Vừa nhận tin nhắn lạ, 60 giây sau tài khoản "bay" ngay 175 triệu, người phụ nữ sững sờ: Tôi chưa bấm gì cả

Tiểu Lam |

Thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao khiến cảnh sát cũng phải giật mình.

Một sự việc hy hữu vừa xảy ra tại Trung Quốc khi một người phụ nữ bị mất 50.000 tệ (khoảng 175 triệu đồng) chỉ trong vòng 60 giây sau khi nhận được tin nhắn chứa mã xác thực. Điều đáng nói là nạn nhân không hề cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hay thực hiện bất kỳ thao tác giao dịch nào. Vậy thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm là gì?

Đường dây rút ruột tài khoản ngân hàng bí ẩn

Ngay sau khi nhận ra tài khoản ngân hàng "không cánh mà bay" 50.000 tệ vào giữa đêm, cô Tống đã vội vàng báo cảnh sát. Sau khi nghe trình bày, phía cảnh sát cũng cảm thấy rất ngạc nhiên. Bởi họ từng gặp nhiều trường hợp báo mất tiền nhưng phần lớn là do nạn nhân bị đối tượng lừa gạt, dụ dỗ thực hiện các thao tác chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, trường hợp của cô Tống rất kỳ lạ, vì cô vừa nhận được một 1 tin nhắn báo mã OTP mà tiền đã bị trừ ngay lập tức. Trong khi đó cô Tống quả quyết bản thân không bấm vào các đường link lạ hay thực hiện bất cứ thao tác nào.

Cô Tống quả quyết bản thân chưa từng vào đường link lạ hay bấm vào những thứ đáng ngờ. (Ảnh: Sohu)

Điều càng bất ngờ hơn cả, số tiền của cô Tống được chuyển vào tài khoản của một người đàn ông họ Trương. Tuy nhiên khi cảnh sát xác minh được danh tính và tiếp cận nghi phạm thì anh ta cho biết bản thân không hề hay biết gì.

Anh Trương nói rằng anh hoàn toàn không biết gì về số tiền của cô Tống cũng như việc thẻ ngân hàng của mình được mở và bị sử dụng để trộm cắp tiền của người khác.

Vào lúc cảnh sát đang cảm thấy hoài nghi thì "thẻ ngân hàng của anh Trương" có giao dịch rút tiền mới tại Quảng Đông. Qua camera giám sát, họ nhìn thấy rõ ràng người rút tiền không phải là anh Trương. Hình ảnh cho thấy người này đã nhiều lần sử dụng thẻ ngân hàng khác nhau để rút tiền.

Đối tượng rút tiền rất ranh ma, tự bắt xe đến các cây ATM khác nhau để rút tiền, sau đó đi bộ một đoạn đường dài rồi biến mất.

Kẻ mạo danh anh Trương đi rút tiền tại nhiều cây ATM khác nhau. (Ảnh: Sohu)

Phía cảnh sát đã phải tốn rất nhiều công sức truy vết mới tìm ra và bắt giữ được gã đàn ông rút tiền nọ. Tuy nhiên, gã đàn ông khai nhận mình chỉ là người phụ trách khâu cuối cùng là rút tiền mặt rồi chia cho "anh em". Còn thông tin nạn nhân hay những bước khác của vụ lừa đảo tinh vi này đều do một người họ Trần khác cung cấp và thao túng.

Gã khai nhận bản thân cũng chưa từng gặp mặt Trần và họ thường xuyên liên lạc qua một phần mềm đặc biệt, không để lại bất kỳ dấu vết nào.

Vào lúc vụ việc gần như rơi vào bế tắc thì cảnh sát ở khu vực Hồ Nam cũng thông báo có vụ việc có người dân bị mất tiền với thủ đoạn tương tự. Sau khi phối hợp truy vết cùng khoanh vùng, phía cảnh sát xác nhận được Trần đang sống ở một khu chung cư cũ kỹ tại Hồ Nam. Tuy nhiên, cảnh sát chưa vây bắt ngay mà quyết định chờ Trần đưa tới "hang ổ" để triệt phá toàn bộ đường dây.

Sau vài ngày thành công rút được khoản tiền lớn mà không gặp sự cố gì, Trần quyết định tiếp tục phi vụ mới. Vào giữa đêm, hắn bắt 1 chiếc xe rời khỏi thành phố tới một khách sạn ngoài ngoại ô. Ngay khi hắn vừa lên phòng, cảnh sát cũng theo chân ập vào.

Tại đây cảnh sát phát hiện nhiều thiết bị điện tử cùng những công cụ hiện đại dùng để lấy cắp thông tin, số điện thoại của nạn nhân và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Các thiết bị thu giữ tại "hang ổ" bọn chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Sohu).

Thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao

Trần khai nhận, bọn chúng dùng thiết bị chuyên dụng để gây nhiễu sóng điện thoại của nạn nhân, khiến điện thoại chỉ bắt được mạng 2G. Sau đó, chúng lợi dụng lỗ hổng bảo mật để giả mạo trạm gốc và lấy cắp mã OTP trên máy nạn nhân để thực hiện chuyển tiền.

Những phi vụ này thường diễn ra lúc đêm muộn, khi mọi người đã ngủ say. Sau khi lợi dụng tài khoản của người khác để nhận tiền, bọn chúng chia người ra đi rút tiền mặt trong thời gian nhanh nhất rồi "bốc hơi".

Thủ đoạn tinh vi này khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Theo lời khai của chúng, các đồng bọn nằm rải rác ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp Trung Quốc. Chúng sẽ cùng nhau online vào một thời điểm cố định để phối hợp hành động.

Cuối cùng, 15 đối tượng trong đường dây đã bị sa lưới, tổng số tiền liên quan lên đến hơn 300 vạn NDT (khoảng hơn 10 tỷ đồng). Rất may mắn cho cô Tống vì báo cảnh sát kịp thời nên phía cảnh sát và ngân hàng đã kịp thời phong tỏa 2 tài khoản và điều tra hoàn trả lại khoản tiền của cô.

Cảnh sát bắt được kẻ cầm đầu đường dây (Ảnh: Sohu).

Vụ việc này là lời cảnh báo cho chúng ta về những lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão.

Mọi người cần cẩn trọng khi thiết lập bảo mật thanh toán. Khi phát hiện mạng điện thoại di động có dấu hiệu bất thường, tốt nhất nên bật chế độ máy bay hoặc tắt nguồn. Khi nhận được mã OTP lạ, hãy cẩn thận kiểm tra và báo cảnh sát ngay lập tức.

Bọn tội phạm thường lợi dụng lúc mọi người đang ngủ say để âm thầm rút tiền. Có thể bạn sẽ nói mình không có tiền, nhưng chúng vẫn có thể sử dụng thông tin cá nhân của bạn để vay tiền.

Vì vậy, điều này cũng là lời nhắc nhở người dùng và các ngân hàng, ứng dụng thanh toán tương lai cần tăng cường các biện pháp bảo mật, luôn cảnh giác, không để cho bọn tội phạm có cơ hội lợi dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại