Rạn nứt sâu sắc Nga-Gruzia: Hậu quả từ "sai lầm" đối ngoại hơn 2 thập kỉ của Moskva?

Tất Đạt |

Nhìn lại mối quan hệ phức tạp giữa Nga - Gruzia trong 30 năm trở lại đây (từ mốc ngày 9/4/1989), có thể thấy hai bên đã đi tới ngõ cụt trong những chính sách đối ngoại của mình.

Quan hệ bị tổn hại

Theo tác giả Emil Avdaliani trên tờ GeorgiaToday, cả hai nước Nga - Gruzia đã liên tục đổ lỗi cho nhau trong quá khứ. Tại những thời điểm đó, các tuyên bố gây chiến, những động thái chính trị sai lầm,... đã thực sự làm tổn hại và gây ra một khoảng trống lớn trong mối quan hệ song phương kể từ khi Liên Xô tan rã.

Tuy nhiên, sự xa cách giữa Nga và Gruzia không hẳn tới từ những phát ngôn và hành động của hàng loạt chính trị gia hai nước, mà tới từ những nguyên do địa chính trị quan trọng, trong đó bao gồm cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa phương Tây - Nga và vị thế của Gruzia với vai trò là một phần quan trọng trong cuộc ganh đua này.

Các chính trị gia cũng như các nhà phân tích Nga trong nhiều tuần qua đã dành sự chú ý lớn tới những động thái ở Gruzia và những điều sai lầm diễn ra giữa Nga và nước láng giềng phương nam.

Cuộc mâu thuẫn được cho là hệ quả của sự can thiệp từ Phương Tây và sự yếu kém của tầng lớp chính trị Gruzia trong việc hoạt động độc lập và không phụ thuộc vào cảm tính. Có thể thấy không chỉ giới chính trị Gruzia dễ bị cảm xúc chi phối mà một tỉ lệ lớn người dân Gruzia cũng không muốn có một chính phủ thân Nga dựa trên những gì đã trải qua trong thời gian qua (đặc biệt nhất là việc Nga thừa nhận vùng Abkhazia và Nam Ossetia).

Rạn nứt sâu sắc Nga-Gruzia: Hậu quả từ sai lầm đối ngoại hơn 2 thập kỉ của Moskva? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)

Những sự thiếu sót trong quan điểm của Nga trong những thập kỉ qua chính là những điều có thể giúp cải thiện tình hình hiện tại. Moskva dường như không có một chính sách đối ngoại lâu dài nào đối với vùng Nam Caucasus.

Những nỗ lực của Nga trong khu vực cho tới nay chỉ dừng lại ở việc đối phó với chính sách kinh tế của Phương Tây và củng cố năng lực quân sự tại các vùng Abkhazia và Nam Ossetia.

Vào một số thời điểm, Moskva đã đạt được những thuận lợi chiến lược như ngăn cản kế hoạch gia nhập NATO và EU của Gruzia. Mặc dù kiểm soát được các khu vực chính ở vùng Nam Caucasus, Moskva vẫn cần Gruzia giữ vị thế trung lập hoặc ít nhất là nghiêng về phía Nga.

Đây là điều quan trọng đối với Moskva bởi Nga luôn thiếu khả năng hợp nhất và quản lí vùng Bắc Caucasus. Hơn thế nữa, nếu không có Gruzia, Nga sẽ khó có thể kiểm soát và tự bảo vệ vùng Nam Caucaus.

Vì vậy, củng cố năng lực quân sự chỉ là một công cụ giúp bảo vệ vị thế của Nga trong một khoảng thời gian ngắn. Sau đó, những bước tiến về ngoại giao, kinh tế và văn hóa mới là động thái cần được áp dụng để thúc đẩy lợi ích địa chính trị. Đây là điều mà Nga đã không làm trong hoạt động đối ngoại với Gruzia trong suốt vài thập kỉ qua.

Hay nói cách khác, Gruzia không thấy Nga đủ "hấp dẫn" để trở thành đồng minh lâu dài. Những người phụ thuộc vào thu nhập từ nước Nga (thông qua khách du lịch Nga hoặc xuất khẩu hàng hóa tới Nga) có thể dễ dàng thay đổi hoạt động kinh doanh của mình và chuyển sang các đối tượng khác như khách hàng Châu Âu và xuất khẩu hàng tới thị trường Châu Âu.

Số phận của Gruzia

Trên thực tế, chính sách đối ngoại của Nga trong hơn 20 năm qua hầu hết đều tập trung vào việc ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây ở các vùng thời hậu Liên Xô hơn là đầu tư vào việc cải thiện vị thế của Nga trong khu vực.

Việc Gruzia "cự tuyệt" Nga cũng đã được đưa ra thảo luận trong nhiều cuộc họp. Gruzia có thể sẽ tự hào vì sự những quyết định của mình, nhưng sẽ luôn luôn nghèo khó trừ khi Gruzia hưởng lợi từ kinh tế Nga.

Một quan điểm khác cho rằng xét trên quy mô của Gruzia, những rối ren ở Châu Âu cũng như sự tập trung của Mỹ đối với hoạt động địa chính trị ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc, không sớm thì muộn Gruzia sẽ phải từ bỏ hi vọng ở Châu Âu và lại "rơi vào quỹ đạo" của Nga.

Viễn cảnh này không hoàn toàn vô căn cứ, nhưng vẫn sẽ phụ thuộc vào tương lai của Nga trong việc đương đầu với các cuộc cạnh tranh với Phương Tây và giữa Mỹ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự "cự tuyệt" vẫn khiến người Gruzia xa cách Nga và ngăn Moskva cải thiện chính sách đối ngoại lâu dài nhằm củng cố quan hệ với Gruzia. Một số chuyên gia cho rằng, bằng việc thừa nhận các lãnh thổ ly khai của Gruzia, Nga đã tự hạn chế các lựa chọn của mình trong "trò chơi ngoại giao" với Tbilisi.

Hiện nay, không ai ở Gruzia tin rằng Moskva sẽ cân nhắc trao trả lại các vùng Abkhazia và Nam Ossetia để đổi lại việc Tbilisi từ chối gia nhập NATO và EU, trái ngược hoàn toàn so với những gì họ tin sẽ xảy ra vào thời điểm trước hồi năm 2008.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại