"Vua rác" David Dương (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) tại Mỹ và Công ty VWS tại Việt Nam) là người đã tài trợ 1250 máy trợ thở tự tạo oxy cho tuyến đầu chống dịch. Trước đó, ông Dương cũng nhiều lần tài trợ các thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, tiền mặt cho đồng bào trong các đợt dịch Covid-19.
SẴN SÀNG CHO ĐI HẾT LỢI NHUẬN
Lý do nào khiến ông quyết định bỏ ra 3,5 triệu USD để mua 1.250 máy trợ thở tặng Việt Nam?
Ông David Dương: Vì là người Việt Nam, nên mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, tôi luôn thấy mình cần có trách nhiệm đóng góp.
Tất cả việc kinh doanh của chúng tôi ở Mỹ, hay Việt Nam đều dựa trên lợi nhuận và sự ủng hộ của cộng đồng. Khi cộng đồng cần doanh nghiệp đóng góp lại, chúng tôi rất sẵn sàng. Tùy theo hoàn cảnh, cũng như tùy khả năng, điều kiện của mình ở từng thời điểm mà chúng tôi có các cách đóng góp khác nhau.
Ví dụ, những lần trước, chúng tôi thường đóng góp hiện kim. Riêng lần bùng dịch thứ 4 này ảnh hưởng quá nặng nề, chúng tôi muốn đóng góp bằng cách khác.
Ông David Dương - Việt kiều Mỹ.
Virus SARS-nCoV-2 chủ yếu tấn công vào phổi của bệnh nhân. Chúng tôi đóng góp máy trợ thở vì cho rằng, đây là mặt hàng thiết yếu đứng thứ 2, chỉ sau vắc-xin.
3,5 triệu USD bỏ ra lần này hoàn toàn là của cá nhân ông, hay có kêu gọi hỗ trợ từ các nguồn khác?
Ông David Dương: Sự kêu gọi luôn cần có thời gian. Hỗ trợ lần này khá gấp nên chúng tôi không có thời gian để kêu gọi. Hơn nữa, số tiền 2-3 triệu USD cũng nằm trong khả năng của chúng tôi. Công ty chúng tôi là công ty gia đình, và việc đóng góp này được tất cả thành viên ủng hộ.
Công ty có quỹ hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4 này, chúng tôi quyết định không dùng quỹ dự trữ. Gia đình tôi đã cắt tất cả khoản lợi nhuận có được trong năm nay để dành vào việc mua trang thiết bị trợ thở cho Việt Nam.
Giá trị của lô hàng 1.250 máy trợ thở là 3,5 triệu đô. Đồng thời trước đó, chúng tôi còn có những đóng góp hiện kim. Thành ra số tiền làm từ thiện lần này đã vượt quá so với tất cả những gì chúng tôi từng làm trong quá khứ. Nhưng tôi nghĩ, đây là lúc cần nhất để đóng góp những bàn tay, cùng với người dân chia sẻ khó khăn.
Chúng tôi rất hoan hỷ được đóng góp, dù rằng lợi nhuận năm nay của công ty sẽ bằng 0.
NẾU SỢ GIÈM PHA THÌ ĐÃ KHÔNG LÀM TỪ THIỆN
Một số người cho rằng, các công ty vẫn làm từ thiện và báo không có lãi như một hình thức trốn thuế. Ông đã từng đối mặt với những lời gièm pha như thế?
Ông David Dương: Ở Hoa Kỳ, doanh nghiệp góp tiền cho các tổ chức có giấy phép hoạt động từ thiện sẽ được trừ thuế. Ví dụ, nếu làm từ thiện 4 triệu USD thì tránh thuế được 2 triệu USD, nhưng 2 triệu USD còn lại vẫn phải nộp.
Nếu không có tấm lòng thì mắc mớ gì chúng tôi phải làm từ thiện (cười). Bình thường cứ làm rồi nộp thuế vẫn có 2 triệu USD bỏ túi mà? Hơn nữa, việc trừ thuế đó chỉ áp dụng khi doanh nghiệp đóng góp cho các tổ chức từ thiện có giấy phép đàng hoàng. Còn chúng tôi gửi tiền, hiện vật về thẳng Việt Nam thì chưa biết có được trừ thuế hay không.
Ông David Dương bàn giao máy trợ thở tự tạo oxy cho Việt Nam.
Bên kế toán nói với tôi, nếu không được trừ thuế thì chẳng những công ty không có lợi nhuận mà còn âm vào vốn. Nhưng chúng tôi chấp nhận. Vì điều sung sướng nhất với chúng tôi là mỗi máy trợ thở chuyển về Việt Nam có thể cứu được biết bao nhiêu sức khỏe con người.
Tiền có thể kiếm ra hàng năm, còn đại dịch có thể cả trăm năm mới có một lần. Đây là lúc chúng tôi cần chung tay với đất nước chăm lo cho đồng bào.
Chuyện dèm pha rất khó tránh. Nhưng nếu sợ thì ngay từ đầu tôi đã không làm từ thiện rồi.
TÔI KHÔNG HỀ "NỔ" KHI NÓI MUỐN ĐƯA VACCINE MỸ VỀ VIỆT NAM
Trước đó, ông từng nói sẽ đưa vaccine Mỹ về Việt Nam. Nhiều người nói chuyện này "rất nổ" vì thực tế, các công ty Mỹ chỉ giao vaccine cho chính phủ?
Ông David Dương: 5 tháng trước, khi dịch bệnh lần thứ 4 bắt đầu hoành hành ở Việt Nam, tôi có dịp làm việc với Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ. Đại sứ quán nói: Bây giờ thứ cần nhất là vaccine. Thấy vậy, tôi cũng cố gắng liên hệ và mãi sau mới biết, tất cả vaccine ở Mỹ đều không thể tự mua được mà phải thông qua chính phủ.
Thực tế, ngay từ đầu, tôi cũng chưa từng khẳng định sẽ đưa vaccine Mỹ về Việt Nam, mà chỉ nói sẽ cố gắng.
Khi biết không thể tiếp cận được, chúng tôi đã ngừng kế hoạch này, và chuyển hướng đóng góp sang máy trợ thở tự tạo oxy.
Nhưng cũng chính vì đã từng bỏ công đi tìm kiếm, chúng tôi đã tìm thấy một loại vaccine mới của Mỹ, sản xuất tại Ấn Độ và đang trong quá trình thử nghiệm, dự kiến tháng 1/2022 có thể được WHO thông qua.
Chúng tôi đang có hợp đồng đặt trước với họ 10 triệu liều. Vì vaccine đó cũng đã được chính phủ của Ấn Độ đặt mua 300 triệu liều.
Nhưng hiện nay, có nhiều thông tin nói rằng: đến cuối năm nay, Việt Nam dự kiến sẽ có hàng trăm triệu liều vaccine. Với dân số hiện nay, số lượng vaccine như vậy là tạm ổn. Nếu vậy, vaccine mà chúng tôi đàm phán này có thể không cần thiết.
Cho nên tôi đang điều đình lại với họ là hoặc sẽ lấy 10 triệu liều vaccine, hoặc sẽ lấy công thức để đem về sản xuất ở Việt Nam trong tương lai.
Kinh phí cho việc này rất lớn và tôi nghĩ mình cũng không thể làm một mình. Tôi sẽ phải kết nối với các doanh nghiệp khác để cùng chung tay.
Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!