Vua Thái Lan có động thái siêu hiếm hoi sau hơn 40 năm, gửi thông điệp "yêu thương" đến người biểu tình

Hồng Anh |

"Tôi yêu thương tất cả người dân, mọi người đều bình đẳng như nhau", nhà vua Thái Lan trả lời đài CNN khi ông được đề nghị gửi thông điệp tới những người biểu tình.

Trong khi các cuộc biểu tình yêu cầu cải cách chế độ quân chủ và yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức vẫn tiếp tục lan rộng tại Thái Lan, thì hôm Chủ nhật (1/11) vừa qua, Quốc vương Maha Vajiralongkorn (Rama X) đã có động thái vô cùng hiếm thấy khi trực tiếp trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo giới.

Cụ thể, các hãng tin CNN (Mỹ) và Reuters (Anh) đưa tin, hôm 1/11, nhà vua Thái Lan đã gọi đất nước này là "vùng đất của sự thỏa hiệp" - như một lời gợi ý về giải pháp cho tình trạng bất ổn chính trị đã kéo dài hơn 4 tháng vừa qua.

Khi phóng viên CNN đề nghị nhà vua gửi thông điệp tới những người biểu tình yêu cầu cải cách đất nước, Quốc vương Vajiralongkorn đã nói rằng ông "không có bình luận gì", trước khi nói thêm rằng: "Tôi yêu thương tất cả người dân, mọi người đều bình đẳng như nhau".

Bắt đầu nổ ra vào tháng 7, đến nay các cuộc biểu tình yêu cầu cải cách hiến pháp và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha phải từ chức vẫn tiếp diễn tại Thái Lan, trở thành thách thức lớn nhất đối với hoàng gia Thái Lan sau nhiều thập kỷ.

Trả lời câu hỏi về khả năng thỏa hiệp với yêu cầu của những người biểu tình về vấn đề cải cách nền quân chủ ở Thái Lan, nhà vua cho biết: "Thái Lan là vùng đất của sự thỏa hiệp", và không giải thích thêm về bình luận này.

Theo CNN, đây là lần đầu tiên nhà vua Rama X trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài kể từ năm 1979, khi ông chính thức được lựa chọn làm Thái tử.

Quốc vương Vajiralongkorn hôm 1/11 đã tham dự sự kiện đánh dấu ngày lập đông bằng lễ thay trang phục cho tượng Phật Ngọc của ngôi chùa tọa lạc trong khuôn viên Cung điện Hoàng gia Thái Lan. Hoàng hậu Suthida và công chúa Sirivannavari cũng tham dự sự kiện này.

Được biết, công chúa Sirivannavari cũng đã trả lời câu hỏi của đài CNN. Công chúa khẳng định rằng Thái Lan là một quốc gia hòa bình, và nói rằng "chúng tôi [hoàng gia Thái Lan] yêu quý người dân Thái Lan, cho dù có bất cứ điều gì xảy ra".

Việc các phóng viên nước ngoài được phép có mặt ở ngay trước Cung điện Hoàng gia và chờ đón sự xuất hiện của nhà vua cùng đám đông những người ủng hộ cũng là điều rất hiếm thấy ở Thái Lan. Thông thường, chỉ đội ngũ truyền thông của hoàng gia mới có quyền ghi hình và đưa tin trong những sự kiện như vậy, đặc biệt là các sự kiện ở Cung điện Hoàng gia.

CNN cho rằng động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy nhà vua mong muốn cải thiện hình ảnh của mình trên trường quốc tế trong bối cảnh các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục kéo dài.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại