Vua Vajiralongkorn dừng bái Phật ở nơi ngự pho tượng Phật được tôn kính bậc nhất Thái Lan
Tiêu điểm sự kiện
- Vua Rama X trở về Đại Hoàng cung, kết thúc Lễ diễu hành 7km, kéo dài 7 giờ đồng hồ23:13
- Vua Vajiralongkorn bái Phật với sự tháp tùng của Hoàng hậu Suthida và Công chúa Bajrakitiyabhaarrive22:36
- Điểm dừng chân thứ 3: Chùa Phra Chetuphon (Wat Pho)22:17
- Quốc vương Thái Lan bái Phật Ankiros, tưởng nhớ tổ tiên21:17
- Điểm dừng chân thứ 2: Chùa Rajabopidh20:41
- "Biển người vàng": Lý do dân Thái mặc áo vàng trong Lễ diễu hành của Vua Rama X19:57
- Vua Vajiralongkorn bái Phật ở nơi ngự 1 trong 3 pho tượng Phật được tôn kính bậc nhất Thái Lan18:49
- Điểm dừng chân đầu tiên: Chùa Bovoranives Vihara18:14
- Nhà vua ngồi kiệu dát vàng 16 người khiêng, di chuyển 75 bước/phút17:44
- Đoàn rước rời khỏi Đại hoàng cung, bắt đầu chặng diễu hành 7km17:12
- Thái Lan nổi kèn hiệu, bắt đầu Lễ diễu hành của Vua Vajiralongkorn16:59
23:13 ngày 05/05/2019
Vua Rama X trở về Đại Hoàng cung, kết thúc Lễ diễu hành 7km, kéo dài 7 giờ đồng hồ
Đoàn rước với nhà vua ngự trên Kiệu Vàng rời Wat Phra Chetuphon di chuyển dọc đường Thai Wang, quay trở về Đại Hoàng cung Thái Lan, kết thúc lễ diễu hành kéo dài 7 giờ đồng hồ, qua 3 ngôi chùa lớn của đất nước.
22:36 ngày 05/05/2019
Vua Vajiralongkorn bái Phật với sự tháp tùng của Hoàng hậu Suthida và Công chúa Bajrakitiyabhaarrive
Lễ bái Phật và tổ tiên của Vua Vajiralongkorn được thực hiện trong điện thờ chính của Wat Phra Chetuphon, nơi được coi là khu vực linh thiêng nhất trong quần thể. Tháp tùng ông là Hoàng hậu Suthida và Công chúa Bajrakitiyabhaarrive.
Điện thờ chính là nơi ngự pho tượng Phật Phra Buddha Theva Patimakorn ngồi trên bệ 3 tầng và dưới tán lọng 9 tầng, tượng trưng cho quyền lực của Thái Lan.
Pho tượng này được cho là có từ giai đoạn Ayutthaya. Vua Rama IV đã đặt một phần tro cốt của Vua Rama I bên dưới bệ thờ của pho tượng Phật để người dân có thể bái Phật và tưởng niệm Rama I, vị vua đầu tiên của triều đại Chakri.
Wat Phra Chetuphon được xây dựng dưới thời Vua Phetracha của Vương quốc Ayutthaya từ năm 1688 tới năm 1703. Ngôi chùa vốn có tên gọi là Wat Photharam, gọi tắt là Wat Pho.
Trong thời gian trị vì, Vua Rama I đã cho tu bổ ngôi chùa theo phong cách Ayutthaya và đổi tên thành Wat Phra Chetuphon. Sau này, Vua Rama III tiếp tục tiến hành mở rộng và tái cấu trúc theo phong cách Rattanakosin.
Mục đích của Rama III là biến Wat Phra Chetuphon thành cội nguồn tri thức cho toàn thể dân chúng, bất kể địa vị xã hội. Nhà vua cũng cho thu thập kiến thức từ những nhân vật uyên thâm, sưu tầm các giá trị về nghệ thuật, y học cổ truyền, khảo cổ và văn học, thơ ca. Nơi đây được xem là "Trường Đại học đầu tiên" của Thái Lan.
22:17 ngày 05/05/2019
Điểm dừng chân thứ 3: Chùa Phra Chetuphon (Wat Pho)
Nằm cách Wat Rajabopidh chỉ 500m, Wat Phra Chetuphon là điểm dừng chân thứ ba và cũng là cuối cùng của Vua Rama X trong Lễ diễu hành 7km dọc theo các con phố ở thủ đô Bangkok.
Ảnh: Lauren DeCicca/Getty Images
Đoàn rước rời Wat Rajabopidh, di chuyển qua đường Fueang Nakhon, rẽ phải vào đường Charoen Krung và dừng lại phía trước Chùa Phra Chetuphon.
Wat Phra Chetuphon (hay còn gọi là Wat Pho) là một ngôi chùa nổi tiếng ở Bangkok.
Ảnh: Holiday IQ
Pho tượng Phật nằm khổng lồ của Wat Phra Chetuphon được CNN xếp vào 1 trong 10 bức tượng tôn giáo ấn tượng nhất thế giới. Đây cũng là một trong những lý do khiến Wat Phra Chetuphon trở thành điểm đến ưa thích của cả khách du lịch lẫn Phật tử tứ phương.
Ảnh: pprincess.com
21:17 ngày 05/05/2019
Quốc vương Thái Lan bái Phật Ankiros, tưởng nhớ tổ tiên
Chùa ở Thái Lan thường gồm 2 phần chính: bhuddhawas - nơi thờ Phật và sangkhawas, nơi lưu trú của các vị sư tăng. Tuy nhiên, Wat Rajabopidh lại gồm 3 phần chính: bhuddhawas, sangkhawas và Nghĩa trang Hoàng gia.
Điểm đặc biệt này khiến Wat Rajabopidh trở thành một ngôi chùa đặc biệt quan trọng đối với Hoàng gia Thái Lan
Trên chặng đường diễu hành của mình, Vua Rama X Maha Vajiralongkorn dừng tại đây để bái Phật và tổ tiên.
Ngự trong điện thờ chính Phra Ubosot là tượng Phật Ankiros, được đúc dưới thời Vua Rama IV và Vua Rama V (Vua Chulalongkorn). Sau khi Vua Rama IV băng hà, Vua Chulalongkorn đã cho hoàn thiện pho tượng Phật, dâng trang sức vàng mà ông từng sử dụng thời trẻ để dát bên ngoài và đưa pho tượng vào điện thờ của Chùa Rajabopidh.
Vua Vajiralongkorn thực hiện nghi lễ tại điện thờ chính, nơi ngự Tượng Phật Ankiros.
Phần bệ đá của tượng Phật Ankiros được làm từ đá cẩm thạch của Ý, nơi Vua Chulalongkorn từng tới thăm và đặc biệt ấn tượng. Kiến trúc của Wat Rajabopidh chịu ảnh hưởng của phương Tây cũng là từ chuyến đi này. Phía dưới tượng Phật Ankiros là nơi lưu giữ tro cốt của Vua Chulalongkorn và Vua Prajadhipok.
Nghĩa trang Hoàng gia nằm ở phía Tây trong khuôn viên chùa với rất nhiều đài tưởng niệm của các thành viên thuộc Hoàng gia Thái Lan, chủ yếu là hoàng thất của Vua Chulalongkorn.
Nghĩa trang Hoàng gia trong khuôn viên Chùa Rahabopidh. Ảnh: PIYALAK NAKAYODHIN
20:41 ngày 05/05/2019
Điểm dừng chân thứ 2: Chùa Rajabopidh
Nằm cách Chùa Bororanives khoảng 2,4km, Chùa Rajabopidh là điểm dừng chân thứ hai trong chặng diễu hành của Vua Rama X.
Ảnh: Michael/Tinamue.blogspot
Wat Rajabopidh Sathitmahasimaram (hay còn gọi tắt là Wat Rahabopidh) là ngôi chùa Hoàng gia được xây dựng năm 1869 theo lệnh Vua Chulalongkorn (Rama V) để làm nơi lưu giữ di vật và tro cốt của Hoàng gia Thái Lan.
Trụ trì hiện tại của Chùa Rajabopidh, ngài Phra Maha Muniwong, hiện cũng là Đức Tăng thống của Thái Lan.
Ngôi chùa là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc truyền thống Thái Lan và một phần nội thất chịu ảnh hưởng phương Tây. Wat Rajabopidh Sathitmahasimaram có lẽ là ngôi chùa có kiến trúc độc nhất vô nhị ở xứ sở Chùa Vàng.
Wat Rajabopidh là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc truyền thống Thái Lan và phương Tây. Ảnh: Trover.com
19:57 ngày 05/05/2019
"Biển người vàng": Lý do dân Thái mặc áo vàng trong Lễ diễu hành của Vua Rama X
Sau khi thực hiện các nghi lễ bái Phật và tổ tiên ở Chùa Bovoranives, Vua Vajiralongkorn (Rama X) lại tiếp tục hành trình tới Chùa Rajabopidh.
Mặc dù trời đã tối nhưng người dân vẫn tập trung rất đông dọc tuyến diễu hành. Tất cả đều mặc áo màu vàng, màu đại diện cho Thứ Hai - ngày mà Quốc vương ra đời.
Ngay cả trong cuộc sống thường nhật, nhiều người Thái cũng ưa mặc áo vàng vào ngày Thứ Hai để thể hiện lòng tôn kính với đức vua của mình.
Số lượng người dân tập trung nhiều tới mức truyền thông Thái Lan mô tả là "biển người vàng" trong Lễ diễu hành của nhà vua.
Chính quyền Thái Lan ước tính, có ít nhất 200.000 người tập trung xem nghi lễ ngày hôm nay, dịp mà nhiều người Thái cho là hiếm có, là cơ hội chỉ đến một lần trong đời.
18:49 ngày 05/05/2019
Vua Vajiralongkorn bái Phật ở nơi ngự 1 trong 3 pho tượng Phật được tôn kính bậc nhất Thái Lan
Tro cốt của Vua Rama VI và Vua Rama IX được lưu giữ bên dưới bức tượng Phật Phra Phuttha Chinnasi trong tư thế Subduing Mara, một trong ba tượng Phật mà Vua Rama IV cho là được tôn kính bậc nhất ở Thái Lan.
Tượng Phật Phra Phuttha Chinnasi ngự tại chùa. Ảnh: Watbowon
Mặc dù không nổi tiếng là nơi được du khách ghé thăm khi tới Bangkok nhưng Chùa Bovoranives lại là nơi được Phật tử khắp thế giới lui tới dâng hương, chiêm bái.
Vua Vajiralongkorn bái Phật tại Chùa Bovoranives
18:14 ngày 05/05/2019
Điểm dừng chân đầu tiên: Chùa Bovoranives Vihara
Chùa Bovoranives Vihara (còn được gọi tắt là Chùa Bovoranives, Chùa Bowonniwet) là điểm dừng chân đầu tiên của chặng diễu hành, một phần trong lễ đăng quang của Vua Vajiralongkorn.
45 phút sau khi bắt đầu hành trình từ Đại Hoàng cung, đoàn rước đã tới cổng chùa Bovoranives.
Được xây dựng từ thời thứ ba của Vương triều Chakri, đây là trung tâm quan trọng của phái Thammayut. Một số trụ trì của chùa đã trở thành Đức Tăng thống của Thái Lan.
Chùa Bovoranives là nơi lưu trú trong thời gian tu tập của một số nhà vua dưới triều đại Chakri, trong đó có tân vương Maha Vajiralongkorn.
Chùa Bovoranives. Ảnh: Internet
Chùa Bovoranives nằm ở quận Phra Nakhon, Bangkok.
17:44 ngày 05/05/2019
Nhà vua ngồi kiệu dát vàng 16 người khiêng, di chuyển 75 bước/phút
Theo thông tin từ Hoàng gia Thái Lan, Vua Vajiralongkorn ngồi kiệu dát vàng 16 người khiêng để diễu hành dọc các con phố ở thủ đô Bangkok. Những người này di chuyển ở vận tốc khoảng 75 bước/phút và cứ đi được 500m thì dừng để thay người một lần.
Vua Vajiralongkorn ngồi kiệu dát vàng trong Lễ diễu hành. Ảnh: Getty
Tham gia đoàn rước có khoảng 1.300 người, trong đó có cả các quan chức cấp cao của Thái Lan như Thủ tướng và các thành viên Nội các.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tham gia Lễ diễu hành Hoàng gia. Ảnh: Getty
17:12 ngày 05/05/2019
Đoàn rước rời khỏi Đại hoàng cung, bắt đầu chặng diễu hành 7km
Lễ diễu hành Hoàng gia bắt đầu từ Đại Hoàng cung.
Đoàn rước bước ra từ Lầu Abhorn Bimok thông qua Cổng Vises Jayasri, rẽ phải vào đường Na Phra Lan, rẽ trái vào đường Ratchadamnoen Nai, rẽ phải vào đường Ratchadamnoen Klang, rồi rẽ trái vào đường Tanao trước khi tiến vào Chùa Bovoranives, điểm dừng đầu tiên trong chặng diễu hành dài 7km.
16:59 ngày 05/05/2019
Thái Lan nổi kèn hiệu, bắt đầu Lễ diễu hành của Vua Vajiralongkorn
Đúng 17h00, Lễ diễu hành của Vua Vajiralongkorn đã bắt đầu tiến hành những nghi lễ đầu tiên sau khi tiếng kèn hiệu cất lên.
Đây là lần đầu tiên Vua Vajiralongkorn xuất hiện trước dân chúng kể từ sau lễ đăng quang chính thức hôm 4/5.
Đám đông người dân Thái Lan đã tập trung rất đông dọc 7km của chặng diễu hành, bất chấp thời tiết đầu hạ nắng nóng của thủ đô Bangkok với hy vọng có cơ hội chiêm ngưỡng Nhà vua, người được coi như thần thánh trong văn hóa của Thái Lan.
Đây là dịp để người dân Thái Lan có thể chiêm ngưỡng Quốc vương Vajiralongkorn và bày tỏ lòng tôn kính đối với Hoàng gia.
"Tôi muốn được xem lễ đăng quang một lần trong đời bởi lễ đăng quang trước đó diễn ra khi tôi còn quá nhỏ", Samran Mrryaidee, một cụ ông Thái Lan 77 tuổi. Lễ đăng quang trước đó là vào năm 1950 của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Vua Bhumibol đã trị vì suốt 69 năm sau đó.
Ảnh: Reuters
Thái Lan đã sắp xếp xe bus để người dân không sống ở Bangkok có thể tới chứng kiến sự kiện hiếm hoi này. Dịch vụ công cộng gồm xe bus và tàu điện hoàn toàn miễn phí ở thủ đô Bangkok vào dịp này.