Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 với kết quả doanh thu 13.268 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.753 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu ACV tăng trưởng 30% nhưng lợi nhuận giảm 33%.
Lợi nhuận ACV sụt giảm xuất phát từ hoạt động tài chính. Năm 2014, công ty có lãi tỷ giá 1.482 tỷ đồng thì sang năm 2015 khoản lãi lỗ tỷ giá chuyển sang âm 666 tỷ đồng.
Tuy lợi nhuận giảm nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi của ACV vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, doanh thu dịch vụ tăng trưởng 30% lên trên 10.300 tỷ đồng.
Đây là khoản doanh thu chính của ACV và bao gồm nhiều loại hình dịch vụ khác nhau, như doanh thu hạ cánh cất cánh, doanh thu soi chiếu an ninh hành khách và hàng hoá, doanh thu cho thuê quầy làm thủ tục hành khách, cho thuê mặt bằng, nhượng quyền, quảng cáo...
Chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong cơ cấu doanh thu của ACV là doanh thu bán hàng, tăng trưởng 15% lên 2.600 tỷ đồng.
Đây là khoản thu bán hàng tại Trung tâm thương mại và bán hàng miễn thuế tại các cửa hàng miễn thuế tại sân bay Nội Bài, sân bay Đà nẵng, sân bay Tân Sơn Nhất.
Các mặt hàng miễn thuế là các sản phẩm mang thương hiệu hàng đầu thế giới, được nhập khẩu và miễn thuế nhập khẩu, miến thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn thuế giá trị gia tăng.
Tại sân bay Nội Bài, các mặt hàng miễn thuế được bán đều là các sản phẩm mang thương hiệu hàng đầu thế giới, như nước hoa mỹ phẩm: Chanel, Dio, Armany, Kenzo, Moschino, Lacoste...; Rượu: Cognac, Whisky, Vodka, Gin, Rum, Remy Martin, Hennessy, Camus, Chivas, Johnnie Walker...; Thời trang: Coach, Guess, Gucci, Hilfiger, Tommy...
Các mặt hàng miễn thuế tại sân bay Nội bài
Được biết, người đứng sau nhiều thương hiệu xa xỉ nói trên chính là ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Ông là người bắt đầu kinh doanh hàng hiệu chính từ một cửa hàng miễn thuế ở sân bay, "phần thưởng" cho đóng góp của ông trong việc mở đường bay TPHCM - Manila năm 1985, khi Việt Nam còn chưa mở cửa.
Dù cửa hàng này không đem lại cho ông lợi nhuận, bởi các chuyến bay còn quá ít, nhưng nó lại giúp ông mở rộng mối quan hệ với các thương hiệu hàng đầu thế giới và là cơ sở cho những thành công sau này.
Ngoài cửa hàng miễn thuế tại các sân bay Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn có các cửa hàng miễn thuế tại 4 quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài việc kinh doanh hàng hoá xa xỉ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn đang sở hữu 4 thương hiệu gồm Burger King, Dominos Pizza, Dunkin' Donuts, Popeyes Chicken. Toàn bộ các thương hiệu này đều đã có mặt tại các sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất...
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng cho biết, ông đã hợp tác với Autogrill, đơn vị đang chiếm lĩnh mảng kinh doanh dịch vụ hàng tiêu dùng nhanh tại các sân bay.
Đồ ăn nhanh Popeyes tại sân bay