" Hóa đơn tiền điện 7,5 triệu ", " 3/3 rồi vẫn chưa có được nộp tiền điện, sốt ruột quá ", " Ai cho em vay tiền em đóng tiền điện được không ạ. Chứ nghỉ Tết ra nhìn hóa đơn điện 3 cửa hàng mà em xỉu ngang xỉu dọc "...
Đó là những comment trong vô số comment của người dân Hà Nội về hóa đơn điện trong những ngày gần đây. Dù EVN Hà Nội đã lên tiếng giải thích hóa đơn điện tăng cao là do số ngày tính tiền điện của đợt này tăng từ 30 ngày lên thành 57 ngày nhưng nhiều người dân vẫn tỏ ra "ấm ức" vì khoản chi quá lớn ngay sau dịp nghỉ Tết khiến họ không kịp xoay xở.
" Vừa chóng mặt vì chi tiêu cho Tết Nguyên đán chưa kịp hoàn hồn nay đã phải lo vài triệu đồng cho tiền điện, thật là mối lo lớn. Gia đình tôi chưa nhận được hóa đơn nhưng nghe đồn tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba bình thường nên tôi đã phải chuẩn bị tâm lý từ trước. Tôi đã phải dừng lại một số khoản chi không quá cần thiết, để dành nộp tiền điện ", anh Mạnh Hùng (quận Hai Bà Trưng) nói.
Trong khi đó, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (chung cư Linh Đàm, quận Hoàng Mai) nhận được hóa đơn điện với số tiền lên đến gần 4,8 triệu đồng. “Trong khoản chi sau Tết Nguyên đán, tôi đã để sẵn khoảng hơn 2 triệu đồng để trả tiền điện. Nay số tiền vượt gấp hơn 2 lần khiến kế hoạch chi tiêu của gia đình tôi bị đảo lộn, vì nguồn tài chính đã cạn sau dịp Tết", chị Hoa nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Phương (Tân Triều, huyện Thanh Trì) cũng cho biết bình thường gia đình chị chỉ đóng tiền điện khoảng 900.000 đồng/tháng, song đợt ghi chỉ số công tơ điện cuối tháng 2 vừa qua, chị phải nộp số tiền lên đến 2,5 triệu đồng.
“Số tiền phát sinh này khiến tôi phải cân đối chi tiêu. Dù biết là chính sách mới và số tiền phải đóng thực ra không vượt quá 2 tháng nhưng điều đáng nói là nhiều người cũng như tôi trở tay không kịp”, chị Phương nói.
Còn chị Mai Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại không đồng tình với việc ngành điện thay đổi cách tính hóa đơn vào đúng kỳ nghỉ Tết. Chị Hoa nói: " Thời điểm Tết Nguyên đán, người dân có quá nhiều mối lo, không thể theo kịp những thông báo của EVN. Hơn nữa, đó cũng là thời gian nhạy cảm, người dân phải chi tiêu rất nhiều. Nếu ngành điện lùi thời gian thực hiện vào thời điểm khác và giải thích rõ ràng với người dân trước khi thực hiện thì sẽ hợp lý hơn và cũng giúp người dân chuẩn bị tâm lý cũng như nguồn tài chính tốt hơn ".
Chị Hoa cũng nhấn mạnh, ngành điện phải tuyên truyền tốt hơn nữa về những chính sách mới. " Khi mà phần lớn người tiêu dùng - chính là khách hàng của EVN - vẫn còn mù mờ về việc này thì tức là ngành điện tuyên truyền chưa tốt ", chị Hoa nêu quan điểm.
Bên cạnh những ý kiến bức xúc thì cũng có nhiều người dân cho biết đã hiểu rõ hơn về cách tính hóa đơn điện mới. Một người viết trên Facebook và nhận được rất nhiều comment đồng tình:
" Trên Facebook, nhiều người lo ngại việc tính dồn 2 tháng tiền điện theo lịch ghi chỉ số mới vào cuối tháng (thay vì mùng 4 hàng tháng như trước), mà tiền điện lại trả theo bậc luỹ kế, sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Nhưng thực tế không phải vậy. Số ngày sử dụng thực tế tăng lên (do kéo dài thời gian ghi chỉ số); thì định mức tính tiền ở từng bậc cũng được tăng lên tương ứng.
Có thể nhẩm tính như sau: Kỳ thanh toán bình thường là 31 ngày, định mức tính tiền điện bậc 1 là 50 số điện. Giờ kỳ thanh toán kéo dài thành 57 ngày (tăng 1,84 lần), định mức tính tiền điện bậc 1 cũng tăng 1,84 lần, lên thành 92 số điện. Các bậc lũy kế sau cũng tăng tương ứng.
Như vậy, thực chất là trả gần 2 tháng nên tiền điện nhiều, chứ mình dùng bao nhiêu vẫn trả bấy nhiêu như cách tính hàng tháng; không sợ bị thiệt vì tính tiền lũy kế nhé".
Trước đó, trả lời VTC News , ông Lê Ánh Dương - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội EVNHANOI cho biết, từ tháng 2/2024, EVNHANOI triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng thay vì đầu tháng như trước đây.
Vì thế số ngày tính tiền điện của đợt này tăng từ 30 ngày nâng lên thành 57 ngày (số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và tháng 2) nên hoá đơn tiền điện gần gấp đôi so với tháng trước.
" Hóa đơn tiền điện cao nhưng quyền lợi của hơn 2,8 triệu khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Thủ đô được đảm bảo, do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc cũng được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số.
Số ngày thực tế của kỳ hóa đơn này tăng lên 57 ngày, EVNHANOI cũng điều chỉnh tăng số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92kWh; bậc 3 được giãn rộng từ 100kWh lên 184kWh ", lãnh đạo EVNHANOI cho biết.
Lãnh đạo EVNHANOI cũng khẳng định, việc thay đổi lịch ghi chỉ số điện nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện giám sát điện năng tiêu thụ hàng tháng, chủ động trong việc thanh toán tiền điện, cũng như thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán.
Công tác này giúp cho ngành điện ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thực hiện hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng, đủ theo từng tháng; tuân thủ, đáp ứng đúng theo yêu cầu, quy định nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, thể hiện đầy đủ doanh thu trong năm tài chính phù hợp với chi phí phát sinh trong năm kế toán.