Nếu còn sống, "quái thú đại dương" Megalodon chắc chắn là sinh vật sở hữu cú cắn hủy diệt nhất Trái Đất, với lực cắn đo được kỷ lục là 40.000 PSI. Bỏ xa lực cắn của cá mập trắng (4.100 PSI), hay khủng long bạo chúa T-Rex (12.800 PSI).
Quay về thời hiện đại, vậy đâu là loài động vật có cú cắn mạnh nhất hành tinh? Hãy cùng theo dõi danh sách 20 loài động vật (còn sống) sở hữu lực cắn mạnh nhất Trái Đất của Imgur.
Giải thích về đơn vị PSI: Là đơn vị đo áp suất theo tiêu chuẩn của Bắc Mỹ. PSI tiết tắt của từ Pound per Square Inch hay Pound/Inch2). Hiểu đơn giản, PSI là trọng lượng (đơn vị: Pound) trên đơn vị diện tích (đơn vị: Inch); Trong đó: 1 Pound = 0,45359237 Kg và 1 Inch = 2,54 cm; 1 PSI tương đương 0,0704 Kg/cm2.
20. Báo sư tử
PSI: 350
Phân bố: Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ
Hàm cơ bắp và răng nanh dài của chúng được điều chỉnh để cắt thịt và gân. Chúng có thể nghiền nát sọ và xương sống của những con mồi lớn như sói và ngựa.
19. Sói xám
PSI: 406
Phân bố: Châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ
Răng của chúng nặng và to, phù hợp với việc nghiền xương. Với lực này, loài chó sói xám có thể nghiền nát xương các loài động vật khác chỉ với một vài vết cắn.
18. Chó ngao (chó nhà)
PSI: 556
Phân bố: Nhiều nơi trên thế giới
Đây là giống chó lớn nhất thế giới về cân nặng (con đực trưởng thành có thể nặng đến 113kg). Lực cắn của chó ngao bỏ xa một số loài chó khác như Rottweiler (PSI: 328); Chó chăn cừu Đức (PSI: 238); Chó sục Pit Bull Mỹ (PSI: 235).
17. Cá mập trắng
PSI: 669
Phân bố: Các đại dương trên thế giới
Cá mập trắng sớ hữu cú cắn mạnh nhất trong thế giới loài cá. Không chỉ sở hữu cú căn hủy diệt, loài này còn mang đến "cái chết trắng" từ những chiếc răng to, nhọn hoắt và sắc bén. Người ta ví, răng chúng cắn con mồi giống như con dao sắc cắt quả bơ.
16. Sư tử châu Phi
PSI: 691
Phân bố: Châu Phi
Sư tử có cú cắn yếu nhất trong số loài mèo lớn tính cho đến nay. Chúng có hàm răng sắc nhọn, tuy nhiên con mồi thường bị giết bằng cách siết cổ, chết vì bị thiếu oxy.
15. Báo đốm
PSI: 700
Phân bố: Châu Mỹ
Báo đốm có cú cắn mạnh nhất so với kích thước trong các loài họ nhà mèo. Hàm răng sắc nhọn cộng với lực cắn mạnh giúp chúng có thể đâm vào hộp sọ, xuyên vào não con mồi. Ngay cả mai rùa chúng cũng có thể cắn xuyên qua.
14. Gấu nâu
PSI: 850
Phân bố: Châu Á, châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ
Gấu nâu là loài ăn tạp, chúng có hàm răng rất chắc khỏe, răng cửa tương đối lớn và răng nanh lớn. Không giống như hầu hết các động vật theo thứ tự ăn thịt, răng của chúng thích nghi với chế độ ăn thực vật (chiếm tới 75% năng lượng từ thức ăn của chúng). Còn lại, chúng ăn cá, động vật có vú...
13. Gấu Kodiak
PSI: 930
Phân bố: Tây nam bang Alaska, Mỹ
Tương tự như gấu nâu, gấu Kodiak có răng to và khỏe nhưng loài này lại thích nghi với chế độ ăn thực vật.
12. Hổ Siberia
PSI: 950
Phân bố: Viễn Đông Nga
Chúng không chỉ có bộ hàm rất khỏe mà còn có hàm răng rất sắc, khi săn con mồi rất lớn, hổ thích cắn cổ họng cho đến khi con mồi chết thì thôi. Hổ Siberia có cú cắn mạnh nhất trong số những loài mèo lớn.
11. Rùa cá sấu
PSI: 1004
Phân bố: Bắc Mỹ
Rùa cá sấu có cú cắn mạnh nhất trong số các động vật không có răng. Mặc dù không có răng, bộ hàm mạnh mẽ của chúng có thể dễ dàng cắt cụt ngón tay người.
Top 10 loài động vật có cú cắn hủy diệt nhất hành tinh
10. Hổ Bengal
PSI: 1050
Phân bố: Một số nước châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Myanma và miền nam Tây Tạng
Cá thể hổ Bengal nặng nhất từng cân được là 388,7 kg. Chúng có hàm răng đặc biệt dài. Răng nanh dài 7,5 đến 10 cm, được xem là loài có răng dài nhất trong số tất cả các loài thú họ mèo.
9. Linh cẩu đốm/sọc
PSI: 1100
Phân bố: Châu Phi Hạ-Sahara, trừ lưu vực sông Congo
Nhờ có lực cắn mạnh cộng hàm răng sắc nhọn, linh cẩu đốm chuyên dùng bộ nhá của mình để nghiền nát và tiêu hóa xương lớn. Cũng chính vì thế, sữa của loài này là một trong những loại chứa lượng canxi phong phú nhất trong tất cả các loài săn mồi trên cạn.
8. Gấu trắng Bắc cực
PSI: 1235
Phân bố: Bắc Băng Dương
Gấu Bắc cực được phân loại là một loài dễ bị tuyệt chủng, với 8 trong số 19 quần thể gấu Bắc cực đang bị suy giảm. Loài này săn thức ăn ưa thích của chúng là hải cẩu từ rìa băng biển.
7. Gấu xám Bắc Mỹ
PSI: 1250
Phân bố: Miền Tây Bắc Mỹ
Đây cũng là loài ăn tạp, cả thực vật và động vật. Ngoại trừ khoảng thời gian ở cùng với đàn con, gấu xám Bắc Mỹ thường sống đơn độc, thường chọn các vùng ven biển, cạnh suối, hồ, sông, ao, trong những khu vực có cá hồi đẻ trứng... để sinh sống.
6. Cá mập bò
PSI: 1250
Phân bố: Ven biển ở hầu khắp đại dương thế giới
Đây là loài có thể sống cả trong nước biển và nước ngọt và có thể sống trong sông sâu ở đất liền. Thức ăn của chúng là các loài cá mập khác, động vật giáp xác, động vật da gai và cá đuối gai độc...
5. Khỉ đột lưng bạc
PSI: 1300
Phân bố: Châu Phi
Răng của chúng to và không sắc, nhưng chúng có cơ cổ và hàm rất khỏe. Khỉ đột bạc là động vật ăn cỏ chính, hàm của chúng thích nghi để nhai và tiêu hóa những cây cứng như tre, trúc, vỏ cây...
4. Hà mã
PSI: 1821
Phân bố: Tây Phi
Mặc dù chúng là động vật ăn cỏ, chúng có cú cắn mạnh nhất (nhờ cơ hàm cực khỏe) trong số tất cả các loài động vật có vú.
3. Cá sấu mõm ngắn Mỹ
PSI: 2125
Phân bố: Đông Nam Mỹ
Vì cá sấu kiếm ăn bằng cách ngoạm và giữ con mồi, nên chúng đã tiến hóa những chiếc răng sắc nhọn để xé và giữ chặt thịt. Với cơ hàm rất mạnh, chúng có thể đóng hàm và giữ con mồi chết trong im lặng.
Con cá sấu mõm ngắn Mỹ lớn kỷ lục được bắt ở bang Louisiana đầu thập niên 1900: Dài gần 6m và nặng 1 tấn.
2. Cá sấu sông Nile
PSI: 5000
Phân bố: Sa mạc Sahara, Đảo Madagascar
Cá sấu sông Nile là loài cá sấu châu Phi lớn nhất và là động vật ăn thịt thượng hạng trong khu vực sinh sống. Mỗi lần đi săn, chúng có thể ăn một khối lượng thức ăn bằng một nửa khối lượng cơ thể chúng.
1. Cá sấu nước mặn
PSI: 7700
Phân bố: Từ bờ đông Ấn Độ, hầu hết Đông Nam Á và phía Bắc Australia
"Quái vật đầm lầy" này có thể nặng đến hơn 1 tấn. Chúng sở hữu một bộ hàm khỏe với 64-68 răng. Với PSI lên đến 7700, cá sấu nước mặn và "vua" sở hữu cú cắn mạnh nhất hành tinh. Cú cắn của chúng có thể được xem như phát cắn nhẹ của loài khủng long bạo chúa T-Rex.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic, Imgur.com