Câu chuyện thứ nhất: Niềm vui không đúng lúc
Một lần, B đến tìm A để bàn chuyện hợp tác nhưng mới nói chuyện được mười mấy phút, B đột nhiên nói: "Tôi hết giờ làm việc rồi, hẹn anh gặp anh ngày mai nói chuyện tiếp nhé."
A giật mình xem đồng hồ, thì ra đã 6 giờ tối.
B tỏ vẻ tinh nghịch không biết là để chữa thẹn cho đối phương hay không thể kìm được niềm vui khi hết giờ làm việc.
Sau đó, khi B lại đến tìm A thì anh ta đã khéo léo từ chối hợp tác.
Suy ngẫm
Không phải A nhiều chuyện hay khó chiều mà là với thái độ làm việc của B như vậy, nếu hợp tác, A không thể yên tâm rằng B sẽ làm tốt công việc.
Một người phụ trách khai thác mở rộng thị trường lại dừng bàn chuyện với khách hàng mục tiêu chỉ vì đã hết giờ làm việc.
Điều này thật khiến người ta ngạc nhiên.
Cảm giác này giống như bạn chạy đến trung tâm nhà đất để mua nhà, người tiếp đón bạn nói, tôi hết giờ làm rồi, mai anh lại đến nhé.
Còn một khả năng nữa, A không phải khách hàng mục tiêu quan trọng.
Nhưng dù là lý do gì, A cho rằng thái độ làm việc như vậy có vấn đề, rõ ràng không đủ tận tâm, bản thân cũng khó mà có được sự đột phá.
Thái độ với công việc luôn quyết định tầm vóc của con người, tầm rộng của cuộc sống, tầm cao của sự nhiệp. Nếu bạn muốn có được nhiều hơn thì hãy tận tụy hết lòng.
Không ít người luôn than thở lương không tăng nhưng lại rất ít khi suy ngẫm xem tại sao lương của mình không tăng, tại sao người khác có thể chạy nhanh như thế?
Đây chính là vấn đề.
Đành rằng trên thế giới này thực sự có rất nhiều điều bất công, cũng có không ít ông chủ nhân phẩm xấu xa. Đó đều là những vấn đề khách quan.
Nhưng tuyệt đại đa số, mức lương của một người, tầm cao của sự nghiệp vẫn do năng lực, giá trị, thái độ, độ trung thành của bản thân quyết định.
Muốn nhận lương cao, muốn đứng ở vị trí cao hơn, muốn có được nhiều hơn thì bạn bắt buộc phải hy sinh nhiều hơn.
Hầu như không có ai có thể nhảy ra khỏi quy tắc này.
Câu chuyện thứ 2: Vì bạn xứng đáng
A từng là người được tăng lương nhanh nhất trong công ty, cũng là nhân viên được sếp khá ưu ái.
Lý do ở 6 chữ: thái độ tốt, năng lực tốt.
Đến giờ A vẫn nhớ cảnh lần đầu giao bản thảo. Sếp đọc xong đã nói rằng văn phong của anh không phù hợp với yêu cầu của công ty.
Hôm đó, sau khi tan làm, A gần như không ngủ cả đêm chỉ để làm 2 việc:
Việc thứ nhất, đọc lần lượt các bài viết của đồng nghiệp trong công ty, nghiên cứu phong cách và kết cấu hành văn.
Việc thứ 2, không thay đổi đề tài, viết lại bản thảo hồi sáng theo phong cách khác ngay trong đêm.
Khi làm xong mọi việc, cửa sổ phòng anh cũng hửng sáng.
Đến công ty, A đưa bản thảo mới cho sếp xem. Ông đã rất kinh ngạc vì có sự tiến bộ lớn như vậy chỉ trong 1 đêm. A có cảm giác lúc đó, ông ấy có thể nghi ngờ liệu có phải mình nhờ người giúp không?
Từ đó về sau, A viết bảo thảo ngày càng tốt hơn, được sếp đánh giá cao. Một tháng sau, lương cơ bản của A tăng lên mấy trăm tệ.
Trong mấy năm làm việc, A không hề đến muộn một lần, cũng chưa từng xin nghỉ phép. Dù lúc nào cần tăng ca, A đều gọi tới là tới, cuối tuần cũng không ngoại lệ.
Khi chạy dự án, anh đều tự giác ở lại làm thêm giờ. Ngoài giờ làm việc, anh tự học một vài phần mềm ứng dụng để phối hợp mở rộng lĩnh vực kinh doanh mới của công ty.
A không phải là một người thông minh kiệt xuất, nhưng là một người rất biết cố gắng, là một nhân viên có thái độ nghiêm túc.
Vì vậy, A cũng đạt được rất nhiều thứ: trưởng thành nhanh, lương tăng nhanh, thăng chức nhanh.
Một lần nữa, câu chuyện cho chúng ta thấy, thái độ không chỉ quyết định độ cao, mà thậm chí còn quyết định tất cả.
Mối quan hệ giữa người với người cần xuất phát từ trái tim, cần tận tụy hết lòng. Công việc cũng như vậy. Bạn thật sự coi trọng công việc, làm việc bằng cả trái tim, công việc mới coi trọng bạn, cho bạn nhiều thứ hơn.
Đây chính là đạo lý đơn giản nhất, sâu sắc nhất.
Làm việc mình thích, thích việc mình làm
Tình trạng hiện tại của rất nhiều người đang đi làm là ghét việc mình đang làm nhưng vì các loại lý do mà phải làm công việc này, bất lực và đau khổ.
Chính vì tâm trạng đó nên thái độ làm việc của họ là làm lấy lệ, giao thì mới làm, không hề có tính năng động chủ quan, lại thường xuyên oán thán.
Càng như vậy thì càng không nhảy ra khỏi vòng tròn này được và nó hình thành mâu thuẫn ác tính.
Ông vua dầu mỏ Rockefeller của Mỹ từng viết thư cho con trai thế này:
"Nếu con coi công việc là niềm vui, cuộc sống chính là thiên đường. Nếu con coi công việc là nghĩa vụ, cuộc sống chính là địa ngục."
Đối với công việc, tâm trạng khác nhau, thái độ khác nhau sẽ cho 2 kết quả hoàn toàn khác nhau.
Dù là vì kế sinh nhai cũng tốt, là vì khẳng định giá trị của bản thân cũng được. Tóm lại, dù vì lý do gì, với phần lớn mọi người, đời này chúng ta không thể xa rời công việc.
Nếu đã như vậy, chúng ta cần điều chỉnh thái độ làm việc. Nếu mỗi ngày đều làm việc với tâm trạng chán chường, lúc làm việc sẽ vô cùng đau khổ, cuộc sống của người như vậy có phải rất tồi tệ, thậm chí có phần đáng thương không?
Đây cũng là lý do tại sao nói "công việc là một cuộc tu hành".
Đôi điều chia sẻ về công việc và thái độ làm việc
Làm việc mình thích
Khi lựa chọn công việc, hãy cố gắng chọn làm việc mình thích. Đây là một điểm rất quan trọng.
Khi bản thân thật sự thích, cảm thấy hứng thú thì bạn mới chủ động và nhiệt tình dồn tâm sức, làm việc hết mình. Hơn nữa, bạn sẽ có thể làm việc tốt, xuất sắc, tạo nên thành tựu.
Con người sống ở trên đời có thể luôn làm việc mình thích chính là một điều hạnh phúc.
Thích việc mình làm
Phải thừa nhận rằng, có lúc dù là làm việc mình thích nhưng lâu ngày, độ nhiệt tình giảm xuống, cũng khó tránh khỏi lúc chán nản. Ngoài ra, rất nhiều người còn không may mắn được làm việc mình thích.
Thế nên lúc này phải xem sự "tu hành" của mỗi người.
Tu hành chính là dù bạn không chịu nổi người hay việc gì vẫn ép bản thân dần tiếp nhận, thích, làm cho mình trở nên tốt hơn, lớn mạnh hơn, vui vẻ hơn.
Rất nhiều lúc, bạn tu đến độ rồi, thái độ đã tốt, độ cao cũng đến, rất nhiều thứ cũng sẽ tới theo.
Nơi làm việc như vậy, cuộc sống như vậy, cuộc đời cũng như vậy.
Sống hết lòng, làm việc hết mình, không làm lấy lệ, không làm qua loa. Đây chính là một cuộc sống tốt đẹp.