Ở Sài Gòn, nơi người ta chẳng câu nệ việc hàng quán sang trọng hay bình dân, miễn thức ăn ngon là sẽ đông khách. Như quán xôi cay vỉa hè của gia đình cô Hương, đã gần 50 năm nay nhưng chưa hôm nào vơi khách.
Quán xôi cay nằm trên đường Nguyễn Duy Dương (quận 5) luôn tấp nập khách gần 50 năm qua.
Quán xôi cay độc đáo duy nhất ở Sài Gòn
Nếu là một thực khách hảo các món cay, từng thử qua mỳ cay 7 cấp độ hay bánh mỳ nướng muối ớt thì chắc hẳn bạn sẽ vô cùng thích thú với món xôi cay của người Hoa ở Sài Gòn.
Món xôi nóng hổi mềm dẻo được ăn kèm với nước sốt cay cay đậm đà, có chút béo béo của mỡ hành, tóp mỡ, rồi chút bùi bùi của đậu phộng, chà bông, chả lụa được gói tròn trong lá chuối xanh tạo nên một hương vị đặc trưng không thể lẫn lộn.
Món xôi cay đầy thú vị của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.
Tại Sài Gòn hiện nay chỉ còn duy nhất một quán có bán món xôi này, đó là quán xôi vỉa hè của gia đình cô Hương (50 tuổi, người gốc Hoa đang sinh sống tại quận 5).
Quán nằm lọt thỏm dưới một chung cư cũ trên đường Nguyễn Duy Dương (quận 5), không biển hiệu, không bàn ghế, mọi thứ được bày trí đơn giản trên một chiếc bàn inox. Khách ở đây hầu hết là mua đem đi.
Quán đơn sơ nằm lọt thỏm dưới một chung cư cũ.
Cô Hương cho biết: "Quán tính tới nay cũng được 48 năm tuổi rồi, từ đời của mẹ cô để lại.
Món xôi sa tế này có nguồn gốc từ những người Hoa, trước đây mẹ cô còn bán xôi cadé và xôi thịt kho, nhưng đến năm 1978 thì khách hàng không còn chuộng 2 món đó nữa nên quán chỉ còn bán xôi sa tế".
Cô Hương là người nối nghiệp bán xôi khi cha mẹ sang nước ngoài định cư.
Nằm đối diện trường THCS Lý Phong, nên để phục vụ cho đối tượng học sinh, quán thường bắt đầu bán từ lúc 6h sáng.
Thế nhưng chỉ đến khoảng 8h30 - 9h là xôi đã được bán hết. Cô Hương cho biết mỗi ngày cô bán được từ 30kg đến 40kg xôi, ngày chủ nhật không có học sinh thì ít hơn một tí.
Mỗi gói xôi có giá dao động từ 15.000 - 20.000 đồng.
"Ăn điểm" nhờ bí quyết gia truyền
"Trừ chả lụa là mua bên ngoài, còn lại toàn bộ nguyên liệu đều do gia đình cô tự chế biến theo công thức gia truyền của mẹ để lại. Sáng bán hết xôi là mọi người lại tất bật chuẩn bị chế biến nguyên liệu cho ngày hôm sau" - cô Hương chia sẻ.
Chỉ duy nhất chả lụa là phải mua bên ngoài.
Chà bông heo và patê được làm từ gan nguyên chất đều được chế biến cẩn thận, đậu phộng được rang với muối trắng cho vừa chín, bỏ vỏ rồi giã mịn.
Tuy nhiên bí quyết quan trọng tạo nên sự khác biệt cho món xôi cay chính là nước sốt sa tế của gia đình cô Hương.
Để làm ra loại nước sốt này, cô sử dụng loại ớt hiểm đặc biệt cay. Một nửa ớt được phơi khô và xay ra thành bột, nửa còn lại thì giã nhuyễn và phi bằng dầu nóng chung với hành tím.
Ngoài ra, trong nước sốt còn có tóp mỡ và nhiều gia vị khác tạo nên hương vị vừa cay vừa béo mà lại đậm đà ấn tượng.
Còn các nguyên liệu khác đều do gia đình chế biến theo công thức gia truyền.
Tuy hiện nay nhiều khách hàng yêu cầu sử dụng hộp xốp để tiện mang đi, nhưng quán vẫn giữ phương pháp gói xôi bằng lá chuối.
Cô Hương tâm sự: "Xôi được gói bằng lá chuối sẽ giữ được độ nóng. Đồng thời hơi nóng của xôi quyện với lá chuối sẽ giúp món xôi thơm và dẻo hơn".
Xôi được gói trong lá chuối tạo nên một hương thơm riêng.
Bạn Khôi (18 tuổi) đi cùng mẹ và em gái từ Bình Tân sang quận 5 để mua xôi.
Cậu bạn kể: "Mẹ mình ăn xôi ở đây từ mấy chục năm trước, từ lúc mẹ của cô Hương còn bán.
Thế nên bây giờ cả nhà chuyển sang quận Bình Tân nhưng lâu lâu thèm xôi lại sang đây mua chục gói về cho cả nhà cùng ăn. Xôi ở đây có patê và nước sốt rất ngon, nên mình và em gái cũng rất thích".
Bạn Khôi hào hứng với chục gói xôi trên tay.
Nếu có dịp ghé khu chợ An Đông, bạn hãy thử một lần ghé vào quán cô Hương để thưởng thức món xôi cay cay nồng nồng đặc trưng của cộng đồng người Hoa sinh sống ở Sài Gòn, có thể chỉ đơn giản là để thoải sự tò mò hoặc là để tìm về những hương vị cũ xưa của thành phố.