Vừa chạm kỷ lục, tàu siêu tốc Trung Quốc có thể sẽ lại "hít khói" những con tàu này!

Hoa Hướng Dương |

Đây là những công nghệ có thể đánh bật vị thế số 1 của Trung Quốc hiện nay về tàu nhanh nhất thế giới và Nhật Bản vẫn là đối thủ "nặng ký" nhất.

Đối thủ tương lai đánh bại vị thế kỷ lục của Trung Quốc

Tàu siêu tốc mà Trung Quốc vừa đưa vào sử dụng đang giúp nước này sở hữu con tàu siêu tốc thương mại nhanh nhất thế giới, vượt qua rất nhiều đối thủ nặng ký và có lịch sử lâu năm trong lĩnh vực này.

Vừa chạm kỷ lục, tàu siêu tốc Trung Quốc có thể sẽ lại hít khói những con tàu này! - Ảnh 1.

Tàu Phục Hưng. Ảnh Time Out Shanghai.

Tuy nhiên, "cuộc đua" vẫn còn rất dài và vị thế mà Trung Quốc có thể bị mất đi chỉ sau vài năm nữa bởi phía sau họ, "tiếng bước chân" của nhiều đối thủ đáng gờm đã tiến sát phía sau.

Hiện con tàu Phục Hưng mà Trung Quốc mới đưa vào khai thác chính thức ngày 21/09 có vận tốc lên tới 350 km/h và có thể đạt cực đại tới 400 km/h. Thế nhưng, trong tương lai không xa kỷ lục tốc độ này có thể bị lung lay trước những loại tàu siêu tốc sau:

1. Tàu đệm từ trường Linear của Nhật Bản

Trong các loại phương tiện tàu siêu tốc có thể đánh bại tốc độ của tàu Phục Hưng thì có hai loại là tàu đệm từ trường (Maglev) và tàu Hyperloop.

Khái niệm tàu đệm từ trường là một phát minh mà người Đức nghĩ ra và đang nắm bản quyền (kỹ sư người Đức Hermann Kemper), thế nhưng Nhật Bản lại tỏ ra vượt trội hơn khi tiếp thu công nghệ này, thậm chí còn vượt cả người Đức. Đây là cuộc đua với chỉ Nhật Bản và Đức mà người Đức đã tỏ ra hụt hơi về sau.

Từ khi loại tàu này được thử nghiệm ở Đức (1971) rồi sau đó 1 năm tại Nhật Bản, cuộc chạy đua công nghệ giữa hai nước luôn được đẩy mạnh không ngừng nghỉ cho tới thập niên 90 thì người Nhật dường như đã chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với chính người phát minh.

Vừa chạm kỷ lục, tàu siêu tốc Trung Quốc có thể sẽ lại hít khói những con tàu này! - Ảnh 2.

Tàu Linear. Ảnh ExtremeTech.

Những con tàu siêu tốc như thế hệ MLX01 của Nhật luôn đạt vận tốc trên 500km/h (chạy thử nghiệm) trong khi những con tàu Transrapid của Đức chỉ đạt xấp xỉ tốc độ này.

Nếu như từ năm 1970, chính phủ Đức tuyệt đối ủng hộ công trình nghiên cứu và phát triển đường sắt có khí đệm từ trường tại thì tới năm 2008 họ cũng đã hủy bỏ (đưa ra lệnh cấm) ý định xây dựng tuyến đường đệm từ trường ở Munich vì kinh phí và lý do an toàn.

Giờ đây, Nhật Bản vẫn là nước đứng đầu về lĩnh vực tàu đệm từ trường, thế nhưng tại sao loại tàu siêu việt với tốc độ vượt trội trên 500 km/h vẫn chưa được phát triển mạnh?

Dường như chính phủ Nhật vẫn chưa mặn mà với loại phương tiện này, do đó nó vẫn chỉ phát triển một cách âm thầm bên cạnh các loại tàu điện cao tốc như shinkansen, những cuộc chạy thử nghiệm cũng rất kín tiếng.

Nguyên nhân khiến ngành đường sắt Nhật Bản vẫn chưa xem đây là phương tiện cho tương lai và chưa đưa vào thương mại hóa vì giá thành cao, sức chứa, kỹ thuật cùng độ an toàn vẫn chưa thể vượt qua các thế hệ tàu shinkansen vốn đã thành thương hiệu.

Nhưng giờ đây người Nhật đã quan tâm tới tàu đệm từ trường

Nếu như trước năm 2004, Nhật vẫn tự hào vì công nghệ maglev của họ không có đối thủ thì khi Đức đưa công nghệ của mình vào việc thương mại hóa tại Thượng Hải (Trung Quốc), người Nhật đã phải có một thái độ khác.

Nhằm không để công nghệ này trở thành sân chơi riêng của người Đức, một phần là do tình trạng ngày càng quá tải của các chuyến Shinkansen trong dịp lễ tết và để cạnh tranh với nghành hàng không.

Kể từ năm 2008, Bộ Giao Thông Nhật Bản cùng công ty đường sắt JR Tokai đã chính thức tái khởi động dự án tàu đệm từ trường. Ngày 26/05/2011 Thủ Tướng đương nhiệm Kan Naoto đã ký văn bản thông qua dự án đầu tư tuyến đường đệm từ trường do công ty JR Tokai phụ trách.

Công nghệ mà Nhật Bản có được tỏ ra ưu việt hơn Đức, nhất là mức độ an toàn mà tai nạn chạy thử tháng 9 năm 2006 của tàu Transrapid Đức gây ra đã làm 23 người chết, 10 người bị thương. Con tàu Shanghai Transrapid mà Đức bắt tay với Trung Quốc cũng gặp sự cố phát hỏa năm 2010.

Trong khi đó, Linear - loại tàu đệm từ trường do sự hợp tác giữa Viện Nghiên Cứu Kỹ Thuật Tổng Hợp Đường Sắt và của công ty JR Tokai vẫn chưa có bất cứ điều bất thường hay nguy hiểm gì suốt 41 năm chạy thử nghiệm.

Những kỷ lục về tốc độ thử nghiệm cũng thuộc về Linear vào năm 1979 (517 km/h) và 2003 (581 km/h).

Có thể thấy người Nhật rất thận trọng khi âm thầm và bền bỉ (khi Đức đã từ bỏ) thử nghiệm loại tàu maglev trong hơn 40 năm trên 878.000 km tuyến đường Miyazaki và Yamanashi. Họ không vội vã đưa vào sử dụng dù chưa gặp sự cố nào trong các lần thử nghiệm như người Đức.

Tới ngày 21/4/2015, công ty vận tải đường sắt JR Tokai đã công bố kỷ lục mới về kết quả chạy thử nghiệm mới nhất khi Linear đạt tới vận tốc 603 km/giờ trên tuyến đường dài 42,8km nối giữa hai thành phố Ueno - Fuefuko thuộc tỉnh Yamanashi.

Nhưng đại diện của công ty Tokai cũng nhấn mạnh rằng nên dừng những cuộc thử nghiệm tốc độ để tập trung vào đảm bảo sự an toàn, ổn định tối đa trước khi đưa vào khai thác (thương mại hóa) năm 2027 (chi phí ước tính 45,8 tỷ USD) với tốc độ 700 km/h.

2. Tàu hyperloop

Vừa chạm kỷ lục, tàu siêu tốc Trung Quốc có thể sẽ lại hít khói những con tàu này! - Ảnh 3.

Tàu hyperloop. Ảnh NBC New York.

Nếu như maglev di chuyển dựa vào lực từ hoặc lực điện từ thì hyperloop là ý tưởng mà doanh nhân Elon Musk đề xuất, bằng cách sử dụng môi trường chân không trong một hệ thống ống. Nó còn vượt trội hơn công nghệ maglev khi có thể đạt tốc độ hơn gấp đôi!

Năm 2016, tập đoàn công nghệ hàng đầu về hyperloop có trụ sở chính ở Los Angeles là Hyperloop One đã bắt tay hợp tác trong chương trình Dubai Future Accelerator do Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum đứng đầu nhằm đưa hệ thống này vào thực tiễn năm 2020 tại UAE.

Tốc độ của những con tàu di chuyển bên trong hyperloop có thể lên tới 1.200 km/h! Đây là những công nghệ có thể sẽ đánh bại Trung Quốc trong tương lai không xa.

Bài viết được dịch từ các nguồn: Nytimes.com, Whatson.ae, Tuoitre.com.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại