Các nhà khoa học thuộc trường Đại học bang Ohio (Mỹ) vừa phát hiện một ngoại hành tinh nóng nhất vũ trụ (phần nhìn thấy được): Ngoại hành tinh khí khổng lồ này có tên KELT-9b, nóng 4.327°C, kém nhiệt độ của bề mặt Mặt trời khoảng 1.200 độ C.
Nằm cách Trái Đất khoảng 650 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Thiên Nga (Cygnus), ngoại hành tinh KELT-9b được các nhà khoa học xác định là quay quanh một ngôi sao KELT-9 khổng lồ, có nhiệt lượng gần 10.000 độ C (nóng gần gấp đôi nhiệt lượng tỏa ra từ bề mặt Mặt trời của chúng ta).
Khoảng cách của KELT-9b đến ngôi sao mẹ KELT-9 khoảng dưới 57 triệu km. Ảnh: NASA.
Giáo sư Scott Gaudi, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học bang Ohio, cho biết: "Giới thiên văn học thế giới luôn tập trung tìm kiếm các hành tinh giống Trái Đất quay quanh một ngôi sao mẹ có nhiệt lượng và khoảng cách lý tưởng như Mặt trời của chúng ta.
Tuy nhiên, phát hiện hành tinh cực nóng quay quanh một ngôi sao nóng gấp đôi bề mặt Mặt trời như thế lại cung cấp cho chúng tôi hiểu rõ thêm về việc một hành tinh được hình thành và tồn tại như thế nào trong điều kiện nhiệt độ cực hạn."
Ngoại hành tinh KELT-9b có kích thước lớn gấp 3 lần sao Mộc. Còn ngôi sao mẹ của nó lớn gấp 2,5 lần Mặt trời của chúng ta.
Khoảng cách của KELT-9b đến ngôi sao mẹ KELT-9 gần hơn khoảng cách của sao Thủy tới Mặt trời (là 57,91 triệu km).
Ngoại hành tinh WASP-33b từng giữ kỷ lục với mức nhiệt là 3.200 độ C. Ảnh: NASA.
Trước khi bị KELT-9b phá vỡ kỷ lục ngoại hành tinh nóng nhất trong vũ trụ nhìn thấy được, các nhà thiên văn học tìm thấy ngoại hành tinh WASP-33b, thuộc chòm sao Tiên Nữ, cách Trái Đất 380 năm ánh sáng, có mức nhiệt là 3.200 độ C.
Giải thích các thuật ngữ thiên văn
* Ngoại hành tinh (Exoplanet): Các hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời
* 1 năm ánh sáng: tương đương với 9,4 nghìn tỷ km.
*Nhiệt độ bề mặt Mặt trời: 5.505 độ C
Dịch từ: The Guardian