Sáng 30/5, những chiếc xe buýt 2 tầng đầu tiên đã lăn bánh, đưa nhiều du khách và người dân trải nghiệm hình thức vận chuyển, du lịch ngắm các địa danh thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô.
Theo đó, giá vé xe buýt 2 tầng lần lượt là 300.000 đồng, 450.000 đồng và 650.000 đồng, tương ứng với thời gian vé có hiệu lực là 4 tiếng, 24 tiếng và 48 tiếng đồng hồ.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức vé do công ty vận tải đưa ra là chưa hợp lý, đặc biệt với loại vé có hiệu lực trong vòng 4 tiếng đồng hồ.
Nhiều ý kiến cho rằng giá vé xe buýt 2 tầng ở Hà Nội khá đắt đỏ.
Chị Lan Hương (một hành khách ở Hà Nội) cho hay, xe buýt 2 tầng giúp chị và gia đình có một buổi trải nghiệm, ngắm Hà Nội từ trên cao khá thú vị. Tuy nhiên, điểm khiến hành khách này không hài lòng đó là số giờ vé có hiệu lực chưa đủ để thăm quan các điểm du lịch.
"Vì thời gian vé có hiệu lực là 4 tiếng, nên gia đình chỉ kịp vào thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hoàng Thành Thăng Long, khoảng 45 phút cho mỗi điểm. Các danh lam thắng cảnh còn lại đều chỉ ngồi trên xe buýt đi lướt qua", chị Hương phàn nàn.
Theo tính toán của vị khách này, mua vé có hiệu lực 4 tiếng thì gia đình chị mất gần 1 triệu đồng, nhưng cùng chi phí di chuyển đó với loại hình khác như taxi, chị có thể đến được nhiều điểm hơn và chủ động hơn trong việc chờ đợi hoặc gọi xe.
"Giờ cao điểm tắc đường, chưa kể thời gian mua vé tại các điểm danh lam, cộng thêm 30 phút chờ đợi mới có chuyến xe buýt 2 tầng mới, khiến chúng tôi bị động, gấp gáp và liên tục phải căn giờ lên xe đi tiếp. 4 tiếng đồng hồ tưởng chừng lâu nhưng kỳ thực cũng không nhiều", chị Lan Hương cho hay .
Theo vị khách này, nếu không phải vì hình thức di chuyển mới lạ thì xe buýt 2 tầng khó có thể thu hút người dân trải nghiệm và cách thức này chủ yếu được khách du lịch yêu thích hơn.
Đồng tình với phân tích của khách hàng Lan Hương về thời gian sử dụng vé so với giá vé chưa tương xứng, anh Nguyễn Đức Thế (một vị khách trải nghiệm xe buýt 2 tầng) cho rằng, 4 tiếng đồng hồ, đây là khoảng thời gian đủ cho những người muốn trải nghiệm nhanh cảnh sắc trên xe buýt, hoặc ngại lên, xuống các điểm dừng đỗ.
Theo anh này, người dân hoặc khách du lịch ngắn ngày tại Hà Nội nên chọn vé có hiệu lực trong 4 tiếng và 24 tiếng đồng hồ. Ngược lại, những khách du lịch muốn tìm hiểu kỹ các danh lam thắng cảnh thì nên cân nhắc.
"Trong khi đó loại vé có giá 650.000 đồng/48 tiếng lại quá đắt với mức thu nhập người dân. Chúng chủ yếu dành cho hành khách có thu nhập hoặc khách nước ngoài, với hành trình dài ngày thăm quan Thủ đô", vị khách bày tỏ quan điểm.
Trên các diễn đàn xã hội, nhiều người so sánh, giá vé xe buýt 2 tầng tại Hà Nội đắt hơn nhiều nước như Malaysia và bày tỏ mong muốn về việc điều chỉnh mức giá phù hợp hơn.
Bên cạnh những ý kiến chưa hài lòng về mức vé, số đông người trải nghiệm hình thức di chuyển này đều lo lắng yếu tố thời tiết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc dạo chơi đặc biệt trên xe buýt 2 tầng.
Tài khoản Hoàng Thế Tài đăng tải trên diễn đàn Otofun cho rằng, với thời tiết nắng mưa thất thường của miền Bắc, hành khách ngồi tầng 2 không có mái che sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi nếu ngồi ở tầng 1, thì trải nghiệm giống với xe buýt thông thường.
Hành khách trên tầng 2 xe buýt phải che ô khi di chuyển dưới thời tiết nắng nóng gay gắt của mùa hè.
Xe buýt 2 tầng không có mái che tuy đặc biệt nhưng lại là yếu tố hạn chế khi hoạt động trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường ở miền Bắc.
Không chỉ có vậy, thời gian hoạt động của xe buýt 2 tầng bị hành khách "mổ xẻ" chưa hợp lý, nhất là đối với mùa hè.
"17h là chuyến buýt cuối cùng, nhưng từ giờ này trở đi mới giảm tắc đường và đỡ nắng nóng. Nếu là mùa hè thì nên tăng thêm giờ di chuyển, giống như dịch vụ xe điện vậy", chị Thanh Lam bày tỏ trên trang Facebook cá nhân.
Mặc dù ý kiến của tài khoản này nhận được nhiều sự đồng tình của mọi người, song cũng có quan điểm cho rằng, sau 17h, một vài điểm danh lam ngừng đón khách thăm quan nên dịch vụ vận chuyển chỉ đến khung giờ này cũng không phải không có lý.
Có ý kiến lo ngại xe buýt 2 tầng ở Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm nếu không điều chỉnh những điểm chưa hợp lý và gây bất tiện cho hành khách.
Hiện tại, các tranh luận liên quan đến chiếc xe buýt độc đáo vừa ra mắt vẫn "nóng". Bên cạnh những phàn nàn về điểm bất tiện khi đi xe buýt 2 tầng, nhiều người dân khá hào hứng chia sẻ việc sẽ trải nghiệm hình thức du lịch kết hợp vận chuyển này.
"Tôi đã từng thử đi xe buýt 2 tầng trong chuyến du lịch nước ngoài và cảm thấy rất thích, vậy nên cuối tuần này tôi sẽ cùng gia đình đi thử xe ở Hà Nội xem có gì khác biệt hay không", anh Minh Khôi (trú tại Láng Hạ, Hà Nội) bày tỏ.
Nhiều người dân tỏ ra khá hào hứng thử nghiệm ngắm cảnh Hà Nội trên chiếc xe buýt mới.
Hiện tại, theo đơn vị vận tải, xe buýt 2 tầng sẽ xuất phát đón khách ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vào ngày thường, và Nhà Hát Lớn vào ngày cuối tuần. Thời gian hoạt động xe buýt từ 9h-18h10 hàng ngày (17h xuất bến tuyến cuối), với tần xuất 30 phút/chuyến.
Lộ trình xe buýt 2 tầng (qua 25 tuyến phố với 13 điểm dừng tại Hà Nội):
Ngày thường: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (điểm đỗ xe Bờ Hồ)- Lê Thái Tổ- Tràng Thi- Điện Biên Phủ- Độc Lập- Hoàng Văn Thụ- Hùng Vương- Thanh Niên- Yên Phụ- Thanh Niên- Hùng Vương- Phan Đình Phùng- Hoàng Diệu- Lê Hồng Phong- Hùng Vương- Nguyễn Thái Học- Văn Miếu- Quốc Tử Giám- Tôn Đức Thắng-Nguyễn Thái Học- Cửa Nam Phan Bội Châu- Lý Thường Kiệt- Phan Chu Trinh- Hai Bà Trưng- Lê Thánh Tông- Tràng Tiền- Đinh Tiên Hoàng- Điểm đỗ xe Bờ Hồ.
Cuối tuần: Nhà Hát Lớn- Tràng Tiền- Ngô Quyền- Lý Thường Kiệt- Quang Trung- Tràng Thi- Điện Biên Phủ- Độc Lập- Hoàng Văn Thụ- Hùng Vương- Thanh Niên- Yên Phụ- Thanh Niên- Hùng Vương- Phan Đình Phùng- Hoàng Diệu- Lê Hồng Phong- Hùng Vương- Nguyễn Thái Học- Văn Miếu- Quốc Tử Giám- Tôn Đức Thắng- Nguyễn Thái Học- Cửa Nam- Phan Bội Châu- Lý Thường Kiệt- Phan Chu Trinh- Hai Bà Trưng- Lê Thánh Tông- Nhà Hát Lớn.