẫn âm ỉ, bây giờ như dầu đổ thêm vào lửa, bùng lên dữ dội.
Cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng phát động khi ấy nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân từ khắp các miền đất Giao Châu.
Thoạt đầu, 3 anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm rồi nghĩa quân tiến lên đánh chiếm được cả miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc. Phùng Hưng xưng là Đô Quân; Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng không phân thắng bại.
Được sự trợ giúp của người cùng làng có nhiều mưu lược là Đỗ Anh Hàn, năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng từ chỗ cầm cự cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình. Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần và chủ tướng Phùng Hưng tiến công vây thành.
Phần lớn các truyền thuyết đều kể rằng, Phùng Hưng nhận thấy lực lượng chưa thật đủ mạnh để đè bẹp quân địch, ông cùng các tướng tỏa đi xung quanh chiêu mộ thêm binh lính và sắm thêm vũ khí, còn việc vây thành được giao cho 3 người cháu gái họ Phùng.
Cuộc chiến đấu sau đó diễn ra quyết liệt, quân Đường chết nhiều, Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành, lo sợ cuối cùng bị ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, trông coi việc chính sự đất nước.
Bằng công lao và sự nghiệp lẫy lừng ở năm 791 ấy, người hào trưởng đất Đường Lâm trở thành nhân vật lịch sử anh hùng, được người đương thời mến mộ, suy tôn là Bố Cái Đại vương.