Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group.
“Với công ty tư nhân, câu hỏi được đặt ra là lấy đâu ra vốn để kinh doanh. Để làm nông sản, chúng ta phải có hàng trăm triệu USD. Tôi có thể chia sẻ mình đã huy động vốn như thế nào ”, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group Phan Minh Thông phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Đổi mới sáng tạo 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, NIC, BambuUP và Global PR Hub đồng tổ chức.
“ 18 năm dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp với sản phẩm hạt tiêu và cà phê, chúng tôi đã xuất khẩu đến 102 nước, cũng là công ty đi đầu về phát triển bền vững từ 13 năm trước. Tại sao Phúc Sinh có tiền để làm những việc này?
Câu trả lời là 17 năm chúng tôi đã làm kiểm toán của Big4 (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới). Luôn luôn có câu hỏi về con gà và quả trứng. Nhưng nếu các bạn không minh bạch, không một ai dám rót tiền cho các bạn. Chúng tôi đã liên tục làm với các công ty lớn như E&Y, KPMG, PwC ”, ông Phan Minh Thông đúc rút bí quyết.
Ngoài ra, doanh nhân được mệnh danh là “vua hồ tiêu” còn cho biết Phúc Sinh đã vận hành theo ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) ngay từ năm 2006, khi công ty còn rất trẻ.
Hệ thống này giúp số hóa quá trình hoạt động sản xuất, từ việc thu thập dữ liệu, tối ưu hóa kế hoạch và lịch trình, đến bảo đảm chất lượng sản xuất và thông tin minh bạch cho quản lý điều hành, đồng thời cung cấp báo cáo, dự báo khoa học và thông minh.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Đổi mới sáng tạo 2023.
Bên cạnh việc hoạt động minh bạch, ông Thông chỉ ra rằng các nhà đầu tư hiện nay sẽ chỉ rót vốn cho những doanh nghiệp thực hiện ESG (nhóm tiêu chí về phát triển bền vững gồm Môi trường – Xã hội – Quản trị Doanh nghiệp). Trong khi đó, Chủ tịch Phúc Sinh khẳng định doanh nghiệp của ông là một trong những công ty tiên phong ở Việt Nam về ESG.
Mới đây, Phúc Sinh đã khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara (vỏ cà phê) đầu tiên ở Việt Nam, nằm bên trong nhà máy có diện tích 4 ha với tổng đầu tư 100 tỷ đồng tại Sơn La. Công suất là 1 tấn trà thành phẩm/ngày. Hiện Phúc Sinh đang xuất khẩu 99% sản lượng trà Cascara của mình đến những nước rất ưa chuộng thức uống này như Ý, Pháp và các nước châu Âu khác.
“ Vỏ cà phê thường bị bỏ đi, gây ảnh hưởng tới môi trường, lãng phí và thực sự đau đầu cho các nhà quản lý. Chúng tôi xây nhà máy Cascara để chế biến vỏ cà phê thành trà.
Cascara thực ra rất nổi tiếng ở Nam Mỹ. Chúng tôi nhận thấy rằng nếu có thể sản xuất trà Cascara thì thật tuyệt vời. Tuy nhiên, công đoạn này khó khăn vô cùng. Chúng tôi phải nhờ các đối tác tư vấn và dùng máy móc của họ để biến điều này thành hiện thực.
Các bạn biết không, nếu cà phê chúng tôi bán 800.000 đồng/kg, thì Cascara ở các cửa hàng trên mạng bán 1,5 triệu đồng/kg ”, ông Thông trình bày.
Nhà máy sản xuất trà Cascara đầu tiên ở Việt Nam của Phúc Sinh được đặt tại Sơn La.
Mặc dù là doanh nghiệp đầu ngành gần 20 năm qua, ông Thông chỉ ra rằng Phúc Sinh mạnh về xuất khẩu, trong khi họ muốn phục vụ tốt hơn cho thị trường nội địa.
“ Với một công ty mạnh về xuất khẩu, chúng tôi luôn có câu hỏi là làm thế nào để tiếp tục phát triển hơn nữa, cung cấp được những sản phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam tốt hơn nữa ”, Chủ tịch Phúc Sinh nêu trăn trở.