Loại quả có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam là sầu riêng. Đây là loại quả rất được ưa chuộng ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sầu riêng của Việt Nam vừa có đối thủ mới ở thị trường tỷ dân. Bởi vì từ ngày 19/6, Trung Quốc và Malaysia đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ bằng việc thực hiện ký một loạt thỏa thuận. Trong đó có những thỏa thuận về phát triển và xuất khẩu sầu riêng. Cụ thể, Trung Quốc mới đây đồng ý cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ Malaysia, sau khi đảm bảo về yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Malaysia được coi là một trong những nhà sản xuất sầu riêng lớn nhất trên thế giới. Trên thực tế, trước đây, Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Mặc dù vậy nhưng trị giá xuất khẩu của sầu riêng Malaysia liên tục tăng trưởng, từ 36 triệu USD (năm 2018) lên khoảng 255 triệu USD (năm 2023).
Theo các chuyên gia, "cuộc đua" xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ trở nên khốc liệt hơn, kể từ khi Malaysia được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường tỷ dân. Trước Malaysia, có 3 quốc gia được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Đặc biệt, Việt Nam đã "vượt mặt" Thái Lan trong cuộc đua về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 202.500 tấn sầu riêng tươi, với trị giá hơn 1 tỷ USD, lần lượt giảm 35% về lượng và giảm 32% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tới 91%, trong khi sản lượng mặt hàng này của Thái Lan sang quốc gia tỷ dân lại giảm hơn 35%.
"Vua quả" Việt Nam có thể cạnh tranh với đặc sản của Malaysia?
Việc sầu riêng tươi của Malaysia xuất hiện tại thị trường Trung Quốc sẽ khiến sầu riêng Việt Nam bị cạnh tranh về thị phần. Nguyên nhân là do Malaysia có lợi thế về những giống sầu riêng chất lượng cao.
Hơn nữa, trao đổi với tờ The Star, ông Vance Chiang, Thư ký Hiệp hội Du lịch sinh thái và nông ngiệp Pahang, sầu riêng của Malaysia có thể bán tại Trung Quốc trong vòng 38 giờ, kể từ thời điểm được thu hoạch, nhờ xuất khẩu bằng con đường hàng không.
Một khi thỏa thuận xuất khẩu giữa hai nước hoàn tất, Malaysia sẽ tiến hành lên kế hoạch cho toàn bộ quá trình xuất khẩu nhằm tạo sự chuẩn bị cho vụ sầu riêng tiếp theo thường diễn ra từ tháng 4 – 5 hàng năm. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ đề xuất Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia thành lập một cơ quan chuyên trách để giám sát việc xuất khẩu sầu riêng tươi, cũng như tạo logo riêng để có thể phân biệt với sầu riêng của Thái Lan và Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Một đối thủ mạnh như sầu riêng Malaysia, liệu "vua quả" của Việt Nam có cạnh tranh được?
Về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định rằng khi xuất khẩu sang Trung Quốc, sầu riêng của Malaysia hướng vào phân khúc cao cấp, trong khi sầu riêng của Việt Nam thường nhắm vào phân khúc bình dân để phục vụ được nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng ở quốc gia này.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, trong số 4 quốc gia được xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch vào Trung Quốc, Việt Nam là nước có nhiều lợi thế. Bởi vì, nước ta có sản lượng sầu riêng dồi dào và thu hoạch rải vụ quanh năm, trong khi mua thu hoạch loại quả này tại 3 quốc gia kia chỉ kéo dài trong vài tháng giữa năm. Hơn nữa, việc vận chuyển sầu riêng ở nước ta sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 1,5 ngày nên đảm bảo về độ tươi ngon. Mặt khác, chi phí logistics của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng thấp hơn.
Trên thực tế, theo ông Đặng Phúc Nguyên, tính đến nay, Trung Quốc vẫn được coi là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới. Đặc biệt, quy mô thị trường sầu riêng ở Trung Quốc vẫn tăng mạnh theo mỗi năm và thậm chí có thể "ôm" tất cả sản lượng về loại quả này ở các quốc gia tại Đông Nam Á.
Theo tính toán ông Đặng Phúc Nguyên, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 3,5 tỷ USD.
Theo Xinhua, chỉ trong quý I/2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng mạnh, đạt 35.000 tấn, trị giá 1,28 tỷ NDT (khoảng 1,77 triệu USD).
Bài tham khảo nguồn: Moit, Vinafruit The Star, Xinhua