Trung Quốc xác nhận ngày 18/11 rằng, tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này – Type 002 – vượt qua eo biển Đài Loan vào tối ngày 17/11, trước khi đi vào Biển Đông để tiến hành hoạt động “huấn luyện thường lệ và các cuộc thử nghiệm nghiên cứu khoa học”.
“Việc tổ chức các cuộc thử nghiệm và tập trận của tàu sân bay nội địa đi qua khu vực là một hoạt động bình thường trong quá trình phát triển tàu sân bay này. Nó không nhằm vào bất kỳ mục tiêu cụ thể nào và không liên quan gì đến tình hình hiện tại” - ông Trình Đức Vĩ, người phát ngôn Hải quân Trung Quốc, nói.
Phía Đài Loan cáo buộc động thái này của Bắc Kinh là nhằm đe dọa chính quyền Đài Bắc trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử chọn lãnh đạo của vùng lãnh thổ này vào tháng 1 năm tới.
Vừa kêu gọi Mỹ ngừng ‘khoe cơ bắp’,Trung Quốc đưa tàu sân bay vào Biển Đông. (Ảnh: AP)
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan, ông Ngô Chiêu Tiếp, ngày 17/11 viết trên Twitter rằng, Trung Quốc đang “có ý định can thiệp vào cuộc bầu cử của Đài Loan”, đồng thời khẳng định “cử tri sẽ không để bị đe dọa”.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết họ phái tàu chiến và máy bay theo dõi và giám sát chặt chẽ các hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc, trong khi đó các tàu Mỹ và Nhật Bản cũng bám đuôi chiếc tàu sân bay của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan.
Chuyên gia Eric Hundman tại trường Đại học NYU Thượng Hải nhận định, động thái trên của Trung Quốc là “sự tiếp nối những nỗ lực nhất quán của Bắc Kinh để gây áp lực cho Đài Bắc”.
“Phương án cho tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan chắc chắn là có chủ ý và có lẽ là một tín hiệu cho cả Đài Loan và Mỹ về khả năng hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc” - chuyên gia nói.
Đáng chú ý, động thái trên của Bắc Kinh diễn ra song song với cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Mỹ Mark Esper bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Bangkok, và mâu thuẫn với chính tuyên bố của Bắc Kinh tại cuộc gặp này.
Cụ thể, trong cuộc gặp kín với ông Esper ngày 18/11, Trung Quốc kêu gọi quân đội Mỹ “ngừng khoe cơ bắp ở Biển Đông” và “tránh tạo thêm bất ổn mới đối với vấn đề Đài Loan”. Tuy nhiên, giờ đây, có vẻ như bản thân Bắc Kinh mới là bên “khoe cơ bắp” ở Biển Đông và làm phức tạp tình hình tại eo biển Đài Loan.
Phát biểu trên cũng đến chỉ 1 ngày sau khi ông Esper công khai cáo buộc Bắc Kinh “ngày càng sử dụng thường xuyên hơn các biện pháp cưỡng ép và đe dọa nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của mình” tại khu vực.