Mỹ đang ngỏ ý muốn đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay lại với F-35.
Dịu giọng
Giữa lúc căng thẳng gia tăng, Mỹ dường như đang tìm cách cải thiện mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp việc Ankara vẫn quyết tâm giữ vững lập trường ở Syria cũng như có một đường lối độc lập về mua sắm thiết bị quân sự, giới phân tích nhận định.
Mới đây, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã lên tiếng bày tỏ hy vọng sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình sản xuất tiêm kích tàng hình F-35. Động thái này được cho là khá bất ngờ khi Washington vừa loại Ankara khỏi chương trình phát triển mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, đồng thời còn sẵn sàng đe dọa trừng phạt.
"Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể thiết lập nhiều mối quan hệ chiến lược hơn nữa với Thổ Nhĩ Kỳ, cố gắng đưa họ trở lại chương trình F-35. Có thể chúng tôi sẽ nói về chương trình thương mại tự do", ông Graham nói.
Chính khách Mỹ lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "một đồng minh rất quan trọng, không chỉ riêng về vấn đề Syria, mà còn đối với toàn bộ khu vực".
Đồng thời, Đại sứ Mỹ tại Ankara David Satterfield tuyên bố Mỹ có kế hoạch đệ trình đề xuất giảm thuế quan đối với nhôm và thép đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này có thể làm tăng giá trị thương mại giữa hai nước lên 100 tỷ USD.
Trước những động thái mới đầy tích cực từ phía Washington sau khi tranh cãi về thương vụ S-400 chưa được giải quyết, Trung tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã nghỉ hưu Erdogan Karakus và nhà phân tích chính trị Ceyhun Bozkurt đã giải thích về bước đi "đảo ngược" này.
Theo tướng Karakus, lý do khiến Washington bất ngờ muốn đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình F-35 là vì Mỹ lo ngại cuối cùng sẽ mất một đồng minh chiến lược quan trọng như Ankara.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện quyết tâm vững chắc về vấn đề tạo ra khu an toàn (ngăn cách người Kurd) ở các vùng lãnh thổ phía Đông Euphrates (Syria). Hơn nữa, người Mỹ nhận thức rõ việc mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm lộ bí mật trên F-35. Do đó, họ đã thực hiện bước đi này để giải tỏa căng thẳng trong mối quan hệ với Ankara", tướng Karakus giải thích
"Đang có sự quan tâm ở một mức độ nào đó. Mỹ muốn đưa thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ lên mức 100 tỷ USD. Hơn nữa, Mỹ không muốn mất hoàn toàn một đồng minh chiến lược quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì vấn đề F-35. Bằng cách bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ chương trình F-35 và bán hệ thống Patriot, Washington hy vọng sẽ giữ Ankara trong một khuôn khổ nhất định liên quan đến các hành động tiếp theo ở Syria".
Vớt vát lợi ích
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm với lập trường ở Syria.
Chỉ ra mong muốn của Mỹ trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ vì lợi ích ở Trung Đông, tướng Karakus kết luận: "Vì Mỹ đã thất bại trong việc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về các hoạt động liên quan đến người Kurd ở khu vực phía Đông Euphrates, họ đang cố gắng làm điều tốt nhất có thể".
Nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Ceyhun Bozkurt cũng tin rằng những hành động như vậy của Mỹ có liên quan đến ý định ngăn chặn các bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria.
Tuy nhiên, ông cho rằng, ngay cả khi mối quan hệ có thể ấm lên giữa Ankara và Washington, điều đó cũng sẽ không thể thay đổi lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các vùng lãnh thổ phía Đông Euphrates và quan điểm về khu an toàn.
"Nếu nhìn vào tổng thể bức tranh, Mỹ đang ngày càng để vuột mất Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò đồng minh. Họ đang ngày càng rời xa Mỹ và đang tiến gần hơn đến Nga, cũng như chuyển hướng sang châu Á. Cái giá của việc mất hoàn toàn một đồng minh địa chiến lược quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Á-Âu là vô cùng đắt đối với Mỹ", nhà phân tích Bozkurt nhận định.
"Trong trường hợp này, cán cân quyền lực sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho châu Á. Do đó, Mỹ buộc phải lùi lại để ngăn chặn một kịch bản như vậy", chuyên gia này nói thêm.
Xác định tâm điểm của tình hình hiện tại, nhà phân tích Bozkurt tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cách tiếp cận cân bằng trong mọi trường hợp: "Điểm quan trọng là ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quan hệ với Mỹ trong bối cảnh này, họ sẽ không làm hỏng quan hệ với các nước Á-Âu mà sẽ tiếp tục chính sách duy trì cân bằng dựa trên kinh nghiệm của mình".
Sự nhún nhường của Mỹ sẽ không thay đổi lập trường của Ankara đối với các vùng lãnh thổ phía Đông Euphrates cũng như về vùng an toàn ngăn cách người Kurd. Và Washington cũng nhận thức được quyết tâm này từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, ông kết luận.