Mới đây, Bánh mỳ Minh Nhật đã lần đầu tiên thực hiện một TVC quảng cáo viral với tựa đề "Nếu một ngày anh chán em". TVC lấy chủ đề là câu chuyện được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là chị em phụ nữ: Nếu chồng phản bội, thì tha thứ hay buông tay?
Phim ngắn của "Vua đầu bếp" Minh Nhật đã ngay lập tức tạo sự chú ý. Chỉ sau 3 ngày ra mắt, video đã đạt hơn 15 triệu view và 500 nghìn lượt tương tác (thích, chia sẻ, bình luận). Minh Nhật cho biết, trong nhiều năm tới chiến dịch này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo đánh giá của nhiều người, phim ngắn của Minh Nhật có sức lan tỏa do làm về vấn đề được xã hội quan tâm, là hiện tượng ngoại tình, "chán cơm thèm phở". Đặc biệt, video làm rất tốt việc tạo ra tranh luận: người vợ nên tha thứ hay buông tay khi chồng ngoại tình.
Tuy nhiên, những người xem chưa chắc đã cảm thấy thích, chưa chắc đã nhận ra thông điệp của sản phẩm bánh mỳ. Nhiều bình luận cho rằng, ấn tượng về bánh mỳ Minh Nhật sau khi xem phim ngắn là khá mờ nhạt và người xem sẽ chủ yếu bàn về câu chuyện ngoại tình.
Và những ai hiểu về marketing đều biết rằng, một video thành công về mặt viral, chưa chắc sẽ đem lại khác biệt về doanh thu cho bánh mỳ Minh Nhật.
Ngoài ra, đối tượng mục tiêu của bánh mỳ Minh Nhật qua phim ngắn này cũng không thực sự rõ ràng. "Target audience" - khách hàng mục tiêu mà Minh Nhật đang hướng đến là ai? Những người phụ nữ quá bận bịu với công việc và mua bánh mỳ về cho gia đình, hay những ông chồng thích đồ ăn nhanh, hay nhóm học sinh, sinh viên mua bánh mỳ làm quà tặng nhau?
Một ý kiến khác cho rằng, xem xong TVC, người xem bàn luận rất nhiều về chủ đề "Ngoại tình"- là vấn đề xã hội nhức nhối ở Việt Nam và là chủ đề xuyên suốt cho clip.
Vậy brand (thương hiệu - Bánh mì Minh Nhật) có phải yếu tố giải quyết được việc này, "cái bánh mì" đã khiến người chồng quay về gia đình hay bảo vệ cho phụ nữ? Có lẽ đó là cái áo quá to mà chúng ta gán cho sản phẩm. Sự liên kết giữa sản phẩm và thông điệp rất yếu kể cả mặt công năng lẫn cảm xúc.
Điểm sáng lớn nhất được nhiều người nhắc đến qua video là câu nói "Muốn thay đổi thế giới, phải no bụng cái đã". Có lẽ Bánh mì Minh Nhật nên suy nghĩ về việc tiếp tục phát triển các chiến dịch tiếp theo qua thông điệp này.
Về phía Minh Nhật, "Vua đầu bếp" cho rằng, trước chiến dịch này, Bánh mỳ Minh Nhật chưa thể hiện được tính cách sản phẩm, việc quảng cáo vẫn đơn thuần chỉ trên facebook và chưa tạo được giá trị lõi nên khi lần đầu tiên làm quảng cáo, mọi người chưa nhận ra được tính cách sản phẩm một cách rõ ràng.
Minh Nhật cho biết, chiến dịch lần này nhằm nhấn mạnh vào giá trị "hơn cả một bữa ăn, đó là sự quan tâm". Sự quan tâm ở đây là việc chăm chút chất lượng sản phẩm mang tới khách hàng và mong muốn trở thành cầu nối cho khách hàng thể hiện sự quant âm với nhau thông qua từng bữa ăn.
Minh Nhật cũng chia sẻ, chiến dịch viral năm nay bắt đầu bằng chuyện gia đình, là những người gần nhau nhất. Trong các năm sau, đối tượng sẽ được mở rộng, sang đồng nghiệp, bạn bè và xa hơn là cả cộng đồng. Minh Nhật khẳng định, đây sẽ là chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.
"Campaign lần này, trên hết em mong muốn truyền đi một thông điệp nhẹ nhàng và nhân văn hơn, thể hiện tính cách của brand cũng như nói lên tính cách của cá nhân em nữa. Hướng tới những giá trị con người, sự hạnh phúc, nhân văn chứ không ồn ào và xô bồ như mọi người từng biết", Minh Nhật khẳng định.