Hình minh họa.
Nước Châu Á bất ngờ được Mỹ đề xuất viện trợ quân sự 500 triệu USD
Ít giờ trước, tờ Bloomberg dẫn "các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này" cho biết Mỹ đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự nước ngoài trị giá 500 triệu USD cho Ấn Độ.
Nếu thông tin nói trên được xác thực, New Delhi sẽ là một trong những nước nhận hỗ trợ quốc phòng lớn nhất từ Mỹ sau Israel và Ai Cập.
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực để lôi kéo Ấn Độ trở thành một "đối tác an ninh lâu dài".
Binh sĩ Ấn Độ trang bị súng trường tấn công SIG 716 ở Kashmir. New Delhi đã mua hàng chục nghìn vũ khí do Mỹ sản xuất này để trang bị cho binh lính tuyến đầu.
Theo một quan chức Mỹ, Washington được cho là đang nỗ lực làm việc với các quốc gia khác - bao gồm cả Pháp - để đảm bảo chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có trang thiết bị quốc phòng cần thiết.
Quan chức này cũng nhấn mạnh về nguyên nhân Mỹ quyết định hành động liên quan tới Nga: "Trong khi Ấn Độ đang đa dạng hóa nguồn cung các nền tảng quân sự của mình khỏi Nga - Mỹ muốn giúp điều đó xảy ra nhanh hơn".
Bloomberg cho biết phía Ấn Độ hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin này.
Theo dữ liệu của tổ chức SIPRI, các lực lượng vũ trang Ấn Độ có quân số lên tới 1,38 triệu người và là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (12,4 tỷ USD từ năm 2018 đến năm 2021) trong đó tổng giá trị nhập khẩu từ Nga chiếm 5,51 tỷ USD.
Lục quân Ấn Độ được trang bị súng trường tấn công AK và xe tăng do Nga sản xuất. Không quân của nước này vận hành các tiêm kích Sukhoi và trực thăng vận tải Mi-17 trong khi tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ trước đây là một phần của Hải quân Nga.
INS Vikramaditya chính là tàu sân bay Baku phục vụ trong Hải quân Liên Xô và sau đó là Hải quân Nga với tên gọi Đô đốc Gorshkov.
Ấn Độ nên vui hay buồn?
New Delhi từ lâu đã nói về việc đa dạng hóa các nhà cung cấp và thậm chí là chế tạo vũ khí trong nước cho quân đội khổng lồ của mình.
Họ cũng đã phân bổ khoảng 25,15 tỷ rupee (tương đương 324 triệu USD) cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất để vũ khí trong năm nay (2022) và đang đặt mục tiêu sản xuất 1/2 số trang thiết bị quốc phòng trong nước trong tương lai.
Tuy nhiên theo nhà phân tích quân sự Ấn Độ Brahma Chellaney, vũ khí do Nga sản xuất đã và đang phục vụ tốt trong Quân đội Ấn Độ và việc "chuyển đổi quốc phòng luôn là một quá trình chậm chạp và không thể chuyển đổi nhà cung cấp trong một sớm một chiều".
Theo bài viết được tờ The Hindu đăng tải hôm 18/5, Ấn Độ dự định triển khai trực chiến các tổ hợp hệ thống phòng không S-400 mà họ mới nhận từ Nga (tháng 12/2021) trước "các mối đe dọa từ Pakistan và Trung Quốc".
Trước đó vào ngày 23/4, Bloomberg dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman trong một cuộc phỏng vấn tại Washington cho biết New Delhi vẫn cần sự hỗ trợ của Nga để bảo vệ biên giới của mình.
Hệ thống phòng không S-400 được Ấn Độ kỳ vọng sẽ khắc chế các mối đe dọa trên không từ xa.
Theo phân tích của Bloomberg, thách thức lớn nhất hiện tại của Mỹ trong việc "phi vũ khí Nga hóa" ở Ấn Độ vẫn là làm thế nào để thay thế những nền tảng vũ khí chính như tiêm kích, tàu chiến và xe tăng.
Gói viện trợ quân sự trị giá nửa tỷ USD nói trên được cho là "không làm được gì nhiều" trong việc khiến New Delhi nhanh chóng thay đổi các nền tảng nói trên - những thứ có thể trị giá hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ USD nhưng có giá hợp lý hơn nhiều.
Tuy nhiên gói viện trợ được đánh giá là "một dấu hiệu hỗ trợ mang tính biểu tượng đáng kể" - có thể hiểu là một lời nhắc nhở trong bối cảnh thế giới hiện tại.
Được biết bên cạnh việc thúc giục các đối tác Nga đẩy nhanh tiến độ một số dự án quan trọng như S-400 và 600.000 súng trường tấn công AK-203, theo một quan chức chính phủ Ấn Độ giấu tên, họ "có các lựa chọn thay thế" trong trường hợp "gặp căng thẳng".
Cụ thể là New Delhi đang kiểm tra xem các quốc gia Đông Âu nào vận hành, sản xuất vũ khí và và có thể cung cấp phụ tùng và đạn dược tương tự như Quân đội Ấn Độ.
Các vị trí được cho là sẽ triển khai S-400 trên lãnh thổ Ấn Độ (Nguồn: Globalvillagespace.com).